1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Tai nạn kinh hoàng" trong làng báo Mỹ

"Những ả điếm tóc xoăn", cụm từ ngắn ngủi và đầy chất miệt thị này đã kết liễu sự nghiệp dẫn chương trình huy hoàng của một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất nước Mỹ: Don Imus.

Con người kỳ lạ

 

Chào đời tại Riverside, California vào năm 1940, Don Imus thuở nhỏ rất hiếu động và lười học. Khi lớn lên một chút, ông bỏ học để gia nhập quân đội, phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến từ năm 1957 đến 1959. Sau này, khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Vanity Fair, Imus cho biết ban đầu ông là một pháo thủ nhưng sau đó chuyển qua thổi kèn trong đội quân nhạc.

 

Rời quân đội, Don Imus bắt đầu thời gian lang bạt kỳ hồ khắp nước Mỹ. Sự tôi luyện trong quân đội cùng với bản tính ngang tàng đã giúp ông trụ được trong đoạn đời khốn khó này bằng đủ thứ nghề, từ thợ mỏ, nhân viên trạm xăng đến công nhân đường sắt.

 

Quãng đời gió bụi này khiến Don Imus chai lì hơn, nhưng đồng thời cũng đẩy ông vào một thế giới tối tăm. Ông uống rượu như hũ chìm và không ngần ngại chơi hàng trắng. Tất cả những điều trên đây hợp lại đã tạo thành một Don Imus nổi tiếng sau này, từng được Tạp chí Time bình chọn là một trong 25 nhân vật có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.

 

Nhưng cũng chính tính cách bụi bặm hình thành từ quãng đời bôn ba đó đã kết liễu một chặng đường trong sự nghiệp truyền hình đầy vinh quang của Don Imus. Cách đây vài ngày, Don Imus đã bị Tập đoàn truyền thông NBC Universal sa thải, bị dân chúng chê cười và giới chính trị gia chỉ trích. Chương trình truyền hình nổi tiếng Imus in the Morning (Imus buổi sáng) vốn được coi là món điểm tâm không thể thiếu của đông đảo dân Mỹ từ năm 1971 cũng chấm dứt vào tháng tư này sau gần 40 năm thăng hoa.

 

Kết cục trên xuất phát từ cụm từ "nappy-headed hos" (những ả điếm tóc xoăn - tóc xoăn ở đây chỉ người da đen) mà Don Imus trong một phút ngẫu hứng đã thốt ra để chỉ các thành viên trong đội bóng rổ nữ của Đại học Rutgers. Một câu đùa không phải lúc đã giáng tai họa xuống đầu Don Imus, người đã sử dụng sự hài hước đôi khi đến mức lố bịch của mình để leo lên đỉnh cao trong ngành truyền thông Mỹ.

 

Tượng đài truyền thông

 

Ở nước Mỹ, có rất nhiều người dẫn chương trình đã trở thành thần tượng của công chúng, như Oprah Winfrey, Larry King, Mike Wallace... Mỗi người sử dụng một thứ vũ khí để gây dựng sự nghiệp của mình. Với "vua" Larry King của Đài CNN đó là tầm hiểu biết rộng rãi cùng những câu hỏi nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, như báo chí thường đánh giá "ông ấy là chuyên gia của mọi lĩnh vực", với Winfrey là sự hồn nhiên, thông minh, hài hước, khả năng dẫn dắt người được phỏng vấn cũng như khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Don Imus cũng có vũ khí riêng của mình, đó là khả năng gây cười, đôi khi ông không ngần ngại sử dụng từ ngữ thô tục.

 

Sự góp mặt của Don Imus trong ngành truyền thông Mỹ bắt đầu vào năm 1968, khi ông dẫn chương trình ca nhạc cho Đài phát thanh KUTY ở California. Việc người cựu chiến binh thủy quân lục chiến đến với ngành truyền thông cũng là một bước đi bất ngờ. Theo hồi ký của Don Imus, hồi đó, ông đang làm công nhân cho một công ty đường sắt ở California. Một buổi sáng, lúc nằm nghe chương trình ca nhạc trên Đài KUTY, Don Imus không thể chịu nổi cái lối nói chuyện tẻ nhạt của người dẫn chương trình hôm đó. Thế là ông đi đến một quyết định bất ngờ: bỏ việc ở công ty đường sắt và xộc thẳng vào trụ sở đài phát thanh nọ. Ông nói với ban lãnh đạo KUTY rằng mình có thể dẫn chương trình tốt hơn nhiều lần "cái gã tồi kia".

 

Sự đường đột của Don Imus thế mà đem lại hiệu quả bất ngờ. Sau một hồi lưỡng lự, lãnh đạo KUTY đã gật đầu. Thế là gã công nhân thường chạy lăng xăng trên những thanh đường ray hôm qua trở thành một nhân vật của công chúng, một lời nói được cả trăm ngàn người nghe. Nhưng dường như sự chuyển đổi quá nhanh này khiến Don Imus chưa kịp ý thức hết vai trò mới của mình. Thế nên, đôi lúc, trong các buổi phát thanh trực tiếp, ông vẫn sử dụng nhiều từ ngữ "không thích hợp" để rồi phải trả giá. Vào năm 1969, trong một chương trình phát thanh, Don Imus buột miệng: "Hell!" (đồ chết tiệt!). Thế là ông bị sa thải.

 

Thế nhưng, cũng chính nhờ sự cố này mà sự nghiệp của Don Imus bước sang trang mới. Sau khi bị sa thải, ông đã đến Đài phát thanh WFAN và xây dựng chương trình Imus in the Morning vào năm 1971. Chương trình tin tức, hài kịch, chính trị này ngay lập tức trở thành một món ăn ưa thích của khán thính giả Mỹ. Năm 1996, sự nghiệp của Don Imus bước sang một giai đoạn mới với việc Imus in the Morning được phát trên hệ thống truyền hình MSNBC. Từ đó, hình ảnh của người dẫn chương trình Don Imus tiếp tục lan tỏa tới mọi ngõ ngách nước Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Imus in the Morning được dân Mỹ chờ đợi mỗi ngày, họ hết sức thích thú trước khả năng xây dựng kịch bản, lối dẫn dắt cũng như sự ngẫu hứng của người dẫn chương trình - nhà sản xuất Don Imus. Họ hào hứng với cả những câu pha trò tục tĩu của ông.

 

Don Imus cũng được đánh giá cao bởi các hoạt động từ thiện và khả năng làm việc quên mình. Ông đã quyên được 6 triệu USD cho một trung tâm điều trị tâm thần cho các cựu chiến binh trở về từ chiến trường Iraq. Năm 1999, ông cùng vợ thành lập trang trại Imus ở New Mexico. Mỗi năm vài lần, ông về đây để thực hiện các chương trình phát thanh - truyền hình trực tiếp nhằm quyên tiền ủng hộ trẻ em bị ung thư. Năm 2000, khi đang thực hiện một chương trình ở đây, ông ngã ngựa và bị trọng thương. Sau đó, Don Imus đã thực hiện hàng loạt buổi truyền hình trực tiếp ngay trên giường bệnh. Hình ảnh đó một lần nữa đưa ông lên đỉnh vinh quang trong ngành truyền thông. Không còn nghi ngờ nữa, Don Imus đã trở thành một thần tượng của khán thính giả Mỹ, tương tự như Larry King, Oprah Winfrey vậy.

 

Thần tượng sụp đổ

 

Sự nghiệp của Don Imus đang rất êm đềm thì thảm họa ập xuống vào ngày 4/4 vừa qua. Trong chương trình truyền hình về trận đấu giữa hai đội bóng rổ nữ của Đại học Rutgers và Tennessee, khi đề cập đến đội bóng Rutgers, Imus đã không ngần ngại gọi họ là "những ả điếm tóc xoăn". Điều đáng nói là trong đội bóng này có một số thành viên là dân gốc Phi và phát ngôn của Don Imus rõ ràng là ám chỉ đến những người này. Chất phân biệt chủng tộc lộ rõ và phát ngôn trên ngay lập tức bị phản đối kịch liệt. Một cuộc tranh luận về kỳ thị chủng tộc đã nổ ra trên khắp nước Mỹ, cả trên mặt báo, trên truyền hình lẫn trong các cuộc họp quốc hội và dư luận quần chúng.

 

Thượng nghị sĩ Barack Obama, một người da màu và là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, nã phát súng đầu tiên: "Nếu như trợ lý của tôi mà có lời lẽ như thế thì hãy nghỉ việc ngay lập tức. Tôi mong muốn NBC cũng có quan điểm như thế với nhân viên của mình". Ứng viên Tổng thống Hillary Clinton cũng lên án: "Tôi chưa bao giờ tham gia các chương trình của Don Imus vì những lời lẽ cay độc, tục tĩu của ông ta". Cả đồng nghiệp Oprah Winfrey cũng chê trách Don Imus trong chuyện này. Thế là những chuyện xưa cũ của ông, từ thói quen uống rượu như hũ chìm đến quá khứ nghiện ngập ma túy, lại được báo chí khơi lên. Người ta cũng thống kê "những phát ngôn không thích hợp" của Don Imus từ trước đến nay. Hình ảnh của Don Imus đang đẹp đẽ là thế bỗng chốc trở nên xám xịt. Thế là từ vị thế một nhân vật được ưa chuộng, ông trở thành người bị ghét bỏ, nguyền rủa.

 

Thực ra, Don Imus không phải là người dẫn chương trình đầu tiên sử dụng cụm từ "những con điếm...". Nhưng lời của ông được dân Mỹ chú ý hơn những người kém tên tuổi trước kia. Vì thế, tai họa giáng xuống đầu ông cũng nặng nề hơn. Cuối cùng, trước áp lực của dư luận, Tập đoàn NBC Universal đã sa thải đứa con cưng của mình. Thế là sau gần 40 năm dấn thân và trở thành ngôi sao của thế giới truyền thông Mỹ, Don Imus đã trượt chân. Chưa bao giờ người Mỹ chứng kiến một cú sốc khủng khiếp như thế trong lĩnh vực này.

 

Theo Đỗ Hùng
Thanh niên