1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu Trung Quốc rời bãi cạn Scarborough: Đòn nghi binh?

Dù các tàu Trung Quốc đã rời khỏi bãi cạn Scarborough được 3 ngày nhưng Philippines, Mỹ hay các học giả thế giới đều vẫn bày tỏ nghi ngờ.

Hãng tin AP ngày 28/10 dẫn lời ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết, các tàu Trung Quốc đã không còn hiện diện ở Scarborough, nơi tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh trên biển Đông.

“Từ 3 ngày trước, không còn tàu Trung Quốc, gồm cả tàu hải cảnh và hải quân, ở khu vực Scarborough”, ông Lorenzana tuyên bố.

Ông Lorenzana , nhấn mạnh việc rời đi của các tàu Trung Quốc là một diễn biến đáng hoan nghênh và ngư dân nước này có thể quay trở lại đánh bắt cá.

“Tàu Trung Quốc rời đi, ngư dân của chúng tôi có thể đánh bắt cá trở lại ở khu vực này. Chúng tôi hoan nghênh diễn biến này. Ngư dân của chúng tôi đã không đánh bắt tại đây kể từ năm 2012”, ông Lorenzana tuyên bố.

Trong khi đó, phát biểu trước các phóng viên ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đánh giá cao việc Trung Quốc rút khỏi bãi cạn Scarborough và khẳng định đây sẽ là một bước phát triển tích cực.


Dù các tàu Trung Quốc đã rời khỏi bãi cạn Scarborough được 3 ngày nhưng Philippines, Mỹ hay các học giả thế giới đều vẫn còn nghi ngờ.

Dù các tàu Trung Quốc đã rời khỏi bãi cạn Scarborough được 3 ngày nhưng Philippines, Mỹ hay các học giả thế giới đều vẫn còn nghi ngờ.

Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Mark Toner cho biết Washington vẫn tiếp tục đánh giá các báo cáo về việc tàu Trung Quốc rời bãi cạn Scarborough và ngư dân Philippines lần đầu tiên có thể đánh bắt cá ở khu vực này mà không bị ngăn cản.

“Chúng tôi mong đây không phải một biện pháp tạm thời. Chúng tôi hy vọng đó là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Philippines đang tiến tới một thỏa thuận về tiếp cận đánh bắt ở bãi cạn Scarborough, phù hợp với phán quyết mà tòa trọng tài quốc tế đưa ra ngày 12/7”, ông Toner nhấn mạnh.

Đánh giá về động thái trên của Trung Quốc, ông Greg Poling, một chuyên gia về biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington khẳng định, việc Bắc Kinh rút khỏi Scarborough sẽ có một ý nghĩa lớn, nếu đó là thực và được duy trì.

“Nhưng tất cả còn chưa rõ ràng vào thời điểm này”, ông Greg Poling nhận định.

Trung Quốc dùng đòn nghi binh?

Động thái trên của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có chuyến thăm tới Bắc Kinh và ông đã nhiều lần đề nghị nước này chấm dứt việc phong toả bãi cạn.

Trước đó, ngày 12/7, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã ra phán quyết, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò” do nước này đơn phương vẽ ra ở Biển Đông.

Tuy nhiên từ đó đến nay, Bắc Kinh đều khẳng định không chấp nhận phán quyết của toàn Trọng tài PCA.

“Trung Quốc cống hiến cho duy trì hòa bình và ổn định" ở Biển Đông nhưng sẽ không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa án liên quan đến tranh chấp”, tờ Reuters dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Trong lần này cũng vậy, dù Philippines và Mỹ đều đưa ra những tuyên bố tàu Trung Quốc rút khỏi bãi cạn Scarborough tuy nhiên khi được hỏi ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không đề cập đến việc này.

“Hai nước có thể hợp tác cùng nhau để xử lý những vấn đề liên quan đến biển Đông và giải quyết tranh chấp một cách phù hợp”, ông Lục tuyên bố mập mờ trong một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó.


 Tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông

Tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông

Giới phân tích cho rằng đây dường như là đòn nghi binh của Trung Quốc nhằm chuẩn bị những kế hoạch lớn sắp diễn ra tại Scarborough. Điều này không hẳn không có cơ sở.

Hồi cuối tháng 8 vừa qua, truyền thông Trung Quốc lại đồng loạt đưa tin, nước này sẽ đưa tàu hút bùn đất cùng nước bằng hệ thống ống (TSHD) mang tên Tuần Dương mới do Hà Lan đóng ra bãi cạn Scarborough nhằm cải tạo bồi đắp quanh khu vực này.

Hồi cuối tháng 7, tờ báo Hong Kong South China Morning Post cũng dẫn một nguồn tin thân cận với Hải quân Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẽ bắt đầu bồi đắp bãi cạn Scarborough hiện đang tranh chấp với Philippines vào cuối năm nay, và có thể sẽ xây thêm một đường băng để phục vụ hoạt động của không quân nước này tại đó.

“Bắc Kinh sẽ thúc đẩy kế hoạch bồi đắp trên Hoàng Nham (tên Trung Quốc gọi bãi Scarborough) trong năm nay”, nguồn tin giấu tên nói.

Nguồn tin nói rằng, với việc xây dựng các cơ sở trên Scarborough, Bắc Kinh sẽ mở rộng tầm bao phủ vùng trời trên cả khu vực Biển Đông.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ thúc đẩy kế hoạch xây dựng một tiền đồn mới cách bờ biển Philippines 230km, trong bối cảnh Mỹ và Philippines đang thắt chặt hợp tác quân sự.

Trong khi đó, tờ Fox News bình luận, bãi cạn Scarborough là một trong những điểm mà Trung Quốc đã có dự định rất lâu nhằm xây dựng tiền đồn, đường băng và đặc biệt chỉ cách Philippines 230 km. Động thái mới này đều nằm trong tính toán của Trung Quốc và chắc chắn sẽ đẩy lên đỉnh điểm những tình hình phức tạp của khu vực đảo.

“Nếu Trung Quốc hoàn thành việc này thì chắc chắn họ sẽ thực hiện được phần quan trọng trong chiến lược của mình hòng kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đông”, Fox News nói thêm.

Thậm chí, thời gian gần đây, Trung Quốc vẫn không từ bỏ tham vọng độc chiếm khu vực biển Đông khi liên tiếp đưa ra các tuyên bố tập trận.

Ngày 26/10 vừa qua, truyền thống quốc tế dẫn thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tiến hành tập trận ở biển Đông vào ngày 27/10.

Cuộc tập trận sẽ diễn ra ở phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) và phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng trái phép.

Theo Tuấn Hùng

Báo Đất Việt