1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nhật lộ yếu kém sau thất bại giải cứu con tin

(Dân trí) - Thất bại của Nhật Bản trong việc giải cứu 2 con tin bị nhóm phiến quân IS bắt giữ đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng giải quyết khủng hoảng quốc tế của nước này, đặc biệt là ở khu vực nơi Tokyo không có nhiều đòn bẩy ngoại giao như Trung Đông.

Người dân Nhật đọc báo về vụ giết hại con tin Kenji Goto (Ảnh:

Người dân Nhật đọc báo về vụ giết hại con tin Kenji Goto (Ảnh: AFP)

Theo hãng thông tấn AFP, các nhà phân tích cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh cho Nhật Bản, và cách thức xử lý của nước này với vụ việc cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, sự thiếu liên hệ và thông tin, cùng cách xử trí của Tokyo đã bộc lộ thiếu sót rõ ràng. Nhật Bản gần như đơn độc một mình cùng đồng minh chủ chốt Jordan - quốc gia cũng đang cố gắng giải cứu một phi công bị nhóm IS bắt giữ hồi cuối tháng 12 năm ngoái, khi máy bay của anh bị rơi tại miền bắc Syria, vùng lãnh thổ do nhóm phiến quân kiểm soát.

AFP dẫn lời giáo sư Takashi Kawakami, chuyên gia an ninh tại Đại học Takushoku, nhận định: “Chính phủ Nhật thiếu thông tin và điều đó cản trở họ giải quyết tình hình. Vụ giết hại là một lời cảnh tỉnh. Sau sự kiện này, chính phủ sẽ phải đẩy mạnh các hoạt động tình báo ở cả trong và ngoài nước”.

Trong khi đó, ông Masanori Naito, giáo sư về Hồi giáo và Trung Đông tại Đại học Dashisha, nói rằng Tokyo lẽ ra nên tìm kiếm trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia gần đây đã giải cứu thành công con tin từ IS.

Ông Naito nói thêm “có vẻ như chính phủ sẽ cân nhắc việc sử dụng quân đội Nhật Bản” trong những tình huống công dân Nhật rơi vào nguy hiểm khi ở nước ngoài.

Tờ báo Yomiuri cũng nhắc đến quan điểm này, nói rằng “chính phủ và các bên lãnh đạo cần tiếp tục thảo luận về vấn đề này”. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có nhiều động thái nhằm sửa lại Hiến pháp hòa bình để mở rộng khả năng quân sự của nước này, vốn bị giới hạn trong vai trò tự vệ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Người dân Nhật đọc báo về vụ giết hại con tin Kenji Goto (Ảnh:

Khả năng nâng cao vị thế của Nhật trên trường quốc tế của ông Abe bị ảnh hưởng sau vụ bắt cóc con tin. (Ảnh: AFP)

Vụ giết hại con tin cũng dấy lên lo ngại về khả năng nâng cao vị thế của Nhật trên trường quốc tế của ông Abe. Trong đoạn video do nhóm phiến quân IS công bố hôm 31/1, kẻ được coi là người hành quyết nhà báo Goto, con tin người Nhật thứ hai bị chặt đầu sau cái chết của Haruna Yukawa, đã đe dọa rằng vụ hành quyết này là kết quả của các chính sách “liều lĩnh” của Tokyo và sẽ tiếp tục gây ra “cơn ác mộng dành cho Nhật Bản”.

Sự kiện này xảy ra sau khi ông Abe cam kết chi 200 triệu USD để hỗ trợ dân tị nạn từ các khu vực do phiến quân IS kiểm soát đến Syria và Iraq trong một chuyến thăm Trung Đông hồi tháng trước. Nhóm phiến quân đã yêu cầu một khoảng tiền chuộc tương đương để đối lấy 2 tù nhân bị bắt trước đó nhiều tháng.

AFP cho hay ông Abe đã biết phiến quân đang giữ 2 công dân Nhật khi ông tuyên bố về khoản viện trợ trên, và nhiều câu hỏi được đặt ra về tính đúng đắn của bước đi này.

Ông Tomoaki Iwai, giáo sư chính trị tại Đại học Nihon nói: “Ông Abe đưa ra khoản viện trợ với mục đích nhân đạo và đó là việc làm đúng đắn. Nhưng khi công bố, ông đã nói khoản tiền đó là để trợ giúp các quốc gia “đang đấu tranh chống lại phiến quân IS”. Giáo sư Iwai đặt ra câu hỏi đó liệu có phải là cách nói phù hợp.

Nhật Bản thừa nhận các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ từ nhiều giờ trước khi nhóm IS tuyên bố về cái chết của phóng viên Kenji Goto. Các nhà ngoại giao chưa bao giờ thành công trong việc liên hệ trực tiếp với phiến quân, hay có một cuộc đàm phán trực diện về việc trả tiền chuộc.

Tokyo cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết các khủng hoảng, và nhận thức được rằng hình ảnh một nhà viện trợ ôn hòa sẽ không đảm bảo nước này thoát khỏi bạo lực. Theo báo Asahi, “đây không chỉ còn là việc của nước khác, Nhật Bản phải đối mặt với sự thật này”.

Nghi Phương
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm