1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tên lửa Nga nổ tung sau khi rời bệ phóng

(Dân trí) - Sáng sớm nay, một tên lửa Proton-M của Nga đã bất ngờ lao xuống đất nổ tung chỉ vài giây sau khi được phóng đi từ trung tâm vũ trụ Baikonur, Kazakhstan.

Tên lửa Proton-M của Nga đã 2 lần trục trặc trong 3 năm qua
Tên lửa Proton-M của Nga đã 2 lần trục trặc trong 3 năm qua

Theo hãng tin RIA Novosti, tên lửa Proton-M nêu trên được phóng lên trong kế hoạch bổ sung 3 vệ tinh cho mạng lưới định vị và dẫn đường toàn cầu Glonass. Tuy nhiên, không lâu sau khi rời bệ phóng tên lửa đã bị rơi và nổ tung.

Buổi phóng tên lửa được kênh Rossyia 24 tường thuật trực tiếp.

“Đã có một vụ tai nạn xảy ra trong quá trình phóng tên lửa Proton-M. Tên lửa đã rơi và phát nổ trong khu vực bãi phóng”, người phát ngôn của Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos xác nhận. “Một ủy ban điều tra do phó giám đốc Roscosmos Alexander Lopatin đứng đầu đã được thành lập”.

Trước đó một nguồn tin trong ngành vũ trụ Nga tiết lộ với RIA Novosti rằng, những kết luận ban đầu về các nguyên nhân của vụ phóng thất bại có thể được hoàn tất trong vòng 2-3 ngày tới. Tuy nhiên rất có thể đã có trục trặc kỹ thuật đối với động cơ đẩy DM-3.

Nguồn tin này cũng cho biết, nhiều khả năng bãi phóng Baikonur sẽ bị tạm dừng hoạt động trong 2-3 tháng tới do khu vực này bị ô nhiễm bởi 200 tấn nhiên liệu tên lửa độc hại.

Đây là lần thứ hai một tên lửa Proton-M được trang bị động cơ đẩy DM-03 không thể phóng thành công trong vòng 3 năm qua.

Tháng 12/2010, Nga từng mất 3 vệ tinh Glonass khi một tên lửa Proton-M bay chệch quỹ đạo trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Khi đó tên lửa này cũng được trang bị động cơ đẩy DM-3, được thiết kế và sản xuất bởi tập đoàn vũ trụ Energia.

Một ủy ban điều tra quốc gia sau đó kết luận các chuyên gia của Energia đã tính toán sai lượng nhiên liệu cần thiết cho DM-03. Hậu quả là lượng chất oxy hóa đã vượt quá tiêu chuẩn từ 1-1,5 tấn và trọng lượng phụ trội khiến Proton-M không thể đưa vệ tinh vào quỹ đạo dự kiến.

Thanh Tùng
Theo RIA Novosti