Syria ở “điểm bùng phát”, phương Tây trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao
(Dân trí) - Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả-rập, ông Kofi Annan, cho rằng Syria đang ở “điểm bùng phát” sau hơn một năm xảy ra xung đột, trong bối cảnh một loạt các quốc gia phương Tây tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Syria.
Ông Annan gặp Tổng thống Assad ngày 29/5.
Ông Annan đưa ra bình luận trên sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại thủ đô Damacus hôm qua.
Ông Annan tới Syria sau vụ thảm sát kinh hoàng hôm 25/5 làm ít nhất 108 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương tại thành phố Houla, miền trung đất nước.
Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả-rập nói với các nhà báo rằng kế hoạch hoà bình quốc tế 6 điểm cho Syria không được thực thi đúng như những gì phải làm.
“Tôi đã yêu cầu ông Assad thực hiện những bức đi mạnh mẽ, ngay bây giờ chứ không phải ngày mai, để tạo động lực nhằm thực thi kế hoạch hoà bình”.
Kêu gọi chính phủ Syria và tất cả các lực lượng dân quân được chính phủ ủng hộ cần “kiềm chế tối đa”, ông Annan cũng yêu cầu “phe đối lập có vũ trang ngừng các hành động bạo lực”.
Trong khi đó, Tổng thống Assad thì cho hay thành công của kế hoạch hoà bình phụ thuộc vào việc chấm dứt cái mà ông gọi là các hành động khủng bố và ngăn chặn buôn lậu vũ khí.
Các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Houla đang được chôn cất.
Hôm qua, một loạt các quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Canada, Australia, Hà Lan và Thuỵ Sĩ đều tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Syria vì vụ thảm sát tại Houla.
Trước đó, phát ngôn viên nhân quyền Liên hợp quốc Rupert Colville cho biết các điều tra ban đầu cho thấy hầu hết những người thiệt mạng tại làng Taldou là do bị hành quyết.
Theo ông Colville, 49 trẻ em và 34 phụ nữ năm trong số các nạn nhân. Các quan sát viên Liên hợp quốc tới Taldou nói nhiều trong số các nạn nhân đã bị sát hại bằng súng ở cự ly gần hoặc bị tấn công bằng dao.
Các nhân chứng nói các dân quân được chính phủ ủng hộ đã tiến hành các vụ giết. Một số người sống sót cho biết họ phải ẩn nấp hoặc giả vờ chết.
Trong khi đó, các lãnh đạo Syria khẳng định vụ thảm sát là hành động của “những kẻ khủng bố” nhằm làm trệch hướng tiến trình hoà bình và kích động sự can thiệp của các cường quốc phương Tây.
Bạo lực vẫn tiếp tục tại Syria hôm qua, với gần 50 người chết trong các vụ việc khác nhau, theo các nhà hoạt động.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thông báo đại biện Syria tại Washington có 72 giờ để rời khỏi nước này.
Phát biểu sau đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho hay chính quyền Obama vẫn phản đối hành động quân sự tại Syria, trên cơ sở rằng điều đó có thể chỉ dẫn tới thêm các vụ tàn sát.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu tại Paris rằng một “sự can thiệp có vũ trang” là không thể loại trừ, sau sự cân nhắc kỹ càng của Hội đồng bảo an.
Ông Hollande nói ông sẽ thảo luận vấn đề Syria với người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi ông chủ Kremlin tới thăm Paris vào thứ Sáu này.
Một cuộc họp của nhóm Những người bạn của Syria dự kiến sẽ được tổ chức tại Pháp vào tháng 7, văn phòng của ông Hollande cho hay.
Tại Anh, đại biện Syria ở London được yêu cầu rời đi trong vòng 7 ngày.
Một loạt các quốc gia đã lên tiếng chỉ trích vụ thảm sát tại Houla, trong đó có Canada, Australia, Tây Ban Nha…
Nga, quốc gia cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria và đã ngăn chặn các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp nhằm kêu gọi hành động chống lại Damascus, cho hay tất cả các bên đều phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát tại Houla.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ lo ngại rằng “một số quốc gia” đang bắt đầu sử dụng vụ thảm sát tại Houla làm “cái cớ để đưa ra những kêu gọi liên quan tới sự cần thiết cho các hành động quân sự”.
Trong cuộc điện đàm với ông Annan hôm qua, ông Lavrov đã một lần nữa kêu gọi tất cả các bên chấm dứt bạo lực và kêu gọi một cuộc điều tra công bằng về vụ thảm sát tại Houla dưới sự bảo trợ của một sứ mệnh quan sát của Liên hợp quốc.
An Bình
Theo BBC