1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Syria cam kết xóa sổ vũ khí hóa học nguy hiểm trước tháng 3

(Dân trí) - Syria cam kết sẽ đưa phần lớn các loại vũ khí hóa học nguy hiểm ra khỏi lãnh thổ nước này trước ngày 1/3, bất chấp việc đại diện chính phủ và phe đối lập không đạt được tiến triển trong cuộc hòa đàm đang diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.

Những vũ khí hóa học độc hại nhất sẽ sớm được đưa ra khỏi lãnh thổ Syria.
Những vũ khí hóa học độc hại nhất sẽ sớm được đưa ra khỏi lãnh thổ Syria.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad nêu rõ mục tiêu này nhằm đảm bảo Syria sẽ không bỏ lỡ thời hạn xóa sổ hoàn toàn kho vũ khí hóa học theo cam kết đề ra.

"Phần lớn vũ khí hóa học, hầu hết là vũ khí nguy hiểm, sẽ được đưa ra khỏi Syria trước ngày 1/3. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đáp ứng được thời hạn chót (ngày 30/6) về việc xóa sổ hoàn toàn vũ khí hóa học trên lãnh thổ Syria", ông Haddad khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 11/2.

Trước đó, Syria đã lỡ hạn chót ngày 31/12/2013 về việc xóa sổ các hóa chất độc hại nhất theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ nhằm tránh cho Syria phải hứng chịu một cuộc tấn công của phương Tây do Mỹ cầm đầu.

Ngoài ra, Damascus cũng không cán đích trong việc đưa toàn bộ 700 tấn vũ khí hóa học nguy hiểm loại I và 500 tấn vũ khí hóa học nguy hiểm loại II ra khỏi biên giới vào ngày 5/2, làm dấy lên lo ngại Syria có thể sẽ lại lỡ thời hạn chót đặt ra vào ngày 30/6.

Theo thỏa thuận do Nga - Mỹ làm trung gian, Syria sẽ phải tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học, được đánh giá lớn thứ 3 thế giới, chậm nhất vào ngày 30/6/2014.

Đại sứ Riad Haddad đưa ra nhận định trên trong bối cảnh đại diện chính phủ và phe đối lập Syria không đạt được tiến triển trong vòng đàm phán hòa bình đang diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.

Đây là vòng đàm phán gián tiếp thứ hai giữa hai bên trong 2 tuần trở lại đây nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài gần 3 năm qua làm hơn 130.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn. Tuy nhiên, hai bên đã không thể đi tới nhất trí về chương trình nghị sự cho cuộc đàm phán, vốn được tiến hành dưới sự trung gian hòa giải của đặc phái viên quốc tế Lakhdar Brahimi.

“Các cuộc đàm phán diễn ra rất vất vả mà không có nhiều tiến bộ”, ông Lakhdar thừa nhận với báo giới sau ngày đàm phán thứ hai giữa các bên.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết các bên đang rất nỗ lực để tiến trình thương lượng “có thể cất cánh”.

Trước đó, trong vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tháng trước, hai bên cũng chỉ đạt được kết quả khiêm nhường trong việc tạo điều kiện cho các hoạt động viện trợ nhân đạo và di tản người dân đang mắc kẹt ở thành phố Homs, nơi do phe đối lập kiểm soát nhưng lại nằm trong vòng phong tỏa của quân chính phủ.

Hiện ở thành phố này đang có hơn 2 triệu người bị mắc kẹt, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, các chuyến hàng cứu trợ quốc tế lại không thể đến được do giao tranh vẫn xảy ra giữa quân chính phủ và các tay súng nổi dậy.

Vũ Anh
Theo AFP