Sức mạnh siêu tên lửa độc nhất có khả năng "bay khắp toàn cầu" của Nga
(Dân trí) - Việc Nga tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa Burevestnik có tầm bay không giới hạn có thể đặt ra thách thức lớn với các hệ thống phòng thủ hiện nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/10 tuyên bố đợt thử nghiệm tên lửa hành trình Burevestnik mang đầu đạn hạt nhân và động cơ hạt nhân đã diễn ra thành công. Đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố thử thành công Burevestnik, kể từ khi ra mắt tên lửa này vào năm 2018 và trải qua nhiều đợt phóng thất bại.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết tên lửa này chạy bằng hạt nhân, có "tầm bay khắp toàn cầu" và không giới hạn tầm bay. Ông chủ Điện Kremlin cũng tuyên bố Burevestnik sở hữu "tầm bay không giới hạn" và "thách thức mọi hệ thống phòng không hiện tại".
Burevestnik, hay "chim báo bão", là tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, bay thấp, không chỉ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà còn sử dụng động cơ hạt nhân. Tổng thống Vladimir Putin lần đầu tiên tiết lộ dự án tên lửa này vào tháng 3/2018.
Động cơ đẩy hạt nhân của Burevestnik giúp tên lửa có tầm bắn xa hơn nhiều so với động cơ phản lực hoặc động cơ phản lực cánh quạt truyền thống, vốn bị giới hạn bởi lượng nhiên liệu mà chúng có thể mang theo. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trích dẫn một tạp chí quân sự chuyên ngành của Nga vào năm 2021, cho biết Burevestnik sẽ có tầm bắn lý thuyết lên tới 20.000km, do đó có thể được đặt ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Nga và tấn công các mục tiêu ở Mỹ.
Theo tạp chí quân sự Nga, tên lửa Burevestnik có thể hạ độ cao xuống còn 50-100m, thấp hơn nhiều so với tên lửa hành trình thông thường, điều này sẽ khiến radar phòng không khó phát hiện hơn.
Báo cáo năm 2020 của Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ cho biết, nếu Nga đưa Burevestnik vào sử dụng thành công, tên lửa này sẽ mang lại cho Moscow một "vũ khí độc nhất có khả năng xuyên lục địa".
Việc phát triển hệ thống động lực hạt nhân của tên lửa Burevestnik là một thách thức kỹ thuật lớn, liên quan đến một số thử nghiệm thất bại. Năm 2019, Nga xác nhận 5 nhà khoa học nước này đã thiệt mạng sau một vụ nổ khi thử động cơ tên lửa ở Arkhangelsk. Giới tình báo Mỹ cho rằng tên lửa mà Nga thử nghiệm có thể là Burevestnik.
Các chuyên gia phương Tây từ lâu đã đặt câu hỏi liệu tên lửa Burevestnik có thực sự được đưa vào sử dụng hay không. Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, một tổ chức an ninh phi lợi nhuận, ước tính vào năm 2019 rằng việc triển khai có thể tên lửa này phải mất một thập niên nữa.
Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân cho biết động cơ đẩy hạt nhân của Burevestnik có thể cho phép tên lửa bay lơ lửng trong nhiều ngày.
"Khi hoạt động, Burevestnik sẽ mang đầu đạn hạt nhân (hoặc nhiều đầu đạn), bay vòng quanh Trái Đất ở tầm thấp, tránh hệ thống phòng thủ tên lửa và né tránh địa hình; sau đó thả (các) đầu đạn vào một vị trí (hoặc các địa điểm) khó dự đoán", các chuyên gia nhận định.
Về lý thuyết, tên lửa hành trình Burevestnik có thể hoạt động "tàng hình" ở tầm thấp và đủ sức xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới hiện nay.
Nếu được triển khai thành công, tên lửa Burevestnik sẽ là vũ khí chưa từng có tiền lệ. Mục đích của tên lửa này được cho là tương tự tên lửa hành trình hải quân tầm xa Tomahawk của Mỹ, tuy nhiên tầm bắn tối đa của Tomahawk chỉ giới hạn ở mức 2.500km.
Theo trang mạng Popular Mechanics, nếu được đưa vào hoạt động đầy đủ, Nga có thể phóng tên lửa Burevestnik từ lục địa châu Á, lập trình để chúng có thể bay qua Thái Bình Dương, tới gần Nam Mỹ và xâm nhập vào không phận Mỹ từ vịnh Mexico.
Chuyên gia hạt nhân Jeffrey Lewis của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury cho rằng Nga đã quyết định chi mạnh tay cho các hệ thống tên lửa tối tân với mục tiêu đánh bại hệ thống phòng không Mỹ.