Tác động vụ hành quyết con tin lên chính sách đối ngoại Nhật Bản?
Nhật Bản, quốc gia vốn luôn cảm thấy xa lạ với những vấn đề địa chính trị, vừa trải qua một cú sốc khi hai công dân của nước này bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria giết hại.
Quốc đảo này đã đóng cửa với thế giới bên ngoài trong hai thế kỷ nằm dưới sự cai trị của Samurai. Sau đó, sự nổi lên của chủ nghĩa quân phiệt và việc chiếm đóng các nước láng giềng trước khi xảy ra Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã gây ra những hậu quả thảm khốc, khiến Nhật Bản quay trở lại với chủ nghĩa biệt lập. Trong hai thập kỷ qua, Nhật Bản đã nhiều lần muốn vươn ra bên ngoài, và Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang thúc đẩy việc Nhật Bản đóng một vai trò quốc tế lớn hơn khi tìm cách nới lỏng những hạn chế về quân sự được quy định trong Hiến pháp – một động thái gây ra nhiều tranh cãi.
Các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để dự báo về tác động của vụ khủng hoảng con tin do tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng thực hiện tới chính sách của chính phủ và tâm lý của xã hội Nhật Bản. Những gì trong quá khứ cho thấy, mặc dù tỏ ra lo ngại, song Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục dần mở rộng vai trò quân sự của mình. Điều này sẽ được thể hiện rõ trong thời gian tới, khi Quốc hội Nhật Bản được cho là sẽ chấp thuận những đề nghị của ông Abe để cho phép Lực lượng Phòng vệ được quyền hành động nhiều hơn.
Trong bài phát biểu tại Cairo ngày 17/1, ông Abe nói: “Nhật Bản sẽ làm tất cả những điều này nhằm giúp ngăn chặn mối đe dọa từ IS. Tôi sẽ cam kết hỗ trợ 200 triệu USD cho những quốc gia đang chiến đấu chống lại IS, nhằm giúp các nước này tăng cường lực lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng…”. Trong đoạn phim đăng tải trên mạng chỉ ba ngày sau đó, IS đã cáo buộc Nhật Bản đóng góp tiền để “giết hại phụ nữ và trẻ em” và đe dọa sẽ giết hai con tin người Nhật Bản mà chúng đang bắt giữ.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản đối mặt với một cuộc khủng hoảng như vậy. Năm 2004, Nhật Bản đã cử hàng trăm binh lính tới Iraq nhằm hỗ trợ công cuộc tái thiết của quốc gia này. Mặc dù không tham chiến, song hành động triển khai quân ở nước ngoài này đã phá vỡ chính sách trước đây của Nhật Bản. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có một điều luật đặc biệt và mở rộng giới hạn của quyền tự vệ được quy định trong Hiến pháp – hành động bị một số người cho là đã đi quá xa. Ở trong nước, nhiều người phản đối việc triển khai quân tới Iraq.
Những hành động bạo lực đã gây sốc trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, nơi có tỷ lệ sở hữu súng và tỷ lệ giết người thấp nhất thế giới. So với Mỹ và châu Âu, đối với Nhật Bản, những rắc rối của Trung Đông dường như là vấn đề xa vời. Không giống như New York hay Paris, Tokyo chưa từng bị những phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công. “Mainichi”, một trong những tờ báo lớn của Nhật Bản, bình luận: “Đây là điều bất thường khi Nhật Bản - quốc gia không tham gia các chiến dịch quân sự (chống lại tổ chức IS) – trở thành mục tiêu bị tấn công”. Báo này kết luận: “Chúng ta không còn sống trong thời đại mà chúng ta cảm thấy được an toàn chỉ vì chúng ta là người Nhật”.
Nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Nhật Bản tập trung vào phát triển kinh tế và phụ thuộc nhiều vào sự bảo vệ của Mỹ để tránh khỏi những mối đe dọa toàn cầu. Ngày nay, mọi việc vẫn như vậy, tuy nhiên trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản đã triển khai quân ở nước ngoài một cách rất thận trọng. Và động thái này đã gây ra nhiều rủi ro. Vượt qua sự phản đối của dư luận, năm 1992, Quốc hội Nhật Bản đã cho thông qua một đạo luật cho phép nước này cử binh lính và các lực lượng khác tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Một năm sau, một cảnh sát Nhật đã bị sát hại tại Campuchia. Kể từ đó, cảnh sát Nhật Bản rút khỏi lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, tuy nhiên quân đội Nhật Bản vẫn tiếp tục tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình khác.
Năm 2004, việc một con tin Nhật Bản bị giết hại tại Iraq đã làm gia tăng sức ép đòi rút quân về nước lên chính phủ, tuy nhiên sứ mệnh này vẫn được tiếp tục tới năm 2006.
Một thập kỷ sau, ông Abe lại nỗ lực thúc đẩy Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Năm ngoái, ông đã tìm cách diễn giải lại Hiến pháp nhằm cho phép Nhật Bản, trong một số tình huống, được triển khai quân đội để bảo vệ các đồng minh bị tấn công. Ông vẫn cần Quốc hội thông qua những thay đổi pháp lý cần thiết để cho phép quân đội được hành động như vậy và thậm chí còn nhiều hơn nữa. Chắc chắn cuộc tranh luận sẽ còn nóng lên nữa, tuy nhiên đảng của ông Abe hiện đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội và ông có thể sẽ thực hiện được mục tiêu của mình.
Theo TTK/baotintuc.vn