1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tâm sự nhói lòng của các bác sĩ Philippines mắc Covid-19

(Dân trí) - Giống nhiều nơi khác trên thế giới, đội ngũ y tế ở Philippines đang phải đối mặt với không ít rủi ro thách thức khi ở tuyến đầu ứng phó dich Covid-19.

Tâm sự nhói lòng của các bác sĩ Philippines mắc Covid-19 - 1
Bác sĩ Greg và vợ đều mắc Covid-19. (Ảnh: Facebook)

Greg Macasaet, một bác sĩ gây mê ở Philippines, biết rằng thời gian của anh không còn nhiều. "Nếu họ đặt nội khí quản cho tôi và đặt máy thở, thì mọi chuyện xem như kết thúc", Greg xúc động viết trong tin nhắn gửi cho một người anh em.

Anh và vợ, cô Evelyn, cũng là một bác sĩ gây mê, đã lựa chọn tiếp tục công việc khi bệnh viện Manila Doctors nơi họ làm việc tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên có triệu chứng mắc Covid-19.

Không lâu sau, cả hai đều nhiễm bệnh. Chỉ trong vài ngày, bệnh trạng của Greg trở nên nghiêm trọng. Anh biết bệnh trạng của mình khi biết rằng các bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào tĩnh mạch của mình theo quy trình điều trị khẩn cấp, "khi đó mọi chuyện gần như kết thúc", Greg viết.

Khi đó anh luôn nghĩ về vợ, người cũng đang phải chiến đấu để giữ sinh mạng, cũng như về cậu con trai tự kỷ của mình. “Raymon (con trai Greg) cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần trong suốt phần đời còn lại, những điều mà tôi có thể không làm tròn trách nhiệm của mình được nữa”, Greg xúc động chia sẻ.

Greg đã nhắn gửi để một giám mục có thể làm những nghi lễ cuối cùng cho mình. Tuy nhiên, đến khi vị giám mục nhận được đề nghị, Greg đã được đặt nội khí quản. Greg trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ sáng ngày 22/3.

Greg không phải là người duy nhất. Hiệp hội Y khoa Philippines ngày 26/3 cho biết, đến nay 9 bác sĩ của nước này đã tử vong vì Covid-19 khi các bệnh viện quá tải và thiếu trang bị bảo hộ. Hai bác sĩ trong số đó cùng điều trị cho một bệnh nhân mà bệnh nhân này đã che giấu lịch sử đi lại của mình.

"Nếu được quyền quyết định, tôi sẽ xét nghiệm cho đội ngũ tuyến đầu trước và xét nghiệm lại sau 7 ngày. Chính các bác sĩ cũng trở thành người bị lây nhiễm", bác sĩ Benito Atienza, Phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Philippines nói.

"Chúng tôi nguyện giữ lời thề"

Tâm sự nhói lòng của các bác sĩ Philippines mắc Covid-19 - 2

(Ảnh minh họa:ABS-ABN)

Các nhân viên y tế cũng lo ngại cho sức khỏe của gia đình họ. “Hiện giờ, tôi rất lo cho mẹ của mình, bà đã khóc khi mở cổng đón tôi trở về. Tôi rất lo khi thấy bố mình ho. Khi không ở bên họ tôi lo rằng họ sẽ giấu tôi chỉ vì không muốn tôi căng thẳng hơn nữa. Khi tôi từ bệnh viện về nhà, điều khiến tôi lo ngại là tôi có thể lây bệnh cho họ”, bác sĩ Raf Gavino tại Bệnh viện Y đại lộ phía Đông cho biết với nhật báo Inquirer.

Với các nhân viên y tế nhiễm bệnh nhưng vẫn sống sót thì cuộc chiến của họ chưa kết thúc. “Tôi đã khóc. Tôi chưa sẵn sàng chết. Con tôi vẫn cần tôi. Vẫn còn cuộc chiến mà tôi phải chiến đấu”, Grace Caras-Torres, một bác sĩ sản khoa tại bệnh viện St Luke's và cũng là bệnh nhân Covid-19 thứ 194 của Philippines, chia sẻ trên Facebook.

Bất chấp rủi ro, đội ngũ y bác sĩ Philippines vẫn tiếp tục tham gia vào tuyến đầu ứng phó Covid-19. Ở tuổi 64, bà Alita Gonzales, một nữ y tá, vẫn hàng ngày làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Philippines. Mặc dù biết mình thuộc nhóm dễ bị lây nhiễm nhất, song bà khẳng định một lời thề cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân: “Chúng tôi nguyện giữ lời thề”.

Hệ thống y tế quá tải

Tâm sự nhói lòng của các bác sĩ Philippines mắc Covid-19 - 3

Nhân viên tại một bệnh viện ở Manila chuẩn bị thiết bị cho một cơ sở cách ly tạm cho bệnh nhân có triệu chứng mắc Covid-19. (Ảnh: EPA)

Các nhân viên y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Philippines đang đối mặt với rủi ro lớn. Bệnh nhân đang đổ về các bệnh viện trên khắp Philippines trong khi đội ngũ y tế thiếu trang thiết bị bảo hộ như khẩu trang, quần áo bảo hộ và bệnh viện thiếu giường bệnh.

Bệnh viện Y tế thành phố Manila, nơi có khoảng 800 giường bệnh, cho biết họ đã có 18 bệnh nhân dương tính với Covid-19, trong đó 6 bệnh nhân phải dùng máy thở, 5 trường hợp trong tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, 64 trường hợp khác nghi nhiễm bệnh và gần 140 nhân viên y tế của viện phải cách ly.

“Nếu không thể chuyển bệnh nhân mới sang các bệnh viện khác, hệ thống của chúng tôi sẽ đổ vỡ”, Giám đốc bệnh viện, ông Eugenio Jose Ramos nói.

Trung tâm Y tế St Luke cho biết, 2 bệnh viện cấp cao của họ ở Manila không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân Covid-19. “Cả hai bệnh viện đều đã quá tải, tiếp nhận thêm bệnh nhân COvid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân hiện tại”, trung tâm y tế này cho hay.

Hai bệnh viện nói trên đang điều trị cho 48 bệnh nhân Covid-19 và theo dõi thêm 139 trườn hợp nghi nhiễm bệnh. Trong khi đó, gần 600 nhân viên của bệnh viện đã bị cách ly.

Trung tâm y tế Makati, một bệnh viện cao cấp nữa ở Manila, cho biết họ cũng không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân sau khi đã tiếp nhận 70 ca nhiễm và nghi nhiễm bệnh, trong đó có một số người là nhân viên của họ.

Viện tim Philippines cũng đề nghị bệnh nhân đến điều trị tại các bệnh viện khác. "Chúng tôi là bệnh viện chuyên về tim mạch. Chúng tôi có rất nhiều bệnh nhân tim mạch. Đây đều là những bệnh nhân có nguy cơ cao.Chúng tôi hy vọng họ sẽ hiểu và không đổ xô đến bệnh viện chúng tôi", bác sĩ Joel Abanilla, giám đốc điều hành bệnh viện cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh.

Nhiều bệnh viện khác cũng đã đóng cửa các khoa ngoại trú và ngừng tiếp nhận các trường hợp không khẩn cấp.

"Philippines chưa sẵn sàng cho tình huống này. Chúng tôi chưa bao giờ trải qua giai đoạn nào như thế”, bác sĩ Ronnie Baticulon, phó giáo sư tại Đại học Dược Philippines, cho biết.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, Philippines có khoảng gần 102.000 giường bệnh phân bổ ở hơn 1.200 bệnh viện toàn quốc. Nếu chỉ 1% trong tổng số 107 triệu dân Philippines mắc Covid-19, “có thể dễ dàng nhận thấy các bệnh viện của chúng ta sẽ nhanh chóng bị quá tải thế nào”, ông Baticulonnói.

Một quan chức điều hành bệnh viện ở Philippines cho biết, hầu hết các bệnh viện ở đây đều không đủ máy thở. Bệnh viện lớn nhất và được trang bị đẩy đủ nhất cũng chỉ có 22 máy thở. Nghiêm trọng hơn, các bệnh viện đều bắt đầu thiếu hụt đồ bảo hộ cho nhân viên. Một bệnh viện ở Manila đã khẩn cấp tìm kiếm nguồn cung sau khi họ chỉ còn chưa đầy 100 bộ đồ bảo hộ cá nhân. Một bệnh viện nhỏ ở thành phố Los Banos, phía bắc Manila, thậm chí đã dùng túi nilon đựng rác và chai nhựa để làm đồ bảo hộ cho nhân viên.

 

Minh Phương

Theo Straits Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm