1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tên lửa liên lục địa Trung Quốc đe dọa hệ thống phòng thủ của Mỹ

(Dân trí) - Không một hệ thống phòng không nào của Mỹ hiện thời có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 mà Trung Quốc phát triển mới đây, tờ Die Welt của Đức nhận định.

Một bệ phóng di động DF-41.
Một bệ phóng di động DF-41.

Chuyên gia Karl Josef Dahlem, trưởng cố vấn về phòng thủ của hãng chế tạo vũ khí châu Âu MBDA, cho biết với tờ Die Welt trong một cuộc phỏng vấn rằng đánh chặn DF-41 trên không là một thách thức tương tự việc cố gắng bắn một viên đạn trúng một viên đạn đang bay khác.

Theo ông Dahlem, để có thể đánh chặn các tên lửa liên lục địa, Mỹ bắt buộc phải phát hiện sớm tên lửa bằng các cơ sở radar và do thám.

"Phụ thuộc vào đường bay, một tên lửa chỉ mất từ 20-25 phút để phóng từ châu Á tới một mục tiêu tại Mỹ", ông Dahlem cho hay.

DF-41 có khả năng bay lên độ cao trên 1.000 km trong vũ trụ, xa gấp 2 lần Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Vì lý do này, tốt nhất là một hệ thống phòng thủ phải phá hủy tên lửa khi nó vẫn còn ở xa mục tiêu trên mặt đất.

Với tầm tấn công từ 12.000-15.000 km, Die Welt cho hay DF-41 có các khả năng tương tự tên lửa Minuteman của Mỹ hay RS-24M Yars của Nga. Bất kỳ biện pháp đối phó nào cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối của Mỹ trước các vụ tấn công tên lửa liên lục địa.

Trung Quốc mới đây đã thừa nhận phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, được cho là có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân và có thể vươn xa tới Mỹ.

Theo đánh giá Hệ thống vũ khí chiến lược của tạp chí quốc phòng Jane's, DF-41 được thiết kế có tầm xa khoảng 12.000 km, đưa nó trở thành một trong những tên lửa có tầm xa nhất thế giới.

Trong một báo cáo hồi tháng 6, Bộ quốc phòng Mỹ cho biết tên lửa DF-41 có thể mang vài đầu đạn hạt nhân.

An Bình
Tổng hợp