Tàu ngầm Argentina chở 44 thủy thủ mất tích: Thảm kịch chưa được “giải mã”
(Dân trí) - Mặc dù Argentina ngày 17/11 xác nhận đã tìm thấy xác tàu ngầm chở 44 thủy thủ mất tích cách đây một năm, song họ vẫn chưa thể xác định nguyên nhân dẫn tới thảm kịch này khi công tác trục vớt gặp nhiều khó khăn.
Một năm kể từ khi tàu ngầm San Juan chở 44 thủy thủ mất tích ở ngoài khơi bờ biển Argentina, gia đình của các thủy thủ vẫn không muốn nói rằng những người thân của họ đã thiệt mạng. Họ vẫn nuôi hy vọng về một phép màu, hoặc ít nhất cũng phải biết được rằng chuyện gì đã xảy ra với 44 thủy thủ.
Tuần này, giới chức Argentina thông báo xác tàu ngầm San Juan đã được tìm thấy và đây là câu trả lời rõ ràng đầu tiên do Argentina đưa ra để “giải mã” cho một trong những thảm kịch hàng hải khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại.
Giới chức Hải quân Argentina hôm qua cho biết việc các mảnh vỡ của tàu ngầm San Juan được phát hiện nằm rải rác trong phạm vi tương đối hẹp và những vết lõm trên thân tàu cho thấy có khả năng đã xảy ra một vụ nổ từ bên trong tàu do áp suất lớn ở dưới đáy đại dương.
“Thân tàu ngầm hoàn toàn biến dạng, méo mó và nổ tung từ bên trong… những mảnh vỡ nằm rải rác trong bán kính 70m”, chỉ huy căn cứ hải quân Argentina ở Mar del Plata, ông Gabriel Attis, nói với người thân của các thủy thủ trên tàu ngầm mất tích.
Theo ông Attis, sự biến dạng của thân tàu ngầm có thể do tác động từ một vụ nổ từ bên trong tàu ngầm. Kết quả quan sát ban đầu cho thấy phần lớn thân tàu ngầm vẫn còn nguyên vẹn, không bị vỡ ra và cũng không có lỗ hổng lớn nào được tìm thấy, mặc dù thân tàu bị biến dạng. Ông Attis cho biết xác tàu San Juan được tìm thấy ở độ sâu 907m ở ngoài khơi bán đảo Valdes, miền trung Argentina.
Nỗ lực tìm kiếm
Một phần mảnh vỡ tàu ngầm San Juan được tìm thấy dưới đáy Đại Tây Dương. (Ảnh: AFP)
Ocean Infinity, công ty có trụ sở ở Houston (Mỹ), đã được quân đội Argentina thuê cách đây vài tháng để dẫn đầu chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm San Juan. Argentina đã ký hợp đồng với Ocean Infinity và đảm bảo rằng công ty này sẽ được nhận 7,5 triệu USD nếu tìm thấy tàu ngầm San Juan. Hợp đồng được ký kết sau khi nhiều người thân của các thủy thủ chỉ trích chính quyền Argentina bỏ bê cuộc tìm kiếm tàu ngầm mất tích.
Ocean Infinity bắt đầu cuộc tìm kiếm tàu ngầm San Juan từ ngày 7/9. 3 sĩ quan hải quân và 4 người thân của các thủy thủ đã đi cùng thủy thủ đoàn tàu Ocean Infinity. Hải quân Argentina cho biết cuộc tìm kiếm đã sử dụng “công nghệ chưa bao giờ được sử dụng trong việc định vị một tàu ngầm trước đây”.
Ocean Infinity đã sử dụng các thiết bị đặc biệt không người lái, các robot được trang bị camera cảm biến và có độ phân giải cao để tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Ocean Infinity hôm qua nói rằng mảnh vỡ của tàu San Juan được tìm thấy tại một khe dốc trong một đợt tìm kiếm của 5 thiết bị. Những thiết bị này do 60 thủy thủ đoàn trên tàu Seabed Constructor của Ocean Infinity vận hành
Tàu ngầm San Juan được tìm thấy ở khu vực từng được Hải quân Argentina rà soát rất kỹ lưỡng trước đó. Khu vực này đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi Tổ chức hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện có trụ sở tại Vienna (Áo), một tổ chức lắp đặt hàng loạt thiết bị cảm biến trên khắp thế giới để theo dõi các vụ thử hạt nhân, báo cáo về vụ việc được cho là một vụ nổ ở dưới đáy đại dương.
“Đây là khu vực mà chúng tôi tin 90% khả năng (tàu ngầm) nằm ở đây. Tất cả lực lượng hải quân đã tìm kiếm khu vực này, nhưng chúng tôi không có công nghệ như công ty (Ocean Infinity), do vậy chúng tôi không tìm thấy tàu”, Phó Đô đốc Jose Luis Villan, tư lệnh hải quân Argentina, cho biết.
Theo Oliver Plunkett, giám đốc điều hành của của công ty Ocean Infinity, tàu Seabed Constructor mang cờ Na Uy do công ty này vận hành đã lên kế hoạch rời vùng biển Argentina vào ngày 15/11 sau khi hết thời hạn hợp đồng tìm kiếm kéo dài 60 ngày. Thủy thủ đoàn chuẩn bị đưa tàu tới Nam Phi để thực hiện sứ mệnh tiếp theo và Ocean Infinity dự định sẽ quay lại Argentina vào tháng 2 năm sau để tiếp tục cuộc tìm kiếm tàu ngầm San Juan.
Tuy nhiên, một thành viên trong đội tìm kiếm đã rà soát lại những bức ảnh mà họ thu thập được trong các đợt quét định vị trước đây và phát hiện ra rằng có điểm gì đó bất thường trong dữ liệu. Chính điều này đã khiến tàu Seabed Constructor tạm dừng kế hoạch rời đi và quyết định kiểm tra khu vực khả nghi kỹ lưỡng hơn. Rốt cuộc, họ đã phát hiện ra tàu ngầm San Juan.
“Khoảnh khắc đó thực sự khó tin, vào giờ cuối cùng của ngày cuối cùng”, ông Plunkett chia sẻ.
Xác định nguyên nhân
Tàu ARA San Juan của Argentina. (Ảnh: Telegraph)
Tàu ngầm San Juan mất tích ngày 15/11/2017 khi đang trong hành trình từ Ushuaia ở Patagonia tới Mar del Plata ở Buenos Aires và ở cách bờ biển phía đông Argentina khoảng 450km. 8 ngày sau khi tàu ngầm bị phát hiện mất tích, Hải quân Argentina thông báo một vụ nổ đã xảy ra ở gần vị trí tàu San Juan có liên lạc cuối cùng với quân đội Argentina.
Trong những ngày đầu tìm kiếm, quân đội Argentina đã nhờ tới sự trợ giúp của các nước láng giềng và Mỹ với niềm tin rằng các thủy thủ trong tàu vẫn còn sống. San Juan là tàu ngầm lớp TR-1700 điện diesel do Đức chế tạo, được biên chế từ giữa thập niên 1980 và được nâng cấp từ năm 2008-2014. Trong quá trình nâng cấp, với số tiền tiêu tốn khoảng 12 triệu USD, tàu San Juan đã bị cắt làm đôi trong khi các động cơ và hệ thống pin đều được thay thế.
Theo các chuyên gia, quá trình nâng cấp tàu ngầm San Juan gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi các hệ thống tích hợp được sản xuất bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau. Thậm chí, chỉ một sơ suất nhỏ nhất trong giai đoạn cắt tàu ngầm cũng có thể ảnh hưởng tới độ an toàn của tàu và khiến các thủy thủ gặp nguy hiểm.
Trong thông báo trước đây, Hải quân Argentina cho biết trước khi tàu ngầm San Juan mất tích, hạm trưởng của tàu đã thông báo về vấn đề trục trặc của hệ thống pin do nước tràn vào thông qua ống thông hơi. Tuy nhiên, sau đó hạm trưởng thông báo lại rằng đã khắc phục được sự cố này.
Mặc dù tàu ngầm San Juan đã được tìm thấy, song nguyên nhân thực sự dẫn tới thảm kịch hàng hải này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Oscar Aguad hôm qua cho biết nước này hiện vẫn thiếu công nghệ hiện đại để thăm dò đáy biển và trục vớt tàu ngầm Sam Juan. Việc trục vớt tàu ngầm được cho là gặp nhiều khó khăn và tốn kém do vị trí tàu chìm ở vùng biển xa và có địa hình phức tạp.
Thành Đạt
Theo New York Times