1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sức mạnh của tên lửa thế hệ mới Nga dùng để tập kích Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Theo đánh giá ban đầu, tên lửa tầm trung thế hệ mới Oreshnik của Nga có tầm bắn hàng nghìn km và có khả năng mang nhiều đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân.

Sức mạnh của tên lửa thế hệ mới Nga dùng để tập kích Ukraine - 1

(Ảnh minh họa: VOI).

Giữa lúc có những tranh luận liệu tên lửa Nga bắn vào thành phố Dnipro, Ukraine hôm 21/11 có phải tên lửa liên lục địa hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đây là tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm thế hệ mới. Cuộc tấn công này nhằm đáp trả việc Kiev sử dụng tên lửa của Mỹ và Anh để tập kích vào lãnh thổ Nga.

Cụ thể, Tổng thống Putin cho hay, Nga đã phóng tên lửa thế hệ mới Oreshnik vào một cơ sở công nghiệp quốc phòng ở thành phố Dnipro của Ukraine. Thành phố này là nơi đặt trụ sở của công ty tên lửa và phản lực hàng không Pivdenmash, vốn được phía Nga gọi là Yuzhmash.

Theo lời ông Putin, tên lửa này có khả năng di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh, do đó không thể bị đánh chặn. Các nguồn tin của Nga cho biết tầm bắn của tên lửa này lên tới 5.000 km, cho phép Nga tấn công hầu hết châu Âu và bờ biển phía Tây của Mỹ.

Oreshnik dường như có đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), tức là các đầu đạn riêng biệt mang khối nổ thông thường hoặc khối nổ hạt nhân để tấn công các mục tiêu khác nhau.

Phân tích video ghi lại khoảnh khắc vụ tập kích ở Dnipro, các nhà quan sát phát hiện 6 vệt sáng của vật thể đánh xuống mặt đất ở vận tốc rất lớn, cho thấy tên lửa Oreshnik có khả năng mang theo ít nhất 6 đầu đạn tấn công độc lập bên trong đầu đạn lớn.

Ông Anatoly Matviychuk, một chuyên gia quân sự Nga, cho biết nó có thể mang 6-8 đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Trong khi đó, theo Tổng cục Tình báo Ukraine (HUR), tên lửa này có 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn chứa 6 đầu đạn con.

Theo phân tích video, các đầu đạn của Oreshnik sau khi đánh xuống mặt đất ở Dnipro không gây ra các vụ nổ lớn, cho thấy 2 khả năng xảy ra. Một là đầu đạn được sử dụng là loại rỗng, không mang thuốc nổ, nhằm thử nghiệm và răn đe, không gây thiệt hại lớn trên mặt đất. Hai là đầu đạn được sử dụng là loại xuyên ngầm. Tuy nó không gây vụ nổ lớn trên mặt đất, nhưng có thể phá hủy các hệ thống đường hầm ngầm bên trong nhà máy Yuzhmash.

Nhà phân tích quân sự Vladislav Shurygin nói với Izvestiya rằng Oreshnik có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân hiện có. Nó cũng có thể phá hủy các boongke kiên cố nằm ở độ sâu lớn mà không cần sử dụng đầu đạn hạt nhân, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy các cơ sở dưới lòng đất bị phá hủy tại nhà máy Dnipro của Ukraine.

Theo Lầu Năm Góc, tên lửa Oreshnik được chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh. Lầu Năm Góc cũng xác nhận Mỹ đã được Nga báo trước về vụ phóng.  

RS-26 là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, được phát triển từ năm 2008. Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 với Nga vào năm 2019 sau khi cáo buộc Moscow vi phạm thỏa thuận. Vào thời điểm đó, Mỹ cho biết Nga đang phát triển một tên lửa hành trình trên mặt đất (được gọi là 9M729 ở Nga), khác biệt với RS-26. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phủ nhận cáo buộc trên.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine