Tên lửa "quái vật Frankenstein" của Ukraine lần đầu bắn hạ UAV Nga
(Dân trí) - Hệ thống phòng thủ kết hợp FrankenSAM của Ukraine lần đầu tiên bắn hạ một máy bay không người lái tự sát Shahed, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Alexander Kamyshin tuyên bố.
"Một trong những hệ thống này đã được sử dụng thành công lần đầu tiên vào đêm qua (sáng sớm 17/1). Chúng tôi đã bắn hạ Shahed ở khoảng cách 9km, đánh dấu lần đầu tiên hệ thống này được sử dụng", Kyiv Post dẫn lời Bộ trưởng Kamyshin.
Hiện chưa rõ sự việc xảy ra ở đâu, nhưng ông Kamyshin đưa ra thông báo trên sau khi Không quân Ukraine vào sáng 17/1 tuyên bố đã bắn hạ 19 trên 20 chiếc UAV Shahed do Nga phóng tới miền nam Ukraine trong đêm.
Đây là lần đầu tiên Kiev tuyên bố sử dụng thành công FrankenSAM - tên gọi hệ thống phòng không kết hợp thiết bị thời Liên Xô của Ukraine với tên lửa do phương Tây cung cấp.
Theo ông Kamyshin, Ukraine đã triển khai cả 5 hệ thống phòng không "lai" nói trên ra chiến trường.
Hệ thống FrankenSAM được tạo ra bằng cách sửa đổi các bệ phóng tên lửa hoặc radar thời Liên Xô có sẵn trong kho của Kiev, như gắn tên lửa RIM-7 Sea Sparrow của Mỹ lên bệ phóng Buk của Liên Xô, hay kết hợp radar thời Liên Xô với tên lửa AIM-9M Sidewinder.
Hồi tháng 10/2023, giới chức quốc phòng Mỹ nói với New York Times rằng cả 2 tổ hợp trên đã được thử nghiệm nhiều tháng tại các căn cứ quân sự của Mỹ và dự kiến được chuyển giao cho Ukraine vào mùa thu cùng năm.
Họ cũng đang thử nghiệm mẫu FrankenSAM thứ ba, kết hợp bệ phóng và tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất với hệ thống radar loại cũ do Ukraine sản xuất.
Quan chức Ukraine không tiết lộ mẫu FrankenSAM nào đã thực hiện vụ đánh chặn vừa qua. Nhưng theo War Zone, khoảng cách đánh chặn 9km nằm trong phạm vi của tổ hợp Buk và RIM-7.
Tầm bắn tối đa của tên lửa RIM-7 có thiết kế chuyên dụng và được phóng từ mặt đất hiện là thông tin mật, nhưng thường được cho là rơi vào khoảng 12km trong điều kiện thực tế.
Tổ hợp dùng tên lửa không đối không AIM-9M cũng có thể đã được dùng nhưng khoảng cách 9km nhiều khả năng là mức cực hạn của loại tên lửa này.
Sự "hồi sinh" của loại tên lửa hết thời
Tháng 10/2023, Financial Times dẫn lời một quan chức Ukraine giấu tên cho biết, các hệ thống FrankenSAM dùng AIM-9M sẽ giúp nước này "vượt qua mùa đông".
"Những tên lửa AIM-9 ấy đã ngừng hoạt động", quan chức này nói. "Chúng tôi đã sửa chữa chúng và tìm ra cách phóng chúng từ mặt đất".
Quân đội Mỹ ngày càng ít sử dụng AIM-9M và đã xuất khẩu lượng lớn mẫu tên lửa này. Vì thế, đây có thể là nguồn tên lửa dồi dào mà Ukraine có thể tận dụng trong tương lai.
Tên lửa RIM-7 cũng gặp tình trạng tương tự và đã dần được loại bỏ khỏi nhiều lực lượng vũ trang trên toàn thế giới trong vài thập kỷ qua.
Hầu hết hệ thống FrankenSAM không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Nhưng chúng vẫn là năng lực bổ sung trước các mối đe dọa cấp thấp, nhất là khi Nga thường kết hợp UAV, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trong các đợt tập kích quy mô lớn.
Theo New York Times, chương trình FrankenSAM là "đứa con tinh thần" của Ukraine trước khi các kỹ sư Mỹ bắt tay vào phát triển các hệ thống này.
FrankenSAM đang "góp phần lấp đầy những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống phòng không của Ukraine và đây là thách thức lớn nhất mà Ukraine phải đối mặt hiện nay", quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, Laura Cooper, nói với New York Times.
Những hệ thống phòng không này giúp Washington và Kiev tận dụng trang bị sẵn có trong bối cảnh gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine còn bế tắc tại Quốc hội Mỹ. Đây cũng là một bước hướng tới mục tiêu xây dựng tổ hợp công nghiệp - quốc phòng của riêng Ukraine để giảm phụ thuộc vào viện trợ phương Tây.
Khi mà việc phát triển hệ thống phòng không nội địa mới hoàn toàn cho Ukraine có thể mất gần 5 năm, các hệ thống kết hợp này "là giải pháp nhanh chóng", ông Kamyshin nói tháng 12/2023.