1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu cá Việt Nam bị Hải giám Trung Quốc xua đuổi ngay tại Hoàng Sa

Sáng 13/3, hai tàu đánh cá mang số hiệu QNg 96417TS và QNg 96382TS cắm quốc kỳ Việt Nam đã bị 2 tàu hải giám của Trung Quốc xua đuổi trong vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tàu cá Việt Nam bị Hải giám Trung Quốc xua đuổi ngay tại Hoàng Sa
Ngư trường Hoàng Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân Việt Nam đang bị quấy rối bởi các tàu Hải giám Trung Quốc
 
Thông tin này được chính Tân hoa xã đăng tải và do phóng viên đi theo các tàu hải giám nói trên truyền về.

Theo Tân hoa xã, biên đội Hải giám của Trung Quốc đã “phát hiện” 2 tàu cá của Việt Nam vào khoảng 7 giờ sáng (giờ địa phương) ở khu vực biển quanh quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, đến 10 giờ sáng, 2 tàu Hải giám mang số hiệu 262 và 263 đã “xua” các tàu cá của Việt Nam ra khỏi vùng biển này.

Thông tin này xác nhận việc các tàu hải giám số 262 và 263 đã xâm phạm vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam và thậm chí có những hành động ngang ngược, trái phép đối với các tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt trên phần lãnh hải của mình.

Hai tàu hải giám kể trên cùng với tàu hải giám 83 và một trực thăng mang số hiệu Hải giám B-7103, thực hiện cái gọi là "nhiệm vụ tuần tra” các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong 9 ngày.

Trong một diễn biến liên quan, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho hay, cũng trong buổi sáng ngày 13/3, đội tàu Hải giám nói trên đã hoàn thành cái gọi là “nhiệm vụ tuần tra” ở nhóm đảo Lưỡi liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các nhân viên an ninh Trung Quốc đã đổ bộ trái phép xuống 9 đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi liềm để khảo sát tài nguyên trên đảo, tài nguyên biển và lập hồ sơ mỗi đảo, trong khi chiếc trực thăng Hải giám B-7103 thì chụp ảnh để thu thập, lập liệu ảnh của nhóm đảo.

Ngay sau khi ngư dân Việt Nam bắt đầu mở biển, đánh bắt xa bờ tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã liên tiếp tung ra các đội Hải giám, mượn cớ đi “tuần tra” với lại “bảo vệ ngư dân Trung Quốc”, để quấy phá Biển Đông, neo đậu trái phép và xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, cũng như có những hành động ngang ngược, phi pháp với các tàu cá và ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên phần lãnh hải của mình.

Thậm chí, Trung Quốc còn ngang nhiên phái một đội tàu Hải giám đến đồn trú trái phép tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc lập ra để quản lý phi pháp 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Trước hành động táo tợn này của Bắc Kinh, ngày 7/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và nêu rõ: “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động tại các khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi kiên quyết phản đối”.
Theo Linh Phương
Petrotimes