1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu sân bay Mỹ mang gì đến Trung Đông?

An Hoàng

(Dân trí) - Mỹ triển khai hai tàu sân bay và các tàu hỗ trợ tới phía đông Địa Trung Hải với mục đích răn đe và đảm bảo xung đột không lan rộng sau vụ Hamas tấn công vào Israel ngày 7/10.

Tàu sân bay Mỹ mang gì đến Trung Đông? - 1

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (Ảnh: Reuters).

Mỹ triển khai tàu sân bay Gerald R. Ford và các tàu hỗ trợ khác đến phía đông Địa Trung Hải hồi tuần trước, không lâu sau khi Hamas tấn công vào lãnh thổ do Israel kiểm soát.

Tàu sân bay Dwight Eisenhower dự kiến cũng sẽ đến khu vực này sau khoảng một tuần nữa.

Hàng không mẫu hạm Ford, được đưa vào hoạt động từ năm 2017, là tàu sân bay mới nhất của Mỹ và lớn nhất thế giới với thủy thủ đoàn hơn 5.000 người, có thể mang theo tới hơn 75 máy bay quân sự kể cả dòng chiến đấu cơ F-18 Super Hornet cũng như máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2 Hawkeye.

Để phòng thủ, tàu được trang bị tên lửa phòng không Sea Sparrow Evolved để chống lại máy bay và các thiết bị bay không người lái. Một số loại vũ khí khác cũng được trang bị như tổ hợp pháo Mk-15 Phalanx phòng thủ tầm cực gần, chuyên dùng để bắn đạn xuyên giáp.

Ngoài ra, Ford cũng được trang bị hệ thống radar phức tạp có thể giúp kiểm soát trên không và dẫn đường.

USS Dwight Eisenhower là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, được đưa vào hoạt động từ năm 1977 và chính thức ra trận trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh.

Dwight Eisenhower có sức chứa 5.000 thủy thủ và mang theo nhiều chiến đấu cơ, trực thăng và những máy bay chuyên dụng có khả năng thực hiện các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát.

Quân đội Mỹ còn gửi thêm các tàu hỗ trợ như tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke,... Các tàu này có nhiệm vụ chính là tập trung bảo vệ các tàu sân bay.

Mỹ cảnh báo xung đột leo thang

Tàu sân bay Mỹ mang gì đến Trung Đông? - 2

Khói lửa bốc lên ở Gaza sau cuộc không kích của Israel ngày 9/10 (Ảnh: Reuters).

Sau tuyên bố triển khai nhóm tàu sân bay thứ hai vào ngày 14/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gọi đây là "dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Mỹ nhằm ngăn chặn bất kỳ ý đồ nào muốn thúc đẩy cuộc chiến Israel - Hamas leo thang".

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết: "Xung đột tiềm ẩn nguy cơ leo thang, mở ra mặt trận thứ hai ở phía bắc và tất nhiên điều này sẽ dẫn tới sự can dự của Iran".

"Hãy thôi làm như thể quân đội Iran sẽ không dính líu vào cuộc chiến", một quan chức Mỹ bình luận về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng cao.

"Các tàu sân bay chính là mọi nỗ lực răn đe mà Mỹ đang thực hiện để ngăn cuộc chiến lan rộng thành một cuộc xung đột khu vực", quan chức này lý giải sự hiện diện mới của các tàu sân bay.

Ngày 15/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo "đất nước của ông có thể sẽ hành động".

Al Jazeera dẫn lời ông Amir-Abdollahian truyền tải thông điệp tới các quan chức Israel rằng "nếu Israel không chấm dứt các hành động ở Gaza, Iran đơn giản là không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn".

Xung đột Israel - Hamas bùng phát trở lại từ 7/10 khi Hamas bất ngờ bắn hơn 2.000 quả rocket về phía Israel. Hơn 1.000 tay súng Hamas đã tràn vào lãnh thổ do Israel kiểm soát, bắt giữ hàng loạt con tin đưa về Gaza. Giới chức Israel hôm qua 15/10 ước tính Hamas vẫn còn bắt giữ hơn 150 con tin.

Các cuộc giao tranh hơn một tuần qua đã khiến hơn 1.900 người ở Gaza và khoảng 1.300 người ở Israel thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương.

Một số quan chức Mỹ cho biết, Washington đang thúc giục Israel tạm dừng cuộc tấn công trên bộ để thực hiện các nỗ lực nhân đạo cho cư dân Gaza bị mắc kẹt trong khu vực.

Ngoài ra, ông Sullivan nói thêm, quan điểm của Mỹ trong việc Israel đưa ra các đòn đánh trả là "bất kỳ hành động nào cũng phải tuân theo luật chiến tranh" và "thường dân phải được di tản đến nơi an toàn trước".

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden cho biết thông điệp của ông tới Iran là "nói không với leo thang xung đột" và ưu tiên đảm bảo nhu cầu sống thiết yếu cho dân thường tại Dải Gaza.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Biden nhấn mạnh "đại đa số người Palestine không liên quan đến các cuộc tấn công của lực lượng Hamas, nhưng họ đang phải chịu hậu quả".

Theo Reuters