1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tái chiếm hay kiềm chế?

Việc Mỹ ngày 1/12 tuyên bố sẽ triển khai lực lượng đặc nhiệm đến chiến trường Iraq được cho là dấu hiệu cho thấy sự leo thang các hoạt động tác chiến trên bộ của quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tái chiếm hay kiềm chế? - 1

Cộng với những lời kêu gọi trước đó của hai Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Lindsey Graham về việc thành lập lực lượng trên bộ với tổng số 100.000 quân trong đó có hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ, không ít ý kiến cho rằng liệu có phải Mỹ sắp sửa đem quân “tái chiếm” Iraq và “xâm lược” Syria với danh nghĩa chống IS?

Cứu “người khổng lồ chân đất sét”

Đương nhiên Mỹ có lý do của mình. Trang Isn.ethz.ch (Thụy Sỹ) mới đây dẫn nhận định của chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng quân đội Iraq hiện nay là một lực lượng thảm bại. Mặc dù được Mỹ đào tạo, huấn luyện và trang bị vũ khí đến "tận răng" với tổng chi phí lên tới 25 tỷ USD, quân đội Iraq vẫn mãi mãi là "người khổng lồ chân đất sét". Từ năm 2014, hiệu quả chiến đấu của quân đội Iraq đã giảm sút đáng kể khi IS lần đầu tiên tiếp cận và xâm chiếm Mosul - thành phố lớn thứ hai ở Iraq, sau đó là thị trấn Tikrit và năm nay, quân đội Iraq lại để mất thành phố chiến lược Ramadi. Người Mỹ có lẽ đã đúng khi nói rằng mọi thứ trở nên tồi tệ hơn sau khi họ rời Iraq và thực tế là họ không thể giúp quân đội Iraq "tự đứng vững trên chính đôi chân" của mình.

Thứ hai, nhu cầu đưa lực lượng bộ binh ra chiến trường để áp đảo và đè bẹp kẻ thù cũng phù hợp với logic chung, nhất là sau những lần có tin nhà báo Mỹ bị hành quyết trước đây hay một vụ khủng bố giống như ở Paris vừa qua. Những lời lẽ “đao to búa lớn” phải hành động trực tiếp (thay vì chỉ đạo từ phía sau) ngay lập tức nhận được sự cộng hưởng từ các cử tri.

Thứ ba, nhiều người nhắc lại khoảng thời gian từ năm 2004-2008 khi hàng ngàn người Mỹ đã đổ máu tại các “địa ngục” như Fallujah, Ramadi hay Baquba trong làn sóng các vụ tấn công tự sát của các phần tử thuộc nhóm “Al Qaeda ở Iraq” và nhóm này lúc đó đã kiểm soát hầu hết các khu trọng yếu của người Sunni ở Iraq. Bãi lầy Iraq vô nghĩa tốn kém đến 3 nghìn tỷ USD đã trở thành vũ khí cho những thành viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống khi họ kêu gọi “tái thiết quốc gia thay vì đến các sa mạc Iraq”. Nhưng cuối cùng, Iraq đã được cứu nhờ sự tăng quân khẩn cấp với 30.000 binh sĩ Mỹ. Lực lượng này kết hợp với hơn 103.000 chiến binh người Sunni bất mãn với “Al Qaeda ở Iraq” đã tạm thời đẩy lui các lực lượng nổi dậy và cho phép Tổng thống George W. Bush, ký thỏa thuận cứu vãn thể diện tháng 12/2008 với Thủ tướng người Shiite Nouri al-Maliki với kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Không nên vội vàng

Dĩ nhiên quân đội Mỹ không đến Iraq và Syria một mình và sẽ tham gia vào một liên minh quốc tế để đè bẹp IS và gây áp lực để buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad rời bỏ quyền lực, theo lời các nghị sĩ Mỹ. Lực lượng này sẽ giúp lập ra một vùng an toàn tại Syria và hỗ trợ các lực lượng địa phương đánh bại IS.

Tuy nhiên, ông Zubair Iqbal, một học giả thuộc Viện Trung Đông, cho rằng có nhiều trở ngại trong việc thành lập một lực lượng đa quốc gia như vậy. Thứ nhất là làm thế nào huy động được một lực lượng lớn trong một khu vực được xem là không có một chính sách thống nhất. Thứ hai là những nước này chỉ theo đuổi lợi ích riêng và sẽ không thể nào hợp tác với nhau và luôn luôn có vấn đề là ai sẽ lãnh đạo lực lượng này. Ngoài ra còn vấn đề thực sự quan trọng là điều gì sẽ diễn ra sau khi đánh bại IS?

Mặt khác, theo lập luận của Giáo sư Brian Glyn Williams (Trung tâm Chống khủng bố của CIA), năm 2007 đã phải cần đến một lực lượng tổng cộng hơn 270.000 chiến binh Sunni và quân đội Mỹ mới đánh bại “Al Qaeda ở Iraq" tại miền Trung và miền Tây Iraq. Trong khi đó, hiện IS kiểm soát một vùng còn lớn hơn diện tích nước Anh và được chứng minh trên thực tế là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất tại Iraq. Hơn thế nữa, IS là nhóm cuồng tín tin vào lý thuyết trong kinh Koran vốn kêu gọi một cuộc chiến lớn chống lại quân đội “vô đạo” cho đến thời khắc cuối cùng. Các thủ lĩnh IS vẫn mơ về sự trở lại của những lính Mỹ "ngoại đạo" tới khu vực để thực hiện lời tiên tri và tin rằng một cuộc xâm lược của Mỹ sẽ kích động và giúp đoàn kết, mở rộng các lực lượng của họ. Bởi vậy, nguy cơ của Mỹ lần này là có thực, thậm chí còn dẫn đến hai bãi lầy, ở hai quốc gia, thay vì một bãi lầy Iraq như trước đây.

Ngoài ra, duy trì một đội quân khổng lồ chiếm đóng ở hai nước sẽ đòi hỏi chi phí hàng nghìn tỷ USD và sự đổ máu tại các chiến trường được ví như những chiếc máy xay thịt này. Đấy là chưa kể, dính líu thêm vào khu vực này cũng đồng nghĩa là tham gia vào cuộc chiến sắc tộc giữa người Sunni và người Shiite kéo dài hàng thế kỷ nay. Nếu đi đến cùng chống IS, vô hình chung Mỹ cũng ủng hộ chính quyền do người Iran hậu thuẫn ở Iraq.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị G-20 vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giải thích lý do không đưa bộ binh tái chiếm Iraq. Đúng là thay vì vội vàng đổ quân vào chiến trường, một chính sách thận trọng có thể kiềm chế IS tại các vùng sa mạc xa xôi thông qua một chiến dịch không kích kéo dài và hỗ trợ các lực lượng địa phương để đẩy lui lực lượng này (như đã thành công gần gây tại Kobane, Tel Abyad, Sinjar, Hasaka và Tikrit) sẽ không chỉ là có ý nghĩa về mặt chiến lược, mà sẽ giúp cứu mạng sống của nhiều người Mỹ.

Theo Bảo Anh

Thế giới và Việt Nam