1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Syria dùng tên lửa Nga bắn hạ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ?

(Dân trí) – Các nguồn tin Trung Đông cho biết có thể Syria đã sử dụng tên lửa của Nga để bắn hạ chiếc máy bay F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ankara tuyên bố máy bay bị bắn hạ không phải là máy bay chiến đấu và thề sẽ không bỏ qua vụ việc.

Syria đã dùng tên lửa Nga bắn hạ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ?
Tổ hợp tên lửa phòng không cơ động đa kênh tầm trung tiên tiến Buk-M2 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các loại máy bay và tên lửa đường đạn chiến thuật của đối phương. 

Các nguồn tin Trung Đông ngày 23/6 cho biết loại tên lửa được Syria sử dụng để bắn hạ máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ trước đó một ngày là tên lửa phòng không tự hành nhập từ Nga. Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc nổi dậy 15 tháng qua tại Syria, Damascus sử dụng một vũ khí tiến tiến do Nga cung cấp để bắn hạ mục tiêu quân sự của một nước thành viên NATO.

Tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2, còn được gọi là SA-11, có khả năng tiêu diệt máy bay ở độ cao tới 14 km. Theo một số nguồn tin không chính thức, loại tên lửa này mới được Mátxcơva chuyển cho Damascus cách đây vài tuần.

Trước đó, ngày 22/6, Syria loan báo bắn hạ máy bay F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ trên địa phận Latakia của Syria. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận thông tin trên nhưng cho biết sẽ không bỏ qua vụ việc.

“Một máy bay của chúng tôi đã bị bắn hạ trên Địa Trung Hải, cách cảng Latakia khoảng 13 km về phía Tây. Chúng tôi sẽ không bỏ qua vụ việc này và sẽ làm mọi việc cần thiết”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc cho biết chiếc máy bay bị bắn hạ không phải là máy bay chiến đấu.

“Chiếc máy bay phản lực bị Syria bắn hạ không phải là máy bay chiến đấu, mà là máy bay do thám”, kênh truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT dẫn lời Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc ngày 23/6.

Mặc dù hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không giải thích lý do vì sao chiếc F-4 Phantom lại có mặt trong không phận Syria, nhưng với lời thừa nhận của Phó Thủ tướng Arinc cùng các nguồn tin phương Tây, rất có thể đây là một phi vụ bay do thám thường nhật.

Trong phản ứng mới nhất sau vụ việc trên, ngày 23/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhóm họp với các Tư lệnh quân đội và người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc gia để thảo luận về các biện pháp tiếp theo. Tại cuộc họp kéo dài hai giờ, giới chức tình báo và quân đội cũng đã thảo luận việc tìm kiếm các phi công mất tích.

Trên bình diện ngoại giao, giới chức Ankara cũng đã điện đàm với những người đồng cấp Damascus, đồng thời cho triển khai ngay các hoạt động tìm kiếm trên thực địa.

Đức Vũ
Tổng hợp