1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Suy tính của Nga, Mỹ và Trung Quốc trên bàn cờ Venezuela

Sau sự kiện ngày 23-1-2019 khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela, Mỹ đã tích cực hậu thuẫn, kêu gọi các nước đồng minh ủng hộ quan điểm của mình và yêu cầu Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro phải từ chức.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc kịch liệt phản đối, đồng thời có những hành động thiết thực nhằm hỗ trợ Tổng thống Venezuela vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Vị thế địa chính trị của Venezuela

Theo giới chuyên gia, đối với Mỹ, Venezuela có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trên tất cả các phương diện (chính trị, kinh tế, quân sự), trong đó có mục tiêu kiểm soát nguồn năng lượng và kiềm chế các đối thủ Nga, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Nam Mỹ, xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, Venezuela là nước đi đầu trong việc hiện thực hóa tư tưởng cách mạng Bolivar (hay chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21) - học thuyết chính trị phổ biến ở một số nước Mỹ Latinh như Cuba, Nicarugua, Bolivia. Mỹ không chấp nhận điều này ngay tại khu vực "sân sau" của mình.

Thứ hai, trong lĩnh vực năng lượng, Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới (hiện có khoảng 300 tỷ thùng) và nhà cung cấp dầu lớn thứ tư của Mỹ. Năm 2018, Mỹ đã mua 1/3 tổng sản lượng dầu xuất khẩu của Venezuela, ước tính khoảng 510.000 thùng mỗi ngày. Do đó, Mỹ tìm cách can thiệp sâu vào Venezuela và âm mưu dựng lên một chính quyền mới để phục vụ ý đồ chi phối thị trường năng lượng toàn cầu của mình. Ngoài ra, xu hướng tăng giá dầu mỏ do tình hình bất ổn tại Venezuela sẽ có lợi cho ngành sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ.

Suy tính của Nga, Mỹ và Trung Quốc trên bàn cờ Venezuela - 1

Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới (Nguồn: Reuters)

Thứ ba, Venezuela là đồng minh quan trọng của Nga, Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh. Với Nga, Venezuela là "đồng minh thân cận" tại khu vực Mỹ Latinh, giúp nước này duy trì, mở rộng ảnh hưởng, đa dạng hóa các đối tác thương mại và lôi kéo các nước trong khu vực ủng hộ những vấn đề quốc tế có liên quan đến lợi ích của Nga. Theo các nguồn tin, từ năm 2014, Venezuela, Bolivia, Nicaragua và Cuba là những quốc gia Mỹ Latinh đã bỏ phiếu chống lại các Nghị quyết của Liên hợp quốc ảnh hưởng đến lợi ích của Nga ở Crimea và Syria; đồng thời lên án các chính sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga. Về kinh tế, Nga đầu tư và thu lợi từ nhiều dự án tại Venezuela trong các lĩnh vực dầu khí, ngân hàng và sản xuất ô tô. Bên cạnh đó, "quốc gia Nam Mỹ" này cũng là một trong những đối tác mua vũ khí nhiều nhất của Nga hiện nay.

Trong khi đó, với Trung Quốc, Venezuela là đối tác, nguồn cung năng lượng ổn định của nước này (khoảng 1 triệu thùng/ ngày trong năm 2019). Những năm qua, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy nhiều thỏa thuận hợp tác với Venezuela, đặc biệt trong các lĩnh vực khai thác dầu thô, năng lượng và khai thác mỏ, không những vậy, Trung Quốc hiện còn là chủ đầu tư lớn nhất của Venezuela.

Tính tới thời điểm hiện tại, theo nguồn không chính thức, tổng cộng, Venezuela nhận được từ các ngân hàng Trung Quốc  khoản vay khoảng 50 tỷ USD (theo một nguồn khác là 62,2 tỷ USD) và gần 21 tỷ USD đầu tư khác, cùng với số lượng 790 dự án chung..

Thái độ của Mỹ - Nga - Trung trong vấn đề Venezuela

Trên bình diện quốc tế, các bên tham gia chính trong cuộc khủng hoảng Venezuela là Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng đang cáo buộc và đe dọa lẫn nhau. Đối với cuộc đảo chính hôm 30-4-2019, thái độ của Trung Quốc và Mỹ là hoàn toàn đối nghịch, cụ thể:

Suy tính của Nga, Mỹ và Trung Quốc trên bàn cờ Venezuela - 2

Những người phản đối ông Maduro hôm 30-4-2019 tại thủ đô Caracas (Nguồn: Reuters)

Giữa Mỹ và Nga, chính quyền Tổng thống D. Trump cáo buộc Nga ngăn cản Tổng thống Venezuela Maduro từ bỏ quyền lực và chạy trốn khỏi đất nước. Trong khi, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov cáo buộc Mỹ can thiệp vào "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế", nói rằng sự can thiệp của Mỹ là "hành động phá hoại". Ông Lavrov gần đây đã bày tỏ trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo rằng nếu Mỹ có các biện pháp can thiệp sâu hơn nữa vào tình hình Venezuela thì sẽ để lại "hậu quả nghiêm trọng".

Suy tính của Nga, Mỹ và Trung Quốc trên bàn cờ Venezuela - 3

Người dân Venezuela tuần hành trên đường phố thủ đô Caracas ủng hộ Tổng thống N. Maduro (Nguồn: Reuters)

Động thái này được hiểu là Moscow cảnh báo Washington không nên "can thiệp quân sự". Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ J. Bolton (1/5) đã tuyên bố: "Đây là bán cầu của chúng tôi, không phải là nơi Nga nên can thiệp".

Theo các nguồn tin, ngày 3-5, các thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia và giới chức quân sự Mỹ đã họp nhóm kín tại Lầu Năm Góc để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm và khả năng hành động quân sự. Các thành viên tham gia cuộc họp bao gồm Cố vấn an ninh quốc gia J. Bolton, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan và một số quan chức cấp cao quân đội Mỹ. Họ đã thảo luận về các lựa chọn trong vấn đề Venezuela. Shanahan nói rằng, cuộc họp đã xem xét kỹ tình hình ở Venezuela, với mục đích đảm bảo tính nhất quán của chính phủ về vấn đề của quốc gia Nam Mỹ này.

Trong một câu hỏi về việc liệu Mỹ có quyết định can thiệp quân sự vào Venezuela hay không, người phát ngôn Nhà Trắng Sanders cho biết: "Tổng thống D. Trump sẽ có hành động cần thiết". Bà nhắc lại rằng: "Tất cả các lựa chọn sẽ tiếp tục được đưa lên bàn đàm phán." Đây là một sự nhấn mạnh trong nhiều tuần qua của giới chức Mỹ.

Cùng ngày 3-5, Tổng thống D. Trump nói rằng, ông đã có cuộc điện đàm rất tích cực với Tổng thống Nga V. Putin về vấn đề Venezuela. Cuộc hội đàm kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Ông nói với các phóng viên trong văn phòng hình Bầu Dục: "Tổng thống Putin việc hy vọng tình hình có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới, về cơ bản ông ta không có ý định tham gia vào công việc nội bộ của Venezuela. Tôi cảm thấy như vậy".

Thái độ của Trung Quốc đối với tình hình ở Venezuela cũng được cộng đồng quốc tế quan tâm. Sau khi xảy ra cuộc đảo chính ở Caracas ngày 30-4, Tổng biên tập  Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc Hồ Tích Tiến đã viết trên Twitter rằng, Venezuela đã thông qua bầu cử (5/2018) để lựa chọn chính phủ này, nó là hợp hiến, thì tại sao không thể tiếp tục bầu cho Tổng thống Maduro trong cuộc bầu cử lần sau mà phải phát động cuộc đải chính? J. Guaido rõ ràng đã vi phạm Hiến pháp Venezuela.

Joseph Humir, một chuyên gia về vấn đề an ninh Mỹ Latinh, cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội ở Venezuela có mối liên hệ chặt chẽ với sự hỗ trợ của các quốc gia như Nga và Trung Quốc. Trung Quốc ủng hộ chế độ Tổng thống Maduro hiện tại.

Chuyên gia J. Humil nói: "Nợ nước ngoài của Venezuela rất lớn, hơn 150 tỷ USD. Chúng tôi không biết con số chính xác, nhưng của Trung Quốc ước chừng gần 1/2 con số này. Họ nợ Trung Quốc rất nhiều tiền. Ngay cả khi Venezuela thực hiện chuyển giao quyền lực thì Trung Quốc chắc chắn sẽ đề xuất yêu cầu tái thiết Venezuela, bởi vì họ có nhiều kênh hợp pháp trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mỏ dầu - mỏ dầu Orinoco. Trung Quốc có nhiều lợi ích ở Venezuela. Bất kể điều gì xảy ra với chính quyền Venezuela, họ đều sẽ lên tiếng trong giai đoạn quá độ.

Là chủ nợ chính của Venezuela, Trung Quốc đã viện trợ nhân đạo về y tế và năng lượng cho nước này trong những tuần gần đây. Mới đây, ngày 13-5, chuyến bay của Hãng hàng không Suparna Airlines đã rời Thượng Hải (Trung Quốc) quá cảnh tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) trước khi đến sân bay quốc tế Maiquetia Simon Bolivar ở thủ đô Caracas để cung cấp hàng viện trợ cho Venezuela.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng lấy lý do không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác để phản đối việc Chính phủ Mỹ gây áp lực lên chính quyền Tổng thống N. Maduro, đồng thời cũng bày tỏ Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Chính phủ Venezuela trong việc bảo vệ chủ quyền, độc lập và ổn định quốc gia. Theo giới phân tích quốc tế, Trung Quốc hy vọng thông qua dự án "Vành đai, Con đường" (BRI) để có được mối quan hệ kinh tế song phương trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên ở khu vực Mỹ Latinh.

Theo Nhất Tuệ

An ninh thủ đô