1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu cá Trung Quốc phi pháp ở Trường Sa: Kỳ lạ ngày về

Kết thúc chuyến đi 18 ngày đánh cá phi pháp ở Trường Sa, đội tàu 30 chiếc của Trung Quốc trở lại Hải Nam với điều lạ kỳ: Kho chứa trống rỗng.

 

Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở Trường Sa, kho chứa trống rỗng.

Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở Trường Sa, kho chứa trống rỗng.

Khoảng 6h50’ hôm qua, 29 tàu cá trọng lượng trên 140 tấn đã cập cảng Tam Á. Tàu chỉ huy Quỳnh Tam Á F8168 cũng đã về tới Tam Á, kết thúc hành trình đánh bắt trái phép tại đảo Vĩnh Thử (đảo Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, Việt Nam), bãi Chử Bích (bãi Su Bi của Việt Nam) của 30 tàu cá Trung Quốc.

 

Ngày 12/7, biên đội tàu cá Trung Quốc bắt đầu kéo tới đánh bắt cá, thủy hải sản trái phép, đồng thời thăm dò, nghiêm cứu các nguồn tài nguyên ở nhiều đảo của Trường Sa.

 

Báo chí Trung Quốc biện minh cho hành động trắng trợn này bằng luận điệu: Lần đầu tiên, tàu cá Trung Quốc đi đánh bắt quy mô lớn ở ngư trường truyền thống.

  

Người phụ trách cơ quan nghề cá và hải dương tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố, việc 30 tàu cá trở về Tam Á "đã tạo ra tiền lệ mới cho các biên đội tàu cá quy mô lớn đánh bắt ở các ngư trường bên ngoài".

 

Người phụ trách còn rêu rao, các biên đội tàu cá Trung Quốc sẽ dần làm quen với các ngư trường bên ngoài giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên (trong đó có ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam), đồng thời khuyến khích ngư dân chế tạo nhiều tàu lớn, hạn chế phương thức đánh bắt.

 

Trong 18 ngày đánh bắt trên biển, đoàn tàu cá Trung Quốc chỉ thu được vài trăm kg cá cho thấy đây là ngư trường lạ, lần đầu tiên, ngư dân Trung Quốc tới đây nên không biết chỗ nào nhiều cá.

 

Để chữa ngượng cho việc làm đáng xấu hổ này, Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức tỉnh Hải Nam nói: "Đánh bắt được nhiều hay ít không quan trọng, điều cốt yếu là chúng ta đã biết cách phối hợp, tổ chức để tránh bị 'tàu lạ' bắt giữ".

 

Theo Tân Hoa Xã, đội tàu đánh cá trái phép này có 1 chiếc tàu hậu cần tải trọng 3.000 tấn. Ngoài ra, 29 chiếc còn lại đều là tàu vỏ sắt tải trọng 140 tấn trở lên.

 

Ở tỉnh Hải Nam, nơi xua đội tàu cá trái phép ra Trường Sa, hiện có 36 hợp tác xã đánh bắt cá với 3.000 ngư dân. Tuy nhiên, chính quan chức tỉnh này thừa nhận, ngư dân của họ ít khi dám đánh bắt xa bờ.

 

Vài năm trở lại đây, quan chức tỉnh Hải Nam hô hào "đóng tàu lớn, vượt biển sâu", nơi này được nói là đang sở hữu hơn 150 tàu vỏ sắt có tải trọng 100 tấn trở lên. Sau chuyến đánh bắt trái phép vừa qua, giới chức Hải Nam nói họ sẽ xây dựng mô hình: Công ty + ngư dân kết hợp để đảm bảo khâu hậu cần và đầu ra cho những đội tàu cá.

 

Triệu Trung Xã, Trưởng phòng nghề cá & hải dương học tỉnh Hải Nam cho biết, trước nay ngư dân tỉnh này chỉ đi đánh bắt lẻ tẻ khoảng 2 đến 3 tàu cá. Họ hoàn toàn bó tay trước việc xác định những luồng cá ở độ sâu hơn 200m.

 

Tuy đã tổ chức lễ đón tiếp long trọng ở bãi Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam, nhưng bài phát biểu của quan chức tỉnh này cho thấy sự ngán ngại về gánh nặng kinh tế khi nói: "Đề nghị Nhà nước tăng cường hỗ trợ kinh phí, điều tàu Ngư chính đi cùng để bảo vệ ngư dân trước sóng gió và nhiều 'tàu lạ' chặn bắt tàu cá".

 

Trước chuyến đi, báo giới Trung Quốc đua nhau phỏng vấn, chụp ảnh ngư dân trong chiến dịch truyền thông rầm rộ cho hoạt động mà họ tự nhận là "chính đáng". Nhưng khi trở về, đa phần các bức ảnh trên báo chí Trung Quốc chỉ là quan chức cấp tỉnh, quan chức phụ trách nghề cá đứng phát biểu, trong khi kho chứa của tàu cá trống rỗng.

 

Tuy đã thất bại nặng nề, nhưng ngư dân tỉnh Hải Nam được nói là vẫn sẽ tiếp tục tổ chức những chuyến đánh bắt trái phép như trên. Báo chí Trung Quốc không tiết lộ thời gian cụ thể của chuyến đánh bắt tiếp theo.

 

Về việc 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam xuất phát từ cảng Tam Á đi đánh bắt cá xung quanh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 12/7, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh:

 

“Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế”.

 

Theo Đỗ Hường - Văn Việt

VTC News

Dòng sự kiện: Căng thẳng Biển Đông