1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Syria: Nga gây tiếng vang, nhưng Mỹ mới là người chiến thắng

Tư lệnh quân đội Mỹ ở Trung Đông đã đột ngột tới Syria, chuẩn bị cho cuộc tấn công vào al-Raqqa, giành thắng lợi quyết trước IS và… liên quân Nga-Syria.

Tư lệnh Mỹ tại Trung Đông đột ngột tới Syria

Ngày 21-5, Chỉ huy lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở khu vực Trung Đông là tướng Joseph Votel đã tới Syria để bàn thảo việc chuẩn bị cho cuộc tấn công vào thành phố Raqqa - thủ phủ không chính thức của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" IS ở Syria.

Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo, Tư lệnh Mỹ tại Trung Đông đã gặp các cố vấn quân sự Mỹ và thủ lĩnh của Lực lượng dân chủ Syria (SDF- Syrian Democratic Forces) - lực lượng hợp nhất các tổ chức vũ trang của phe đối lập mà nòng cốt là dân quân của người Kurd.

Hôm 20-5, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng, Mỹ không có ý định hợp tác với Nga để giải phóng Raqqa. Trước đó, Nga đã đưa ra đề xuất với Hoa Kỳ là sẽ tổ chức gặp mặt để tổ chức bàn bạc về kế hoạch bắt tay hành động chung, tấn công các tổ chức khủng bố vào ngày 25-5.

Nga đề xuất hai bên sẽ lập kế hoạch và tiến hành các cuộc không kích vào đội quân của Dzhebhat en-Nusra (tức Mặt trận al-Nusra - chi nhánh tại Syria của tổ chức khủng bố al-Qaeda) và những tổ chức vũ trang bất hợp pháp khác ở Syria.

Nga cũng công bố, bất kể Mỹ có hợp tác hay không thì Nga cũng nắm giữ quyền đơn phương tấn công vào khủng bố không thuộc diện nằm trong quy định ngừng bắn, kể từ ngày 25-5 trở đi.

Việc Tư lệnh Mỹ đến Syria để gặp mặt tổ chức SDF, mà thực chất là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân của người Kurd (YPG) cho thấy, Mỹ sẽ sử dụng lực lượng này làm chủ lựcđể giành quyền kiểm soát Raqqa trước liên quân của quân đội Syria, lực lượng Hezbollah Lebanon, các tay súng dân quân người Shia.

Nếu Mỹ và đồng minh thành công trong kế hoạch tái chiếm lại Raqqa sẽ giúp Washington nâng cao vị thế ở khu vực Trung Đông, đồng thời sở hữu con bài sáng giá để mặc cả với Moscow và Damascus trong tiến trình đàm phán hòa bình ở Syria.

Nga-Mỹ đang chơi đòn cân não trong cuộc chiến chống IS ở Syria
Nga-Mỹ đang chơi đòn cân não trong cuộc chiến chống IS ở Syria

Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng có cùng mục đích với Nhà Trắng và hai bên đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động của mình, nhằm giành thắng lợi quan trọng trên chiến trường, để tạo điều kiện thuận lợi trên bàn đàm phán về cực diện chính trị của Syria và tương lai của Tổng thống Assad.

Để đánh chiếm được thủ phủ không chính thức của IS, cả 2 bên đều cố gắng đánh chiếm được các khu vực xung quanh Raqqa. Trong khi liên quân Nga đang chiếm lợi thế bao vây thủ phủ của IS từ nhiều hướng, thì Mỹ chỉ có đường đánh Raqqa từ Aleppo và al-Hasakah

Bắt đầu từ cuối tháng 1, quân đội Syria đã ráo riết chuẩn bị cho cuộc tổng phản công, tái chiếm tỉnh Aleppo từ tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, chi nhánh Al-Qaeda tại Syria là al-Nusra Front (Mặt trận al-Nusra), cùng với Quân đội Syria Tự do và một số nhóm phiến quân khác.

Syria đã nỗ lực siết chặt vòng vây xung quanh Raqqa bằng việc mở chiến dịch giải phóng Homs, Hama, Deir ez-Zor, hình thành thế bao vây từ các hướng tây, nam và đông nam Raqqa, còn phía tây (hướng Aleppo) và phía đông (từ al-Hasakah) là do người Kurd nắm giữ.

Theo tin mới nhất, hiện nay quân đội Syria cũng đã tập trung lực lượng cho cuộc tổng tấn công vào Raqqa, cùng lúc, các chiến đấu cơ Nga và Syria liên tục trút mưa bom vào Raqqa để làm suy yếu khả năng phòng thủ của IS, và mở đường cho các lực lượng mặt đất trên chiến trường tiến công dễ dàng hơn.

Trong lúc đó, Mỹ và YPG cũng chuẩn bị tổng tấn công vào Raqqa. Các máy bay Mỹ đã thả truyền đơn khắp thành phố Raqqa từ hôm 19-5, và khuyến cáo người dân rời khỏi thành phố càng sớm càng tốt. Lo sợ chiến dịch quân sự sắp tới của quân đội Syria và người Kurd, IS đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Raqqa.

Mỹ thực hiện chiến lược "dùng phiến quân hỗ trợ khủng bố"

Trong vài tuần qua, để “nẫng tay trên” Raqqa, Mỹ và các đồng minh đã thực hiện kế hoạch “lấy phiến quân hỗ trợ khủng bố”, tức là dùng các nhóm đối lập cầm chân quân đội Syria, không cho họ áp sát thành phố Raqqa, đồng thời xé nhỏ lực lượng Syria, không cho quân chính phủ rảnh tay đánh IS.

Từ khi thỏa thuận ngừng bắn ở Geneva được ký kết cho đến nay, Mỹ và đồng minh tăng cường viện trợ vũ khí (gồm cả tên lửa phòng không vác vai) cho các nhóm phiến quân Ahraral-Sham và Quân đội Syria Tự do (FSA), bằng cách đó, gián tiếp cung cấp vũ khí cho khủng bố al-Nusra.

Các lực lượng này hợp sức ngăn cản đòn tiến công của quân đội Syria vào Aleppo; để lực lượng người Kurd rảnh tay chuẩn bị đánh Raqqa. Trong khi đó, IS cũng ra sức phản công quân chính phủ ở Deir ez-Zur và Homs, khiến bước tiến của quân đội Syria bị chững lại.

Sự chững lại của quân chính phủ trên tất cả các hướng trong thời gian gần 1 tháng qua cho thấy, thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga, lực lượng trung thành với ông Assad không thể áp sát thành phố Raqqa từ phía tây, phía nam và đông nam, vô phương đánh chiếm thành phố này.

Trong lúc đó, Mỹ đã mở rộng một sân bay ở Rmeilan, tỉnh Hasakah để tiện bề cung cấp vũ khí cho người Kurd (YPG). Thậm chí Washington còn điều quân trấn thủ Kobani cho người Kurd rảnh tay đánh IS.

Sử dụng các tay súng người Kurd làm nòng cốt, Mỹ có thể tổ chức lực lượng tấn công Raqqa theo hai hướng, mũi thứ nhất từ Aleppo đánh sang phía đông, xâm nhập phía tây Raqqa và từ al-Hasakah đánh xuống phía tây-tây nam, tiến vào Raqqa từ phía đông-đông bắc.

Việc Washington và đồng minh có thể thành công trong kế hoạch tái chiếm lại Raqqa sẽ khiến người Kurd mở rộng phạm vi kiểm soát, đồng thời có con bài sáng giá để chi phối tiến trình hòa bình Syria, đủ khả năng mặc cả với Nga về vấn đề tương lai của Tổng thống Assad.

Hiện Mỹ và người Kurd đang giành lợi thế trong cuộc tranh đoạt al-Raqqa
Hiện Mỹ và người Kurd đang giành lợi thế trong cuộc tranh đoạt al-Raqqa

Đồng thời, thành tích lớn này sẽ giúp Mỹ nâng cao vị thế ở khu vực Trung Đông nói chung, lấn át vai trò của Nga trong tiến trình hòa bình Syria, ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Moscow ở khu vực này, đồng thời củng cố lòng tin của các đồng minh vào Hoa Kỳ.

Không chỉ thế, Washington còn tham vọng xây dựng các căn cứ ngầm nằm trong khu tự trị này để huấn luyện lực lượng quân đoàn người Kurd thân Mỹ cùng với các nhóm phiến quân khác quấy phá, khiến Syria không bao giờ dứt hỗn loạn.

Do đó, để đạt được mục đích của mình, Washington “ra giá” với người Kurd bằng việc, sau khi lật đổ Assad và đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, họ sẽ được thành lập một khu tự trị chạy suốt dọc biên giới Syria, nối liền với khu tự trị ở Iraq.

Hiện nay, nhận định này sắp thành hiện thực khi Mỹ và đồng minh ung dung hậu thuẫn cho các nhóm đối lập của SDF, mà nòng cốt là lực lượng người Kurd tiến đánh Raqqa, nối thông 3 tỉnh Aleppo, Raqqa và al-Hasakah, chạy dọc biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ cho đến giáp biên giới Iraq.

Nhận thức được điều này, việc Nga quyết định mở chiến dịch vào ngày 25-5 có thể là hành động nhằm cứu vãn tình thế, nhưng Nga và Syria khó có thể chặn bàn tay của Mỹ hậu thuẫn cho người Kurd đánh chiếm toàn bộ biên giới phía Bắc, do bị các lực lượng đối lập cầm chân.

Moscow và Damascus hiện đang kém thế hơn trên chiến trường và rất khó lật ngược tình thế. Nếu Mỹ và đồng minh đánh chiếm thành công Raqqa thì chiến dịch chống khủng bố của Nga mặc dù đã mang lại tiếng vang lớn hơn nhưng thắng lợi chung cuộc lại thuộc về Mỹ.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm