1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tam giác Nga-Iran-Thổ xoay chuyển Trung Đông

Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ thông qua tuyên bố chung chủ trương mở rộng ngừng bắn và sẵn sàng bảo trợ cho đàm phán hòa bình ở Syria.

Ngày 20-12-2016 sẽ được ghi trong biên niên sử như ngày Trung Đông chuyển động đến tam giác ngoại giao Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là ngày các ngoại trưởng ba nước tham dự hội nghị ở Moscow nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết xung đột Syria.

Tuyên bố chung tám điểm

Hội nghị các ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố tuyên bố chung tám điểm với nội dung như sau:

1. Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẳng định tôn trọng hoàn toàn chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria với tư cách một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, dân chủ và thế tục.

2. Ba bên tin rằng không có giải pháp quân sự cho xung đột Syria. Ba bên thừa nhận vai trò chủ chốt của LHQ trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.

3. Ba bên ủng hộ nỗ lực chung ở khu vực đông Aleppo để người dân tự nguyện sơ tán và quân nổi dậy vũ trang ra đi có trật tự, đồng thời ủng hộ công tác sơ tán một bộ phận dân chúng ở Foua, Kefraya, Zabadani, Madaya.

4. Ba bên nhất trí tầm quan trọng của việc mở rộng ngừng bắn, cứu trợ nhân đạo không bị cản trở và quyền tự do đi lại của người dân trên toàn lãnh thổ Syria.

5. Ba bên sẵn sàng ủng hộ và bảo trợ cho một thỏa thuận đang được chính phủ Syria và phe đối lập, đồng thời mời gọi các nước khác có ảnh hưởng đến tình hình cũng làm như thế.

6. Thỏa thuận này sẽ góp phần tạo đà cần thiết để nối lại tiến trình chính trị ở Syria phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.

7. Ba bên ghi nhận lời đề nghị của Tổng thống Kazakhstan về tổ chức các hội nghị có liên quan ở Astana.

8. Ba bên tiếp tục khẳng định quyết tâm phối hợp đấu tranh chống khủng bố IS và Al Nusra và tách chúng ra khỏi các nhóm đối lập vũ trang.

Hội nghị các ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow ngày 20-12. Ảnh: AFP
Hội nghị các ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow ngày 20-12. Ảnh: AFP

Không thay đổi chế độ Syria

Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh ba bên nhất trí ưu tiên hiện thời ở Syria là chống khủng bố và không thay đổi chế độ. Ông đánh giá hợp tác ba bên là mô hình hiệu quả nhất để giải quyết xung đột Syria.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Phải tìm kiếm giải pháp chính trị trên cơ sở tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và đoàn kết dân tộc của Syria”.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusgolu nhấn mạnh ngoài các tổ chức khủng bố như IS và Al Nusra bị loại khỏi tiến trình hòa bình, cũng cần chấm dứt ủng hộ các nhóm nước ngoài đang đánh nhau ở Syria.

Song song với hội nghị các ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng của ba nước này cũng được tổ chức ở Moscow.

Phản ứng với hội nghị ba bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Corby tuyên bố Mỹ bác bỏ nhận định rằng Mỹ không có mặt tại hội nghị ba bên là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng và vai trò của Mỹ trên thế giới bị suy giảm.

Ngoại trưởng John Kerry đánh giá đây là một sáng kiến đa phương bổ sung thêm vào nỗ lực tìm kiếm hòa bình ở Syria.

Trong khi đó tại Aleppo ngày 20-12 (giờ địa phương), quân đội Syria đã phát loa kêu gọi các tay súng nổi dậy cuối cùng phải rời khỏi khu vực phía đông Aleppo để quân đội truy quét khu vực và kết thúc chiến dịch tái chiếm Aleppo (bắt đầu từ ngày 15-11).

Theo Ủy ban Chữ Thập Đỏ quốc tế, từ giữa tuần trước đến nay đã có khoảng 25.000 người (quân nổi dậy và dân thường) sơ tán khỏi Aleppo. Đến ngày 20-12 vẫn còn hàng ngàn người chờ sơ tán.

Ngày 19-12, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2328 về triển khai quan sát viên LHQ đến Aleppo giám sát sơ tán dân thường khỏi Aleppo, vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo và chăm sóc y tế khẩn cấp.

Trên cơ sở này, chính phủ Syria và các bên đã chấp thuận cho 20 quan sát viên LHQ đến Aleppo.

Quân nổi dậy ở Syria gồm những ai?

Ở phương Tây, những người chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gọi quân nổi dậy từng cố thủ ở Aleppo là "quân nổi dậy ôn hòa". Ngược lại, bộ ba Syria-Nga-Iran gọi đó là "bọn khủng bố" muốn xây dựng chế độ Hồi giáo cực đoan ở Syria.

Theo đài truyền hình Pháp France Info, quân nổi dậy ở Aleppo gồm:

- Jabhat Fateh al-Sham: Đây là nhóm Hồi giáo cực đoan nhất, đổi tên từ nhóm Mặt trận Al Nusra (chi nhánh khủng bố Al Qaeda ở Syria) để đánh bóng hình ảnh và tìm kiếm tài trợ. Trong nhóm này có nhiều tay súng nước ngoài.

- Các nhóm Hồi giáo cực đoan khác: Nhóm Ahrar al-Sham không kêu gọi thánh chiến ngoài Syria, chủ trương thực hiện triệt để luật Hồi giáo. Hai nhóm Jabhat Fateh al-Sham và Ahrar al-Sham là hai lực lượng mạnh nhất trong tổ chức Jaish al-Fatah (Đạo quân chinh phục) gồm liên minh các nhóm thánh chiến cực đoan.

- Các nhóm Hồi giáo ôn hòa và dân chủ tập hợp trong liên minh Fatah Halab (Chinh phục Aleppo), bao gồm các nhóm Hồi giáo, các đơn vị vũ trang giữ quan điểm trung lập và một số lực lượng chủ trương thiết lập chế độ dân chủ. Trong liên minh có tổ chức Quân đội Syria tự do gồm chủ yếu là các binh sĩ Syria đào ngũ và các nhóm thân cận với tổ chức Anh em Hồi giáo.

_________________________

4 lý do đánh giá hội nghị các ngoại trưởng Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng bao gồm: Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga hơn và có thể thảo luận với Iran về Syria; vai trò của Nga đã được khẳng định ở Trung Đông; liên minh Nga-Syria-Iran đã được thừa nhận chiến thắng ở Syria và phe đối lập Syria được các nước quân chủ vùng vịnh hậu thuẫn đã thất bại; vấn đề Tổng thống Assad ra đi không còn được đặt ra nữa.

Theo Dạ Thảo

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm