Tàu vũ trụ Trung Quốc hạ cánh thành công xuống mặt trăng
(Dân trí) - Tàu vũ trụ của Trung Quốc ngày 14/12 đã thực hiện thành công cú hạ cánh mềm xuống mặt trăng lần đầu tiên kể từ năm 1976, trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Liên Xô cũ làm điều được điều này, đánh dấu bước tiến lớn trong chương trình vũ trụ đầy tham vọng.
Xe tự hành Thỏ Ngọc di chuyển trên bề mặt mặt trăng.
Hãn tin Xinhua của Trung Quốc đưa tin, tàu Hàng Nga-3 bắt đầu hạ thấp xuống mặt trăng lúc 9 giờ tối ngày 14/12 giờ Bắc Kinh và đáp xuống một khu vực có tên gọi là Vịnh Cầu Vồng 11 phút sau đó, lúc 9h11.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã đồng loạt vỗ tay khi Hằng Nga-3 được nhìn thấy hạ cánh thành công xuống bề mặt mặt trăng thông qua các màn hình lớn tại trung tâm kiểm soát ở Bắc Kinh.
Vài giờ sau khi Hằng Nga-3 hạ cánh xuống mặt trăng, xe tự hành 6 bánh Yutu (Thỏ Ngọc) đã tách khỏi tàu đổ bộ vào sáng sớm nay giờ Bắc Kinh.
Theo Xinhua, Thỏ Ngọc đã xuống bề mặt mặt trăng lúc 4h35 phút sáng ngày 15/12 và di chuyển trên đó, để lại một vết sâu trên bề mặt "chị Hằng". Quá trình này đã được ghi lại bằng camera trên tàu đổ bộ và các hình ảnh được gửi về trái đất.
Sau khi tách nhau ra, Thỏ Ngọc và Hằng Nga-3 sẽ chụp ảnh về nhau và bắt đầu các hoạt động nghiên cứu khoa học của riêng mình.
Hằng Nga-3 sẽ hoạt động trên mặt trăng khoảng 1 năm, trong khi Thỏ Ngọc dự kiến sẽ hoạt động trong 3 tháng.
Thỏ Ngọc mang theo các thiết bị tinh vi, trong đó ra-đa thâm nhập mặt đất để tiến hành các phép đo đối với bề mặt và đất mặt trăng.
Thỏ Ngọc, nặng 120 kg, được cho là có khả năng leo lên các đường dốc 30 độ và có thể di chuyển với vận tốc 200 m/giờ.
Theo một số chuyên gia vũ trụ Trung Quốc, sứ mệnh nhằm thử nghiệm các công nghệ mới, thu thập dữ liệu và nâng cao chuyên môn khoa học. Nó cũng khảo sát các nguồn khoáng chất giá trị có thể được khai thác một ngày nào đó.
Cú hạ cánh xuống bán cầu bắc của mặt trăng đánh dấu bước tiến mới nhất trong chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc.
Theo Xinhua, BBC