1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Taliban và Al-Qaeda đã xâm nhập cơ quan tình báo Afghanistan?

(Dân trí) - Theo các quan chức và giới phân tích, vụ đánh bom liều chết tại căn cứ không quân Bagram gần Cabun sáng 27/2, nơi Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney nghỉ ngơi trong thời gian viếng thăm nước này cho thấy Taliban và al-Qaeda đã xâm nhập vào các cơ quan tình báo địa phương.

Theo họ, vụ đánh bom đó còn làm nổi bật hoạt động ngày càng tinh vi của các nhóm quá khích trong khi chúng chuẩn bị cho cuộc phản công mùa Xuân đáng sợ chống lại các lực lượng của phương Tây tại Afghanistan.

 

Một ngày trước khi xảy ra vụ đánh bom này, ông Cheney đã cảnh báo Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf về việc trấn áp các tay súng đang tái tập kết tại các khu vực bộ tộc của Pakistan để tăng cường các cuộc tấn công qua biên giới và trên chiến trường. Talat Masood, một viên tướng Pakistan đã nghỉ hưu và trở thành nhà phân tích, nói với AFP: "Vụ này cho thấy các tay súng đã xâm nhập vào cơ quan tình báo của các lực lượng an ninh Afghanistan. Đó là một cuộc tấn công gây choáng váng nhất".

 

Chuyến thăm Pakistan và Afghanistan của ông Cheney không được công bố và thậm chí còn được giữ bí mật hơn cả khi Tổng thống George W. Bush tới thăm 2 nước này hồi tháng 3/2006. Theo Author Ahmed Rashid, người đã viết một cuốn sách về Taliban, vụ đánh bom này là một hành động "rất khiêu khích" của Taliban. Ông nói: "Chúng đang chờ một chuyến thăm cấp cao để thực hiện một cuộc tấn công. Chuyến công du này, mặc dù được giữ bí mật hết sức, cũng đã được các giới tại Cabun và Islamabad biết".

 

Theo một quan chức cao cấp về chống khủng bố Pakistan, cuộc tấn công "tinh vi" này "thể hiện sự sẵn sàng của các tay súng và chất lượng thu thập tình báo của họ trước khi diễn ra cái gọi là cuộc phản công mùa Xuân". Ông nói: "Chắc là họ đã có thông tin từ vài ngày trước khi Phó Tổng thống Mỹ dừng chân tại Bagram. Đây không phải là công việc ta có thể lên kế hoạch trong 12 giờ sau khi được thông báo". Chuyến thăm của Cheney diễn ra giữa lúc có những tin tức nói rằng ông ta sẽ phát đi một thông điệp cứng rắn tới Tổng thống Musharraf, một đồng minh chủ chốt của Mỹ kể từ khi Pakistan từ bỏ sự ủng hộ đối với chế độ Taliban sau các cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001.

 

Theo một tuyên bố của Pakistan, Phó Tổng thống Mỹ đã nói với Pakistan về "những lo ngại nghiêm trọng" về tin tức tình báo thu thập được về một cuộc phản công sắp xảy ra của Taliban chống lại các lực lượng đồng minh tại Afghanistan.

 

Pakistan đã bị các đồng minh chỉ trích vì thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công qua biên giới vào Afghanistan, trong khi các lực lượng Mỹ và NATO đặc biệt lo ngại về một hiệp định hòa bình ký với các tay súng tại khu vực sắc tộc nhiều rắc rối Bắc Waziristan. Đề cập tới các cuộc hội đàm Musharraf-Cheney, một quan chức cao cấp của chính phủ Pakistan nói: "Người Mỹ cho rằng Pakistan cần phải hành động nhanh chóng tại các khu vực của các bộ tộc trước khi xảy ra cuộc phản công mùa Xuân của Taliban. Đây là kịch bản một mất một còn đối với chính quyền Mỹ bởi vì họ biết nếu họ không thể thắng, mọi việc sẽ vượt ra ngoài sự kiểm soát của họ rất nhanh tại Afghanistan".

 

Tuy nhiên, theo giới phân tích và các quan chức, phản ứng của Tổng thống Musharraf với sức ép mới có thể sẽ bị chi phối ít nhất bởi chính trị nội bộ Pakistan, bao gồm hành động cân bằng với các đảng tôn giáo theo đường lối cứng rắn và những lời kêu gọi đòi tăng cường dân chủ. Một quan chức chính phủ Pakistan nói: "Việc mở ra bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào của Pakistan tại khu vực bộ tộc cũng rất nghiêm trọng. Các tay súng sẽ co vào và có thể gây bất ổn cho tình hình nước này".

 

Theo Samina Ahmed, Giám đốc dự án Nam Á của nhóm theo dõi khủng hoảng quốc tế, Musharraf cần phải đưa ra cải cách chính trị tại các khu vực bộ tộc và từ bỏ việc thay thế đường hướng nhân nhượng xoa dịu bằng "vũ lực quá mức". Theo bà, các hòa ước là một "tín hiệu" gửi tới al-Qaeda và Taliban rằng "đó là lãnh địa của họ" trong khi các chiến dịch quân sự "thực tế giúp tạo sự ủng hộ tại địa phương đối với các tay súng".

 

A.K