1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông, Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS

Mỹ đã điều động tàu sân bay và một số tàu chiến đến Biển Đông, trong khi học giả Đức nhận định Trung Quốc có thể cân nhắc rút khỏi UNCLOS.

Mỹ thực hiện cam kết đảm bảo tự do hàng hải khu vực

Washington Post ngày 3/3 cho biết, tàu sân bay USS John C. Stennis được điều đến Biển Đông vào ngày 1/3. Hộ tống tàu sân bay này là tuần dương hạm USS Mobile Bay, khu trục hạm USS Stockdale và USS Chung-Hoon, theo ông Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis ở phía bắc Biển Đông
Tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis ở phía bắc Biển Đông

Ông Doss cho hay đội tàu sân bay này tiến hành tuần tra định kỳ trên Biển Đông, nơi Trung Quốc trong những tuần gầy đây triển khai phi pháp chiến đấu cơ, lắp radar quân sự và tên lửa đất đối không ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Các chuyên gia quân sự nhận định Mỹ điều động tàu sân bay USS John C. Stennis đến Biển Đông rõ ràng là nhằm thách thức Trung Quốc.

Bên cạnh đội tàu sân bay USS John C. Stennis, tàu tuần dương USS Antietam của Mỹ (đồn trú tại Nhật Bản) cũng đang tham gia tuần tra Biển Đông, theo ông Doss. Tàu khu trục USS McCambell và tàu đổ bộ USS Ashland của Mỹ cũng vừa hoàn tất sứ mạng tuần tra Biển Đông hồi tuần rồi.

Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS

Ở một diễn biến khác, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 3/3 đăng bài viết của Stefan Talmon, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công pháp quốc tế, Đại học Bonn Đức bàn về ảnh hưởng từ vụ kiện Biển Đông của Philippines.

Bài viết đưa ra một quan điểm đáng chú ý là, nếu phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc gây bất lợi cho yêu sách "đường lưỡi bò" vô lý, bất hợp pháp của Trung Quốc thì Trung Quốc có thể cân nhắc rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Mặc dù không thể lấy việc rút khỏi UNCLOS làm lý do để hủy bỏ nghĩa vụ nước thành viên của Công ước, nhưng “trong tương lai Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục không chấp nhận ràng buộc từ những yêu cầu tương tự của Việt Nam, Indonesia hoặc Malaysia trong vấn đề Biển Đông cũng như của Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông”.

Theo bài viết, nếu rút khỏi Công ước, Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục được hưởng hầu hết các điều kiện có lợi từ Công ước, bởi vì hầu hết các điều khoản của công ước này đều đã trở thành một bộ phận của “luật tập quán quốc tế”.

Nếu rút khỏi Công ước, Trung Quốc sẽ không còn được hưởng ghế quan tòa ở Tòa án Luật Biển Quốc tế, không được tiếp tục cử đại diện đến Ủy ban ranh giới thềm lục địa, cũng không còn là nước thành viên của Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế.

Trung Quốc có thể căn cứ vào “luật tập quán quốc tế” để chủ trương quyền lợi đối với khu vực ngoài thềm lục địa và tài nguyên ở đó, nhưng các công ty năng lượng của họ sẽ bị loại ra ngoài các hoạt động thăm dò và khai thác ở khu vực này (trừ phi họ được một nước thành viên công ước khác đăng ký và ủng hộ).

Trung Quốc cuối cùng có rút khỏi UNCLOS hay không sẽ tùy thuộc vào kết quả cân nhắc lợi-hại trên lĩnh vực tư pháp và chính trị.

Trong khi đó, ngày 3/3, trả lời câu hỏi của báo giới về việc liệu Việt Nam sẽ áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó có biện pháp pháp lý như Philippines đã làm, trước những hành động gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố là quốc gia trực tiếp liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.

“Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc", ông Bình nhấn mạnh.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt