1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tàu sân bay và tham vọng của Hải quân Trung Quốc

(Dân trí) - Đó là biểu tượng dễ thấy nhất cho khả năng quân sự đang lớn mạnh của Trung Quốc. Con tàu khổng lồ với thân hình màu xám, nặng 60.000 tấn, đang neo tại cảng Đại Liên và gần sẵn sàng để rẽ sóng.

 
Tàu sân bay và tham vọng của Hải quân Trung Quốc  - 1
Tàu sân bay Varyag neo tại cảng Đại Liên.

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) không tiết lộ bất kỳ điều gì về tàu sân bay đầu tiên của họ khi nó chưa được đưa vào sử dụng. Nhưng bí mật mà không lại không phải là bí mật. Có phần phi lý khi xem con tàu là bí mật vì nó neo ngay phía sau siêu thị Ikea của Đại Liên, nơi mọi người đều có thể nhìn thấy.

Con tàu khổng lồ đã mất nhiều năm để hoàn hiện và đó là dấu hiệu cho thấy sự mở rộng quân sự của Trung Quốc và khát vọng đưa sức mạnh Trung Quốc đi xa hơn khỏi biên giới hơn bao giờ hết.

“Tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh của hải quân”, Tướng quân đội đã về hưu Xu Guangyu, người hiện đang cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về chương trình hiện đại hoá quốc phòng, nói.

“Ít nhất Trung Quốc cũng phải ở ngang tầm với các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vốn đã sở hữu các tàu sân bay”.

Hiện thế giới có 7 quốc gia hiện đang vận hành các tàu sân bay, trước đó là 8 nhưng Anh vừa cho “nghỉ hưu” tàu sân bay cuối cùng và phải đợi vài năm để đóng một con tàu mới.

“Đó cũng là một biểu tượng của sự răn đe. Nó giống như là: “Đừng gây sự với tôi. Ông đừng nghĩ có thể bắt nạt tôi”. Chuyện chúng tôi muốn có một tàu sân bay là bình thường. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc không có mới là lạ”, Tướng Xu nói.

Tân trang

Đại Liên không chỉ là một căn cứ hải quân lớn mà nó còn là một cảng thương mại quan trọng. Cảng nằm quanh một vịnh lớn. Nơi đây còn có một dàn khoan dầu, các bến cảng để bốc dỡ hàng, các xưởng đóng tàu nơi các cần trục lớn vươn cao bên trên những con tàu lớn đang được đóng.

“Sự phát triển của lực lượng vũ trang có liên quan tới sự phát triển kinh tế. Trong lĩnh vực cung cấp năng lượng và thương mại, chúng tôi giờ đây có các lợi ích trải rộng khắp thế giới. Có các tuyến đường biển quan trọng tại châu Á, Ấn Độ Dương, châu Phi và cả hai bên bờ Thái Bình Dương mà chúng tôi cần bảo vệ. Vì thế, sức mạnh quân sự của chúng tôi cần phù hợp với quy mô kinh tế và hoạt động ngoại giao”, Tướng Xu nói.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là một thiết kế tương đối cũ và không do Trung Quốc tự đóng. Nó được đóng vào những năm 1980 cho hải quân Liên Xô. Được đặt tên là Varyag, con tàu chưa từng hoàn thiện. Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, con tàu gỉ sắt nằm im lìm tại xưởng đóng tàu ở Ukraine.

Trong khi các tàu chiến Xô Viết khác bị đập ra làm sắt vụn, một công ty của Trung Quốc có liên quan tới PLA đã mua con tàu Varyag mà họ khẳng định là muốn biến thành một sòng bạc nổi tại Macau. Phải mất vài năm trước khi con tàu đến Trung Quốc, nơi nó được đưa tới Đại Liên. Các nguồn tin cho hay con tàu sẽ mang tên Shi Lang, theo tên một thượng tướng hải quân từng chinh phục Đài Loan vào thế kỷ 17.

PLA đang tập trung hiện đại hoá cả hải quân và không quân. Khi được hạ thuỷ, tàu sân bay sẽ là một bước tiến quan trọng cho hải quân Trung Quốc.

Theo dõi rất sát sao các động thái này của Trung Quốc là Mỹ. Trong hơn nửa thế kỷ, kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Hải quân Mỹ đã vận hành hạm đội tàu sân bay tại châu Á và Thái Bình Dương mà không gặp phải thách thức nào. Mỹ hiện có 11 tàu sân bay đang hoạt động.

Mỹ và Trung Quốc theo sát các chương trình quân sự của nhau với thái độ hoài nghi. Nhiều người trong PLA tin rằng Mỹ đang cố gắng bao vây và ngăn chặn sự phát triển của quân đội Trung Quốc.

“Trong một thời gian dài, Trung Quốc phủ nhận rằng họ đang muốn có một tàu sân tay. Hải quân Trung Quốc thậm chí còn cố gắng làm thế giới tin rằng việc mua tàu sân bay đầu tiên từ Ukraine là chỉ để làm một sòng bạc mới”, Rick Fisher, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế, một tổ chức nghiên cứu chính sách tại Virginia (Mỹ), nói.

“Trung Quốc sẽ sở hữu các máy bay có khả năng tương đương với các chiến đấu cơ gần đây của Mỹ trên tàu sân bay trong 2-3 năm tới”, ông Fisher nói thêm.

Sự thay đổi quyền lực

Một số nhà quan sát tin rằng Trung Quốc muốn tự đóng 4 tàu sân bay.

Ông Fisher, người đã có 20 năm nghiên cứu về quân sự của Trung Quốc, cho hay nước này có những tham vọng lớn.

“Tàu sân bay là một phần cam kết của Trung Quốc đưa ra hồi năm 2004 rằng PLA sẽ gia tăng bảo vệ các quyền lợi bên ngoài Trung Quốc. Đến năm 2020, Trung Quốc muốn một quân đội có thể được triển khai toàn cầu và sẽ có thể thách thức các quyền lợi của Mỹ nếu cần”.

Tháng trước, chuyến thăm của Tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng PLA, đến Lầu Năm Góc được xem là một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ quân sự vốn căng thẳng bấy lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các ban quân nhạc của Mỹ và Trung Quốc đã chơi cùng nhau khi Tướng Trần Bỉnh Đức được tiếp đón tại Mỹ. Ông đã cố gắng làm dịu những lo ngại của Mỹ bằng tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm cách bắt kịp sức mạnh quân sự của Mỹ. Ông nói, Trung Quốc luôn xếp sau Mỹ.

Quân đội Trung Quốc được tin là phát triển chậm so với Mỹ khoảng 20 năm. Nhưng trong sự mở rộng nhanh chóng, Trung Quốc đang tập trung vào các loại vũ khí có thể đối chọi với sức mạnh quân sự của Mỹ.

PLA đã đầu tư mạnh vào các tàu ngầm. Trung Quốc được tin là sắp triển khai tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay” đầu tiên của thế giới, được thiết kế để đánh chìm các tàu sân bay ở khoảng cách 1.500km. Trung Quốc cũng đang phát triển chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên, cùng với máy bay tiên tiến do Nga thiết kế hoạt động trên tàu sân bay.
 
Tất cả các vũ khí trên đều có thể nhắm tới các căn cứ Mỹ, các tàu chiến và tàu sân bay của Mỹ tại châu Á. Chúng sẽ khiến hạm đội tàu sân bay Mỹ dễ bị nguy hiểm hơn nhiều khi hoạt động gần bờ biển của Trung Quốc, đẩy các vũ khí Mỹ ra xa hơn.

Khi xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai, các vũ khí kể trên của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ khó hoạt động tự do. Chúng cũng giúp Trung Quốc có thể khẳng định sức mạnh quân sự tại châu Á.

Các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản vốn nương tựa vào Mỹ về an ninh bắt đầu đặt câu hỏi rằng Mỹ có thể bảo vệ họ đến đâu trong tương lai. Điều này có thể làm giảm sự đảm bảo về an ninh của Mỹ và ảnh hưởng của nước này tại khu vực một ngày nào đó.

Còn nhiều việc phải làm trước khi các tàu sân bay của Trung Quốc trở thành một lực lượng có uy lực. Nhưng, đậu tại cảng Đại Liên, tàu sân bay đầu tiên là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tham vọng hải quân của Trung Quốc và sự thay đổi quyền lực mà nó có thể đem lại.

An Bình
Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm