1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tay súng tại New Zealand dính dáng tới nhóm thượng đẳng da trắng ở Ukraine

(Dân trí) - Theo một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, tay súng gây ra các vụ thảm sát gần đây tại New Zealand được cho là có liên hệ với một nhóm bán quân sự da trắng thượng đẳng, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Ukraine. Nghi phạm cũng từng tới Ukraine trong các chuyến đi dài ngày khắp thế giới.

 

Tay súng tại New Zealand dính dáng tới nhóm thượng đẳng da trắng ở Ukraine - 1

Nhà thờ Hồi giáo Al Noor tại thành phố Christchurch, New Zealand, nơi xảy ra vụ xả súng gần đây làm 41 người chết (Ảnh: AP)

Theo Trung tâm Soufan, một tổ chức nghiên cứu chính sách tại New York (Mỹ) chuyên về các vấn đề an ninh toàn cầu và các mối đe dọa khẩn cấp, sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào 2 nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Christchurch (New Zealand), các mối liên hệ đã xuất hiện giữa thủ phạm và một nhóm bán quân sự da trắng thượng đẳng, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Ukraine có tên gọi “Tiểu đoàn Azov”.

“Bản tuyên ngôn” của tay súng cũng nói rằng y từng tới Ukraine trong các chuyến du lịch nước ngoài, và chiếc áo khoác mà y mặc trong vụ xả súng cũng có biểu tượng mà Tiểu đoàn Azov từng sử dụng.

Tuy nhiên, các mối liên hệ xuyên quốc gia của tay súng đã vượt ra ngoài Ukraine, khi hắn khẳng định đã liên hệ với Anders Behring Breivik, tay súng từng sát hại 77 người tại Na Uy, và hắn đã thực hiện nhiều chuyến đi trên khắp châu Âu, trong đó có khu vực Balkan, tới thăm các địa điểm từng là các trận đánh lịch sử mang tính biểu tượng giữa người Hồi giáo và Công giáo.

Trong video về vụ tấn công, nghi phạm được nghe thấy đang nghe một bài hát ca ngợi tên tội phạm chiến tranh người Serbia Bosnia Radovan Karadzic và khẩu súng của y được viết các thông điệp phân biệt chủng tộc và có tên của các phần tử da trắng thượng đẳng khắp thế giới.

Tiểu đoàn Azov đang nổi lên là một mắt xích quan trọng trong mang lưới cực đoan bạo lực cánh hữu (RWE) xuyên quốc gia. Nhóm này có “văn phòng vươn tới phương Tây” để tuyển dụng và thu hút các tay súng nước ngoài, những kẻ thường đi lại để huấn luyện và kết nối với những người từ các tổ chức có cùng ý tưởng trên toàn cầu.

Các thành viên từ “văn phòng” trên đã đi khắp châu Âu để quảng bá cho tổ chức và thúc đẩy sứ mệnh của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Vào tháng 7/2018, những tờ rơi bằng tiếng Đức đã được phát tới các du khách tại một lễ hội nhạc rock cánh tả tại bang Thuringia (Đức), mời họ trở thành thành viên của Tiểu đoàn Azov: “hãy tham gia hàng ngũ của những người ưu tú nhất” để “cứu châu Âu khỏi sự tuyện chủng”.

Tiểu đoàn Azov cũng thiết lập các trại thanh niên, các trung tâm giải trí thể thao, các khu vực thuyết giảng và các chương trình giáo dục cực hữu, trong đó có một số dạy các chiến thuật quân sự và hệ tư tưởng cực hữu cho những trẻ em có khi mới 9 tuổi. Cách tiếp cận để kết nối này phục vụ một trong những mục tiêu bao trùm của Tiểu đoàn Azov - biến các khu vực mà nhóm này kiểm soát tại Ukraine thành trung tâm chính của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng xuyên quốc gia.

Có bằng chứng cho thấy các mạng lưới RWE cũng hoạt động tích cực trong việc tuyển mộ các tay súng khắp thế giới để ủng hộ chúng. Tiểu đoàn Azov và các tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan khác đang đóng vai trò trong sự toàn cầu của tình trạng bạo lực do RWE gây ra.

Trên thực tế, Tiểu đoàn Azov cũng đang thúc đẩy liên hệ với các nhóm RWE khác, đón các thành viên đến thăm từ các tổ chức chủ nghĩa cực đoan như các thành viên của phong trào RAM tại Mỹ và “Hành động quốc gia” từ Anh và các phần tử thượng đẳng da trắng khác từ khắp thế giới.

Tại Mỹ, vài thành viên của RAM từng có thời gian tham gia huấn luyện tại Ukraine với Tiểu đoàn Azov gần đây đã bị FBI truy tố vì vai trò trong các vụ bạo lực hồi tháng 8/2017 tại Charlottesville, Virginia.

Giống các nhóm phiến quân Hồi giáo 

Đáng nói là, có sự giống nhau trong ý thức hệ, chiến lược và chiến thuật chiêu mộ giữa các tổ chức phiến quân Hồi giáo - như Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda - và các nhóm RWE. Cả hai dạng nhóm bạo lực này đều tìm cách áp dụng các phiên bản về những gì mà chúng coi là "một xã hội thuần túy".

Cũng có sự giống nhau đến kỳ lạ giữa tổ chức Maktab al-Khidamat thuộc al-Qaeda và “Văn phòng vươn tới phương Tây” của Tiểu đoàn Azov, khi cả hai đều có trách nhiệm thúc đẩy lý tưởng và giúp tuyển mộ thành viên. Trong khi Afghanistan là nơi ẩn náu cho các tổ chức phiến quân như Jihah Hồi giáo của Ai Cập và Nhóm chiến đấu Hồi giáo của Libya vào những năm 1980, thì các khu vực ở Ukraine trở thành thiên đường an toàn cho một loạt nhóm RWE bạo lực để tập hợp, huấn luyện và cực đoan hóa.

Và cũng giống như lộ trình của các nhóm phiến quân Hồi giáo, mục tiêu của nhiều thành viên thuộc các nhóm RWE là trở lại đất nước bản địa (hoặc các quốc gia thứ ba) để gây mất ổn định và sử dụng các hành động bạo lực như biện pháp để tuyển mộ các thành viên mới. Tuy nhiên, không giống các phần tử cực đoan Hồi giáo muốn tấn công các mục tiêu phương Tây, các phần tử da trắng thượng đẳng bị cực đoan hóa có lợi thế là có thể hành động ở phương Tây, như tên khủng bố ở Christchurch đã làm.

Nghi phạm ở Christchurch không hành động một mình, mà có thể có một mạng lưới các phần tử cực đoan cánh hữu bạo lực rộng lớn hơn. Nếu tai súng tại New Zealand được chứng minh rằng từng tới Ukraine để huấn luyện giống các phần tử có cùng mục đích khác, thì vụ tấn công tại New Zealand có thể là ví dụ đầu tiên về một hành động khủng bố do một tay súng nước ngoài theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng thực hiện. Và nếu cộng đồng quốc tế không nhận ra mối nguy hiểm gây ra do các mạng lưới xuyên quốc gia này thì vụ tấn công tại New Zealand có thể không phải là cuối cùng.

An Bình

Theo SCMP