1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tầm nhìn NATO 2030: Đưa cả Nga -Trung vào "tầm ngắm"

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Liên minh quân sự NATO muốn "Đông tiến" để kiềm chế Nga và mở rộng hợp tác với các nước có chung chí hướng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc.

Ngoại trưởng 30 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ ngày 23-25/3 đã họp tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) để thảo luận về hàng loạt vấn đề "nóng" và tầm nhìn chiến lược đến năm 2030.

Tầm nhìn NATO 2030: Đưa cả Nga -Trung vào tầm ngắm - 1

Các Ngoại trưởng và quan chức NATO tham dự cuộc họp ở Brussels, Bỉ ngày 23/3 (Ảnh: AP).

Sáng kiến tầm nhìn 2030

Hội nghị Ngoại trưởng các nước NATO diễn ra trong bối cảnh mới, có thể coi là sự khởi đầu tốt đẹp trong quan hệ của các thành viên với Mỹ. Theo chương trình nghị sự các Ngoại trưởng sẽ thảo luận 14 vấn đề, trong đó có nội dung đầy tham vọng là xây dựng NATO trở thành một liên minh vững mạnh theo "Sáng kiến NATO tầm nhìn 2030".

Mục tiêu chính trị bao trùm của NATO được xác định trong hội nghị lần này là củng cố sự đoàn kết của Liên minh, trong đó nhấn mạnh việc khôi phục lòng tin chiến lược với Mỹ và các thành viên khác vốn bị xói mòn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Sáng kiến tầm nhìn 2030 của NATO, đối tượng chiến lược được xác định là cả 2 nước lớn Nga và Trung Quốc. Ngoài ra, NATO cũng vẫn phải đối mặt với sự đe dọa ngày càng lớn từ chủ nghĩa khủng bố, các cuộc tấn công mạng và thách thức từ vấn đề biến đổi khí hậu.

NATO tiếp tục khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh có vai trò trung tâm trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mặc dù mối quan hệ với quốc gia này vẫn còn tồn tại nhiều sự khác biệt. Về vấn đề Afghanistan, Ngoại trưởng các nước NATO khẳng định chưa có kết luận cuối cùng về việc rút 9.600 lính tại đây, mặc dù hạn chót của quân đội Mỹ là ngày 1/5/2021.

Báo giới dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các ngoại trưởng đã có một cuộc thảo luận rất tích cực về Sáng kiến NATO 2030, đặc biệt là cách liên minh có thể tiếp tục thích ứng với một môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng, với các mối đe dọa gia tăng và cạnh tranh mang tính hệ thống, những thay đổi lớn trong cán cân quyền lực toàn cầu và những thách thức ngày càng tăng đối với các quy tắc trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Mở rộng không gian chiến lược

Về không gian chiến lược, ngoài 2 định hướng "Đông tiến" vào không gian hậu Xô Viết và chống IS đã được xác định trước đây, nay mở rộng thêm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Jens Stoltenberg cho biết, khối quân sự này muốn mở rộng hợp tác với các nước có chung chí hướng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc.

Về đối tác chiến lược, với Australia năm 2006 đã được coi là "thành viên ngoài NATO" nay lại càng được coi trọng hơn nữa. Trả lời phỏng vấn báo The Herald The Age của Australia, Tổng thư ký NATO đã ủng hộ Australia trong các tranh chấp với Trung Quốc. Ông Stoltenberg cho rằng: "Trung Quốc đã cư xử rất tồi tệ với Australia".

"Điều quan trọng là thể hiện rằng chúng ta (tức NATO) có thể đoàn kết để chống lại hành vi bắt nạt của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Vì thế, chúng ta cũng đánh giá cao sự hợp tác với các nước có cùng chí hướng như: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Stoltenberg nói.

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO cũng cho biết, khối này chưa xác định được các giải pháp mở rộng không gian châu Á-Thái Bình Dương như thế nào cho có hiệu quả. "Chúng ta cần ngồi lại với nhau để xem có thể mở rộng và tăng cường hợp tác bằng cách nào, chẳng hạn như, hợp tác trong trao đổi thông tin và cùng tham gia vào những hoạt động…", ông nói.

Bình luận về tuyên bố của Tổng thư ký NATO, ông Rory Medcalf, trưởng khoa An ninh thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định: "An ninh là vấn đề toàn cầu và không chịu sự chi phối của ranh giới địa lý quốc gia nên những gì chúng ta có thể làm là cùng nhau bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, các vấn đề trên không gian mạng, chống gián điệp và sự can thiệp từ bên ngoài".

"Về lâu dài, sự hợp tác giữa Australia và NATO trong việc cân bằng quyền lực với Nga và Trung Quốc quan trọng hơn cả hợp tác trong chống khủng bố", ông Medcalf nhận định. Chuyên gia này cho rằng, NATO hợp tác với Australia không có nghĩa là NATO sẽ đưa quân đội tới Australia, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay quân đội Australia sẽ hiện diện tại châu Âu. Vì thế, giải pháp mở rộng không gian chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.

Những vấn đề cần được hóa giải

Cách đây hơn 70 năm, NATO ra đời có nhiệm vụ làm lực lượng xung kích của phương Tây trong chiến lược ngăn chặn, chống phá Liên Xô và khối Warszawa. Sau khi "Chiến tranh Lạnh" kết thúc, tuy không còn đối trọng, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục điều chỉnh chiến lược duy trì, mở rộng NATO để phục vụ cho tham vọng lãnh đạo thế giới của Washington bằng sức mạnh quân sự.

Theo đó, tổ chức này lần đầu tiên mở rộng không gian chiến lược theo hướng "Đông tiến", tạo thế bao vây, kiềm chế Nga; đồng thời mở rộng nhiệm vụ chống khủng bố tham gia chiến tranh tại Nam Tư (1999), chiến tranh Trung Đông-Bắc Phi (2001) và giờ đây với Tầm nhìn 2030 NATO tiếp tục mở rộng không gian chiến lược (lần 2) sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sau khi bị sa lầy quân sự ở Afghanistan, bất lực trước cuộc chiến ở Nam Kavkaz và sự thờ ơ của Mỹ, nội bộ NATO bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong thời gian dài, nhất là thời kỳ cựu Tổng thống Trump lãnh đạo nước Mỹ.

Giờ đây, phát biểu trong hội nghị Ngoại trưởng NATO, ông  Stoltenberg khẳng định: "Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn là nền tảng của phòng thủ tập thể, là trung tâm của sự gắn kết chính trị và là trụ cột thiết yếu cho trật tự dựa trên luật lệ". Đồng thời NATO cũng nên củng cố quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là EU và Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề gai góc đó là cách tiếp cận của NATO với đối thủ lớn và trực tiếp là Nga, răn đe hay đối thoại, nhất là từ tháng 4/2014 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Trong khi Đức hoan nghênh nối lại đối thoại giữa NATO với Nga thông qua Hội đồng NATO-Nga (NRC) thì NATO lại ra đòn trừng phạt Nga, Mỹ ngăn chặn Dòng chảy Phương Bắc 2.

Như vậy, sau những thăng trầm, NATO lại trỗi dậy với tham vọng toàn cầu, tiếp tục mở rộng không gian tác chiến sang cả châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, từ định hướng đến định hình và giải pháp chiến lược để ngăn chặn đối thủ thứ 2 là Trung Quốc đang còn có khoảng cách mà NATO cần phải vươn tới.

Theo giới phân tích, mâu thuẫn nội bộ NATO vẫn còn lớn, chiến lược và sách lược với các đối thủ, quan hệ đồng minh và đối tác… vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhất là việc cùng một lúc đưa cả hai đối thủ lớn Nga, Trung vào tầm ngắm có thể là chưa ổn thỏa về mặt sách lược. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng chiến lược đầy tham vọng "Tầm nhìn 2030 của NATO" mới chỉ ở cấp độ ý tưởng.