1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tàu Hải giám 21 của Trung Quốc kết thúc hành trình ra “Tam Sa”

(Dân trí) – Tàu tuần tra cỡ lớn của Trung Quốc mang tên Hải giám 21 đã kết thúc chuyến đi đầu tiên hướng ra các vùng biển quanh cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Bắc Kinh thành lập phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Tàu Hải giám 21 kết thúc hành trình ra “Tam Sa”
Tàu Hải giám Trung Quốc, lực lượng thường xuyên “gây nhiễu” ở các vùng biển tranh chấp trong khu vực.

Theo Xinhua, tàu Hải giám 21 đã trở về cảng ở Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam sau 3 ngày tuần tra Biển Đông. Trước đó, hãng tin này cũng cho biết tàu Hải giám 21 xuất phát từ thủ phủ Hải Khẩu của tỉnh Hải Nam với lịch trình dự kiến tới quần đảo Hoàng Sa để tiến hành kiểm tra sơ bộ hoạt động của con tàu và môi trường biển tại đây.
 
Trên hải trình dài tổng cộng 600 hải lý, tàu Hải giám 21 đi qua đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng) trước khi quay về cảng ở thành phố Tam Á, cực Nam của đảo Hải Nam.

Truyền thông Trung Quốc cho biết bất chấp thời tiết xấu, con tàu vẫn khởi hành theo đúng lịch trình, chở theo 16 nhân viên thi hành công vụ từ ba cơ quan hàng hải của Trung Quốc.

Tàu Hải giám 21 dài 93,2m, được trang bị bãi đáp trực thăng và có khả năng đi xa trên 7.400 km mà không cần tiếp liệu. Tốc độ tối đa của tàu có thể đạt 22 hải lý/giờ (40,74km/giờ). Bãi đáp trực thăng trên tàu dài 21m, rộng 11m và được bố trí ở phần đuôi tàu.
 
Hải giám 21 cập cảng ở Tam Á vào ngày 17/1.
Hải giám 21 cập cảng ở Tam Á vào ngày 17/1.

Hiện con tàu này nằm dưới sự quản lý của Cục An toàn Hàng hải tỉnh Hải Nam. Trước đó, lực lượng hành pháp của Hải Nam chỉ hoạt động ở các vùng duyên hải, chưa bao giờ ra khơi xa. Hải giám 21 là tàu đầu tiên mở màn cho sự hiện diện của tàu tuần tra hải dương lớn trên Biển Đông.

Theo quy định mới ban hành của Hải Nam, kể từ đầu năm nay cảnh sát biển tỉnh Hải Nam được quyền lên tàu lục soát và trục xuất tàu bè nước ngoài bị Bắc Kinh cho là xâm nhập lãnh hải bất hợp pháp trên Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ thông qua việc công bố đường gẫy khúc 9 đoạn gây tranh cãi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm 14/1 tuyên bố Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đức Vũ-PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm