1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tân Thủ tướng Pháp - “nhà đối thoại” Francois Fillon

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm qua bổ nhiệm đồng minh 53 tuổi Francois Fillon làm thủ tướng mới của nước Pháp. Hai người có tính cách trái ngược, từng không ưa nhau, nhưng nay lại trở thành đồng minh thân thiết.

Cách đây vài năm, khó tưởng tượng nổi việc ông Francois Fillon lại có thể trở thành đồng minh của ông Nicolas Sarkozy, vì tính cách của hai người khác nhau như nước với lửa. Ông Fillon trầm tĩnh, lịch thiệp, có phần dè dặt và kín đáo; còn ông Sarkozy thì thẳng thừng, nếu không nói là bốp chát, thiếu kiên nhẫn và không ngại phô trương.

 

Nhưng họ giống nhau ở điểm cùng bước vào chính trường rất sớm, trong thập niên 1970, và đều hoạt động rất tích cực. Mới 27 tuổi (năm 1981), Fran5cois Fillon đã là nghị sĩ (trẻ tuổi nhất vào lúc ấy). Nicolas Sarkozy (kém ông Fillon một tuổi) thì đến năm 1988 mới đặt chân vào quốc hội. Năm 1983, cả hai ứng viên trẻ đều chinh phục được cử tri ở địa phương mình. Francois Fillon trở thành thị trưởng Sablé-sur-Sarne, còn Nicolas Sarkozy “ngự trị” Neuilly-sur-Seine, vùng ngoại ô Paris sang trọng nhất.

 

Suốt một thời gian dài trên sân khấu chính trị, hai người đã có nhiều dịp gặp gỡ, nhưng ai nấy đều giữ kẽ, thậm chí không ưa nhau. Là một người căn cơ, tôn trọng những giá trị truyền thống, ông Fillon nhiều khi không chịu đựng nổi cách nói năng thô bạo của ông Sarkozy. Chẳng hạn, trong đại hội của Đảng RPR (Tập hợp vì nền cộng hòa) năm 2002, ông Sarkozy đả kích kịch liệt một nhân vật quan trọng của đảng này.

 

Ông Fillon sau đó nhận xét: “Thằng cha này khùng rồi! Hắn sẽ chẳng bao giờ trở thành thủ tướng được”. Mà đúng vậy, ông Sarkozy sau nhiều lần ngắm nghía chức thủ tướng nhưng không được, bây giờ lại bước thẳng vào điện Elysée! Và chính ông Francois Fillon lại trở thành thủ tướng của triều đại Sarkozy. Có ai học được chữ ngờ!

 

Sinh ngày 4/3/1954, Francois Fillon lớn lên trong một gia đình Công giáo nề nếp ở Mans (Sarthe). Cha ông là công chứng viên, mẹ ông ban đầu là giáo viên tiếng Anh, sau trở thành tiến sĩ sử học. Là con trai đầu, ông còn là một huynh trưởng hướng đạo rất tích cực. Penelope, vợ ông, là người Anh. Hai vợ chồng có bốn con trai và một gái. Francois Fillon có bằng cao học về công pháp và chính trị.

 

Ông là một chính trị gia trẻ tuổi đầy năng lực. Chỉ ba năm sau khi vào quốc hội, ông đã là chủ tịch Ủy ban Quốc phòng. Đến nay, Francois Fillon đã làm bộ trưởng dưới ba đời thủ tướng: Đại học - cao đẳng và nghiên cứu (thời ông Balladur, 1993), Kỹ thuật thông tin và bưu điện (nội các Alain Juppé, 1995), Xã hội - lao động và liên đới (nội các Raffarin, 2002).

 

Thật ra, năm 2002, với những kiến thức vững chắc có được, Francois Fillon rất muốn nắm Bộ Quốc phòng. Nhưng ông Chirac lại đưa ông sang Bộ Xã hội để thử tài. Thành công của ông trong vấn đề hóc búa là cải cách tiền lương hưu đã khiến tên tuổi ông nổi bật, đến nỗi người ta nói đến ông như một thủ tướng tương lai. Nhưng lời nhận xét về thất bại của cánh hữu trong cuộc bầu cử địa phương năm 2004 đã làm cánh cửa của phe Chirac khép lại trước mặt ông.

 

Trong nội các thứ hai của ông Raffarin, dù hi vọng được về Bộ Ngoại giao nhưng ông được cho làm bộ trưởng giáo dục, và đến khi Dominique de Villepin lên làm thủ tướng thay Raffarin thì Francois Fillon phải về vườn.

 

Sự thất sủng đã đưa Francois Fillon đến gần với Nicolas Sarkozy, người cũng từng phải “ngồi chơi xơi nước” khi bị ông Chirac coi là kẻ phản bội. Và rồi người ta thấy Fillon luôn sát cánh với Sarkozy trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2007.

 

Tuy tính tình có khác biệt, nhưng nhiều khi đây là sự bổ sung cần thiết. Chọn Francois Fillon làm thủ tướng, ông Sarkozy có ít nhất hai cái lợi. Trước hết, chương trình hành động vốn đã được hai người cùng bàn bạc, chuẩn bị cặn kẽ từ lâu, nay có thể tiến hành được ngay. Và điều quan trọng nhất: là một người ôn hòa và đầy kinh nghiệm, ông Fillon sẽ là một người lý tưởng để đối thoại với các đối tác, cho các chương trình cải cách sâu rộng sắp tới.

 

Theo Nguyên Vĩnh

Tuổi Trẻ