1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tết Việt và người Mỹ

Những căn lều bán hoa tết đã được dựng lên tại bãi đậu xe trước thương xá Phước Lộc Thọ (Little Saigon) từ cuối tuần qua, báo hiệu xuân đã về.

Chợ “99” gần “99 cents” của Hoa kiều gần đó cũng sắc màu. Năm nay tết rơi vào week-end nên sẽ càng đậm đà hơn. Năm mới Việt, Hoa, Hàn, Nhật... ở đây đề huề, gọi chung là Lunar New Year (năm mới âm lịch), khác với ở Pháp, không chỉ ở quận 13 Paris, tết ta bị đồng hóa với “Le Nouvel An Chinois” (năm mới của người Hoa), theo như cách gọi chính thức của người Pháp.

 

Sự đề huề đó phần do cộng đồng người Việt với những hoạt động đầy sắc thái Việt như “Cây mùa xuân Bính Tuất 2006” ngày thứ sáu 20/1 tại Paracel Seafood Restaurant ở Westminster (CA), cuộc thi hoa hậu áo dài Bắc California năm nay sang “tuổi 19”, hội tết ở Garden Grove cho Nam California, hội tết ở Fairgrounds (San José) ngày 4 và 5/2 đến năm Tuất này sẽ vào “tuổi 24”... Riêng nhạc sĩ Phạm Duy Tết Quý Mùi 2003 còn lên đồi Foothill ở San Jose hát, tết năm nay đã về lại quê nhà, sống và hát “Ngày trở về”...

 

Sự đề huề đó cũng có phần do tính cách melting-pot (nhào trộn văn hóa) ở Hoa Kỳ. Giới học thuật Hoa Kỳ quan tâm nhiều đến yếu tố Việt trong văn hóa hiệp chủng Hoa Kỳ. Trên website teacherlink của Viện đại học tiểu bang Utah có một bài giảng “kiểu mẫu” mang tựa đề “Tet, The Vietnamese new year” dành cho học sinh lớp 3-4 của tác giả Tracy Ward. “Tet” chứ không phải “Chinese new year”. Cũng có phần do đôi chút lịch sử: danh từ Tet được người Mỹ nhớ mãi từ năm 1968.

 

Ở một nước đa chủng, những vách ngăn “tự nhiên” thường thì nhiều hơn là những cơ hội hiểu biết lẫn nhau. Một bà Mễ, nhà trên đường Yorkey, khi biếu tôi mấy quả chanh chín cây đỏ ối hái trong sân trước nhà, cũng chỉ tiếng Mễ mà nói.

 

Năm ngoái ba đứa cháu tôi, một lớp 5, một lớp 3, một lớp 1, vừa qua cuối tháng 3-4 đã nếm mùi “xe buýt vàng” chở học sinh đến trường, một ngôi trường đa chủng, trong đó có ba đứa nhóc bẻ một chữ tiếng Anh cũng không biết này. Thành ra, cô giáo Tracy Ward của Viện đại học Utah khi soạn bài giảng này hẳn muốn chia sẻ với các đồng nghiệp dạy lớp 3, 4 những gì cô hiểu biết về cái tết của người Việt, để quí vị này từ đó giảng lại cho học sinh của mình. Đặng mà hiểu nhau. Bài giảng của cô Tracy kéo dài trong năm tiết khá “kim cổ”.

 

Cổ: “VN là một nước ở đông bán cầu - giảng cho con nít tây bán cầu mà - chịu ảnh hưởng Trung Hoa trong nhiều năm. Nên năm mới của người Hoa và năm mới của người Việt có nhiều điểm tương đồng... Người Việt cực kỳ trân trọng khởi đầu năm mới cho suông sẻ. Sắm quần áo mới, sơn sửa nhà cửa, thanh toán nợ nần, dũ tội cho nhau nhằm xóa đi mọi ác cảm... Người Việt thường chưng một cây tắc như là một “cây tết”, cây càng sai trái, gia đình càng may mắn... Tết là...”.

 

Cô giáo Tracy mô tả thật chi tiết từng tập tục của người Việt, từ xông đất, viếng thăm, ai đến ai ngày mồng một, mồng hai, mồng ba... Cả một “rừng” văn hóa học sinh các nước khác sẽ bước vào nhờ bài giảng của cô. Chi li mà giản dị, không một chút hàn lâm. Viết cho con nít mà lại! Giản dị song sâu sắc: “Tết không chỉ là đầu một năm mới mà còn là sinh nhật của mỗi một người. Người Việt quen thêm một tuổi vào ngày tết”.

 

Kim: Trước 1995, pháo còn nổ rền đuổi mọi ma quỉ, đón chào năm mới. Vào năm 1995, do lẽ đây là một sự lãng phí tiền bạc quá lớn và tỉ lệ thương vong cao (71 người chết năm 1994), nên chính phủ đã cấm đốt pháo, kết quả là một cái tết rất yên tĩnh... Nhiều tín đồ Phật giáo đi chùa cầu phước cho năm mới. Người Công giáo đi lễ nửa đêm”.

 

Kim một cách gần gũi: “Ở Hoa Kỳ, rất đông dân chúng người Việt ăn tết. Ở Orange County, California, trẻ em VN không đến trường vào ngày này...”.

 

Cô giáo Tracy không chỉ soạn bài giảng, còn soạn cả mục lục tham khảo (kể cả website một tour du lịch VN) giới thiệu cho các đồng nghiệp của cô. Sang nhóm học sinh lớp 4 đến lớp 6, cô đề ra mục đích yêu cầu của bài học như sau:

 

“Học sinh sẽ nhận diện các điểm giống nhau và khác nhau trong truyền thống giữa năm mới của người Việt, tết, và các ngày lễ lớn khác ở Hoa Kỳ.

 

Học sinh tìm xem mình sinh năm nào theo âm lịch và so sánh những gì người ta mô tả năm (con) đó với những gì cảm nhận về chính mình.

 

Học sinh tập vẽ một thiệp chúc mừng gắn trên cây tắc...

 

Học sinh lên kế hoạch tổ chức một buổi sinh hoạt vui của lớp căn cứ theo những truyền thống đã học được trong bài này về tết.

 

Từ lệnh cấm đốt pháo vào dịp tết của Chính phủ VN năm 1995, hãy cho học sinh suy nghĩ, thảo luận đề tài cấm đốt pháo vào ngày 4/7 (lễ Độc lập Mỹ) mà mỗi năm cũng có nhiều người bị thương, tài sản bị hư hỏng vì pháo...”.

 

Cái cách thảo luận cũng hay, không độc đạo, mà là “tứ phía”.

 

“Đặt ở mỗi góc lớp một phát biểu sau: Vào dịp lễ 4/7: 1/ Không nên bán pháo cho công chúng, chỉ cho phép bắn pháo đại với sự giám sát của lính cứu hỏa - 2/ Không bán pháo cho bất cứ ai - 3/ Chỉ bán cho những ai từ 12 tuổi trở lên - 4/ Không bán pháo cho ai cả, chỉ bắn pháo bông mà thôi. Có thể thêm một góc nữa cho một phát biểu nào khác.

Hãy để học sinh tự quyết định xem đồng ý với phát biểu nào và tự mình đến góc đó. Mỗi học sinh sẽ cho biết tại sao lại chọn góc đó. Cuối cùng một đại diện sẽ thay mặt nhóm bảo vệ quan điểm của nhóm mình...”.


Theo Hữu Nghị

Tuổi trẻ