1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu chiến Mỹ tới Đông Nam Á: Cú huých để “trục xoay”

(Dân trí) - Tàu chiến duyên hải Freedom của Mỹ sáng nay đã tiến vào căn cứ hải quân Changi của Singapore, đồng minh lâu năm của Mỹ ở Đông Nam Á. Động thái được xem như là cú huých để “trục” chiến lược mới của Obama được “xoay”.

Tàu chiến Mỹ tới Đông Nam Á: Cú huých để “trục xoay”
Tàu chiến duyên hải Freedom của Hải quân Mỹ tiến vào căn cứ hải quân Changi của Singapore ngày 18/4.
 

Việc triển khai tàu được thiết kế chiến đấu ven biển Freedom diễn ra vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao và Trung Quốc công khai phô trương sức mạnh hải quân của mình ở Biển Đông, nơi nước này tự vẽ ra đường “lưỡi bò” gần như độc chiếm toàn bộ vùng biển, ăn sát vào bờ biển của một số nước Đông Nam Á.

 

Các quan chức hải quân của Mỹ cho biết, Freedom, loại tàu mới được gọi là tàu chiến đấu duyên hải (LCS), đã tiến vào căn cứ hải quân Changi, Singapore, đồng minh lâu năm chuyên hỗ trợ về hậu cần và cho các cuộc tập trận của Mỹ ở Đông Nam Á, vào khoảng 11h sáng nay 18/4. Đây là tàu LCS đầu tiên của hải quân Mỹ được thiết kế nhằm chiến đấu sát bờ biển.

 

Tàu sẽ được triển khai trong khu vực trong vòng 8 tháng tới, sẽ tham gia tập trận hải quân và ghé thăm các cảng khác.

 

Chuyên gia an ninh khu vực Ian Storey cho rằng việc triển khai Freedom là chỉ dấu cho thấy cam kết của Washington trong việc đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực, nơi có một số đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.

 

“Việc triển khai những tàu như thế này là một phần của “trục xoaay” của Mỹ, tái cân bằng lực lượng từ Iraq và Afghanistan sang châu Á”, ông Storey, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận định.

 

“Nó chứng tỏ với các đồng minh và bạn hữu cảu Mỹ rằng họ đã thực hiện cam kết duy trì hiện diện lớn trong khu vực, để đảm bảo sự ổn định. Theo thuật ngữ hải quân, nó chứng tỏ “cam kết đảm bảo tự do hàng hải” của Mỹ”, ông cho hay.

 

Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Leon Panetta đã công bố cho tới năm 2020 Washington sẽ chuyển phần lớn hạm đội hải quân của mình sang Thái Bình Dương – trong chiến lược mới, đó là tập trung sang châu Á, nơi Trung Quốc là một cường quốc đang lên.

 

Trung Quốc hiện đang tranh chấp biển đảo với 4 nước Đông Nam Á, gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, ở Biển Đông. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này, gồm cả những vùng sát bờ biển của các nước. Trong số 4 nước, Việt Nam và Philippines là hai nước phản đối mạnh mẽ nhất “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

 

Mặc dù không phải là nước có tranh chấp, nhưng Washington cho biết họ có quyền lợi ở Biển Đông, nhằm đảm bảo tự do hàng hải.

 

“Chúng tôi dự kiến sẽ dành phần lớn thời gian của chúng tôi ở đây, Đông Nam Á. Đây sẽ là vùng hoạt động của Freedom trong 8 tháng tới”, tư lệnh hải quân Mỹ Timothy Wilke, sỹ quan chỉ huy tàu, cho hay.

 

“Chúng tôi nóng lòng được triển khai, làm việc với các lực lượng hải quân khu vực, chia sẻ những gì tốt nhất trong các cuộc diễn tập, ghé thăm các cảng và triển khai hoạt động an ninh biển”.

 

Singapore đã nhất trí cho 4 tàu LCS của Mỹ triển khai luân phiên. Điều này có nghĩa các tàu sẽ không đóng lâu dài ở nước này và các thủy thủ sẽ sống trên tàu trong những lần ghé thăm.

 

Euan Graham, chuyên gia an ninh biển tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho rằng, Bắc Kinh “rõ ràng rất thận trọng trước bất kỳ động thái củng cố hiện diện quân sự nào của Mỹ quanh Biển Đông”.

 

Tuy nhiên, ông cho biết thêm Trung Quốc cũng hiểu rằng sự hiện diện của Freedom “không phải là một bước thay đổi lớn về mặt cân bằng hải quân trong khu vực”.

 

Song Trung Quốc vẫn muốn biết thực lực của tàu này, một chiếc tàu chiến linh hoạt có thể được dùng cho một cuộc chiến trên biển hoặc cũng có thể phát hiện mìn và tàu ngầm. Tóm lại, Graham nhận định đây là tàu rất phù hợp cho các vùng biển như Đông Nam Á.

 

Theo Graham, thời điểm triển khai tàu cũng nhằm thách thức quan điểm cho rằng việc cắt giảm ngân sách của Mỹ sẽ“ảnh hưởng nghiêm trọng đến  “trục xoay” của Mỹ tại châu Á.

 

Phan Anh

Theo AFP, Times of India