1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tân Thủ tướng Australia và chính sách với châu Á

(Dân trí) - Theo giới phân tích, với tư cách nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Quan thoại, tân Thủ tướng Australia Kevin Rudd có thể đóng một vai trò quan trọng như một cầu nối chính với các quốc gia châu Á đang ngày càng lớn mạnh.

Tiểu sử

 

Sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê ở Australia (tiểu bang Queensland), mồ côi cha từ khi 11 tuổi, mẹ một mình tần tảo nuôi bốn người con ăn học đến nơi đến chốn, ông Rudd có một điểm khác cơ bản với các lãnh tụ trước đây của đảng Lao Động là ông không xuất thân từ nghiệp đoàn, hay làm lãnh tụ nghiệp đoàn rồi tham gia chính trường liên bang.

 

Ông Rudd gia nhập Công đảng ngay từ thuở thiếu thời. Ông tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia ở Canbơrơ, nơi ông học tiếng Hoa và gặp vợ ông là bà Therese Rein. Bà có một dịch vụ giới thiệu việc làm rất hiệu quả. Hai vợ chồng ông có 3 người con.

 

Sau khi tốt nghiệp, ông Rudd đã làm việc tại các sứ quán Australia ở Thụy Điển và Trung Quốc, trước khi trở thành một thành viên kỳ cựu của Bộ Ngoại giao. Ông được bầu vào Quốc hội lần đầu năm 1998 và được chỉ định làm nhà lãnh đạo Công đảng đối lập hồi tháng 12/2006.

 

Chính sách

 

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi giành chiến thắng, Rudd cho biết ông sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính thế hệ và chôn vùi các cuộc tranh chấp trước đây giữa các nghiệp đoàn và doanh nghiệp, quan tâm tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và tình hình môi trường. Bên cạnh đó, ông đặt hết hy vọng vào sự hồi sinh của Công đảng dựa trên cam kết với các hộ gia đình ở khu vực trung tâm là cải thiện hệ thống y tế và giáo dục, biến trường học thành các phòng học "kỹ thuật số" với việc trang bị máy tính cho từng sinh viên và hủy bỏ các luật lao động gây nhiều tranh cãi.

 

Giống cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, tân Thủ tướng Rudd đã thay đổi chính sách thuế má và chi tiêu trước đó của Công đảng cho phù hợp với các chỉ tiêu mang tính bảo thủ nhằm duy trì thặng dư ngân sách ở mức 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đưa ra các biện pháp giảm thuế.

 

Về chính sách đối ngoại, ông Rudd hứa sẽ ngay lập tức phê chuẩn Nghị định thư Kyoto về khí hậu toàn cầu và sẽ dẫn đầu phái đoàn nước ông đến tham dự hội nghị cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc ở Bali (Indonesia) trong tháng 12 tới, theo đó dự kiến khởi động các cuộc đàm phán về thỏa thuận hậu Kyoto nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu.

 

Ông Rudd cũng hứa với những người ủng hộ rằng ông sẽ triệt thoái từng giai đoạn 500 binh sĩ tác chiến của Australia ở Iraq và sẽ có một đường lối chính phủ hài hòa hơn.

 

Kỷ nguyên mới trong quan hệ với châu Á

 

Nhà phân tích John Hart thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận xét vị chủ tịch Công đảng này là chuyên gia về châu Á, trong khi ông Howard gần như có tiếng nói chung với các quốc gia phương Tây và là đồng minh trung thành của Tổng thống Mỹ George W. Bush, thì ông Rudd có khả năng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ với các quốc gia láng giềng châu Á.

 

Ông Hart nói: "Howard là vị thủ tướng thuộc một thế giới cũ ở một quốc gia thuộc một thế giới mới. Ông ấy có một thái độ cố hữu từ thời những năm 1950 đối với châu Á. Còn ông Rudd sẽ có cái nhìn tích cực và tiến bộ hơn".

 

Khả năng nói thành thạo tiếng Quan thoại của ông Rudd đặc biệt quan trọng trong bối cảnh bất kỳ một nhà lãnh đạo phương Tây nào cũng đều thừa nhận rằng Trung Quốc là đối tác rất khó thương lượng. Tuy nhiên ngôn ngữ có thể tạo ra sự khác biệt.

 

Theo ông Hart, nếu Mỹ sẵn sàng khai thác và tận dụng kỹ năng đặc biệt này của ông Rudd, điều đó không chỉ có lợi cho Mỹ mà cho cả phương Tây. Vai trò của Trung Quốc trên thế giới đã thay đổi. Không chỉ kinh tế của nước này đang tăng trưởng ngoạn mục, mà Trung Quốc còn đang đóng một vai trò kiến thiết lớn hơn trên trường quốc tế.

 

Ông Rudd cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một đường lối khác so với ông Howard cả về tổng thể nói chung và về châu Á nói riêng. Rõ ràng ông Howard không chút mặn mà với châu Á và việc hòa nhập với giới lãnh đạo ở khu vực này chưa bao giờ là thế mạnh của ông ta. Còn ông Rudd sẽ hòa nhập với họ một cách thoải mái hơn.

 

Khi chính phủ của ông Howard lên nắm chính quyền năm 1996, họ đã quyết định từ bỏ cách tiếp cận vốn có đối với châu Á. Điều này đã dẫn đến một loạt những chính sách ngoại giao sai lầm, bao gồm việc đóng băng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ở thời kỳ đầu khi bộ trưởng quốc phòng nước này đưa ra những tuyên bố tham chiến bảo vệ Đài Loan. Hồi đầu năm nay, Chính phủ của ông Howard cũng khiến Ấn Độ - một cường quốc đang trỗi dậy khác ở châu Á - xa lánh.

 

Dưới thời ông Rudd, các mối quan hệ dựa trên những lợi ích về kinh tế có thể được mở rộng. Chuyên gia phân tích Kingsbury nhận định: "Sẽ có sự thay đổi trong thái độ, sẽ có mối quan hệ và đối thoại hòa hợp hơn với châu Á, qua đó sẽ thực sự tạo ra các cơ hội hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn".

 

Các chuyên gia nhận định, mặc dù hứa giữ mối quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ, ông Rudd sẽ vẫn tìm cách độc lập hơn về chính sách đối ngoại và chắc chắn, trong thời gian ông nắm quyền, quan hệ giữa Australia và các nước châu Á sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là với các nước như Trung Quốc và Inđônêxia.

 

Kiến Văn