1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu ngầm Trung Quốc theo dõi tàu sân bay Mỹ ngoài khơi Nhật Bản

(Dân trí) - Một tàu sân bay của Mỹ đã bị một tàu ngầm Trung Quốc theo dõi chặt chẽ ngoài khơi bờ biển Nhật Bản hồi tháng trước, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, trong cuộc đối đầu mới nhất giữa hải quân hai nước ở Thái Bình Dương.

 


Tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ (Ảnh: Navaltoday)

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ (Ảnh: Navaltoday)

Báo chí Mỹ dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, một tàu ngầm tấn công nhanh lớp Kilo của Trung Quốc hoạt động dưới nước đã theo dõi tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ trong ít nhất nửa ngày hôm 24/10.

Quan chức trên không nói rõ khoảnh cách giữa hai tàu là bao xa, nhưng nhấn mạnh rằng: “Vụ việc nghiêm trọng hơn là một cuộc đối đầu chóng vánh”.

Theo quan chức Mỹ, không có dấu hiệu về một hành động đe dọa, và không có liên lạc nào giữa hai tàu nhưng một máy bay chống ngầm của Mỹ đã “để mắt” tới tàu ngầm Trung Quốc.

Giới chức Trung Quốc chưa bình luận gì về vụ việc này. Còn một quan chức Mỹ đã giảm nhẹ tính chất đe dọa của vụ việc, nói rằng bất kể khi nào Mỹ tiến hành các cuộc tập trận chung với Nhật Bản, Trung Quốc “thỉnh thoảng xuất hiện và theo dõi những gì đang diễn”.

Nguy cơ va chạm, hiểu lầm

Nhưng một cựu chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công, người đã trải qua vài cuộc đối đầu như vậy, cho rằng luôn có một lo ngại khi các tàu hoạt động ở gần nhau.

“Người này có thể “cắt mặt” người kia. Các tàu có thể va chạm… Có khả năng xảy ra hiểu lầm”, ông Pete Daly, một cựu chỉ huy và hiện là người đứng đầu Học viện Hải quân Mỹ, nhận định.

Trong quá khứ, vào cao điểm của Chiến tranh Lạnh, các tàu chiến và tàu ngầm giữa Mỹ và Liên Xô đã đối đầu nhau trên các vùng biển khắp thế giới theo kiểu “mèo vườn chuột” để kiểm chứng khả năng của nhau.

Vào năm 1984, một tàu ngầm Liên Xô và tàu sân bay Mỹ Kitty Hawk đã va chạm tại biển Nhật Bản, khiến tàu Liên Xô bị hư hại nhẹ.

Nhưng các cuộc đối đầu gần cũng ít nhiều mang lại lợi ích cho các lực lượng hải quân.

“Sự thật là, chúng tôi cũng theo dõi họ khi họ theo dõi chúng tôi và chúng tôi biết được khả năng của họ”, ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc tại Trung tâm Woodrow Wilson, nói.

“Các tàu ngầm Trung Quốc đang gia tăng về số lượng, nhưng chúng vẫn tương đối ồn. Chúng tụt hậu ít nhất một thế hệ so với của chúng tôi. Và khi họ theo dõi chúng tôi, chúng tôi có thể biết được họ có khả năng gì”.

USS Ronald Reagan là một tàu sân bay hạt nhân dài 333 m, có thể chở 90 máy bay chiến đấu với thủy thủ đoàn 5.000 người.

Cuộc đối đầu trên diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa hải quân hai quân hai nước, mà gần đây nhất là vì các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chỉ 3 ngày sau vụ việc trên, Mỹ đã điều một tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh một trong số các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ gọi cuộc tuần tra đó là một “hành động khiếu khích nghiêm trọng, cả về chính trị và quân sự”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố các sứ mệnh như vậy sẽ vẫn tiếp tục.

An Bình