1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tết "khác thường" ở Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Không còn cảnh tượng hàng trăm triệu người ùn ùn đổ về quê ăn tết, Trung Quốc khuyến cáo người dân "ai ở đâu, ở yên đó" để ngăn dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Tết khác thường ở Trung Quốc - 1

Nhà ga ở Thượng Hải chật kín người vào đầu năm 2019 (Ảnh: Getty)

Những chính sách nghiêm ngặt

Thông thường vào thời điểm này hàng năm, hàng trăm triệu người Trung Quốc ùn ùn đổ về quê ăn tết cổ truyền hay còn được gọi là đợt "xuân vận" lớn nhất hành tinh. Với nhiều người Trung Quốc tìm đến các thành phố lớn để có cơ hội việc làm tốt hơn, tết cổ truyền là dịp hiếm hoi để họ có thể đoàn tụ với gia đình.

Năm nay, chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân nếu không có lý do cần thiết thì nên hạn chế di chuyển để ngăn dịch bùng phát. Để người dân hạn chế đi lại, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban bố các quy định mới yêu cầu người dân khi trở về các vùng nông thôn phải có xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 7 ngày trước đó, và phải cách ly tại nhà 14 ngày. Một số chính quyền địa phương thậm chí tự đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Ở một số địa phương, người dân từ nơi khác trở về phải cách ly tại một cơ sở cách ly do chính quyền quản lý thay vì cách ly tại nhà.

Những quy định đó đã kéo theo làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, một số người hoài nghi về chính sách của chính quyền địa phương vào thời điểm mà nhiều người muốn về quê nhà đoàn tụ với gia đình.

Chính phủ trung ương Trung Quốc ban hành lệnh cấm di chuyển đối với những người có lịch sử đi lại đến các vùng dịch hoặc nơi có nguy cơ cố. Những người ở các khu vực có nguy cơ trung bình không bị cấm di chuyển nếu có được sự chấp thuận đặc biệt của giới chức dịch tễ và có kết quả âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ đồng hồ. Người dân ở các vùng có nguy cơ thấp được khuyến khích "ai ở đâu, ở yên đó", nhưng không bị cấm di chuyển.

Tuy nhiên trên mạng xã hội Weibo, nhiều người phàn nàn rằng chính quyền địa phương của họ bổ sung thêm các yêu cầu đối với người trở về ngay cả khi chính phủ yêu cầu không siết quá chặt. "Tôi nghĩ chính sách này quá nghiêm ngặt. Tết là cơ hội hiếm hoi và quan trọng để nhiều người trở về đoàn tụ với gia đình", Dan Di, 21 tuổi, vừa hoàn tất 21 ngày cách ly sau khi trở về từ Hong Kong, cho biết.

Dịp tết "khác thường"

Tết khác thường ở Trung Quốc - 2
Nhà ga Bắc Kinh vắng vẻ vào dịp trước tết. (Ảnh: Getty)

Suốt nhiều tháng, truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi thành công của nước này trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm nay, cuộc chiến ứng phó đại dịch Covid-19 của Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới. Hồi tháng 1, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc Covid-19 ở các tỉnh miền bắc nước này, đánh dấu đợt bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.

Đây là năm thứ hai Trung Quốc phải đối phó với Covid-19 vào dịp tết cổ truyền. Năm ngoái, nhà ga chính ở Bắc Kinh chật kín người về quê đón tết bởi khi đó giới chức Trung Quốc vẫn chưa xác nhận Covid-19 có thể lây từ người sang người cũng như chưa thừa nhận việc Covid-19 đã lọt ra ngoài tâm dịch Vũ Hán.

Chỉ hai ngày trước tết, Vũ Hán bị phong tỏa, nhưng lúc đó hàng triệu người đã tỏa về các nơi khác. Sau kỳ nghỉ tết, nhiều người lại không thể quay trở thành thành phố để làm việc do các lệnh phong tỏa.

Năm nay tuy không còn cảnh tượng người dân ùn ùn đổ về quê ăn tết như trước kia. Nhà ga chính của Bắc Kinh rất vắng vẻ trước kỳ nghỉ tết. Trong ngày đầu tiên của đợt xuân vận bắt đầu từ ngày 28/1, lượng hành khách của sân bay quốc tế Bắc Kinh cũng giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc, tính chung cả Trung Quốc, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không giảm 71%.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước đoán sẽ có khoảng 1,15 tỷ lượt di chuyển trong giai đoạn 40 ngày xuân vận năm nay, giảm 61% so với năm 2019, và giảm 22% so với năm ngoái. Nếu dự đoán này là đúng, đây sẽ là năm có số lượt di chuyển vào dịp tết thấp nhất ở Trung Quốc kể từ khi chính phủ bắt đầu công bố số liệu vào năm 2003.