Chi tiết đặc biệt trên tên lửa thế hệ mới Nga dùng để tấn công Ukraine
(Dân trí) - Theo một số chuyên gia, điểm đáng chú ý của tên lửa thế hệ mới mà Nga dùng để tấn công Ukraine hôm 21/11 không phải tầm bắn mà là đầu đạn của nó.
Tên lửa không thể đánh chặn
Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 21/11 xác nhận trên truyền hình quốc gia rằng Moscow đã phóng tên lửa thế hệ mới Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả việc Kiev tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa phương Tây. Đây là tên lửa siêu vượt âm tầm trung, không mang đầu đạn hạt nhân.
"Trong điều kiện chiến đấu, một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga đã được thử nghiệm. Trong trường hợp này là tên lửa đạn đạo được trang bị thiết bị siêu vượt âm phi hạt nhân có tên gọi Oreshnik. Các cuộc thử nghiệm đã thành công. Mục tiêu đã đạt được", Tổng thống Putin cho biết.
Ông cũng khẳng định Ukraine không có cách nào để đánh chặn tên lửa thế hệ mới này của Nga khi nó có tốc độ di chuyển nhanh gấp 10 lần âm thanh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Chống phổ biến Vũ khí, một tên lửa tầm trung có thể có tầm bắn từ 1.000km đến 3.000km.
Giới chức Ukraine cho biết, họ vẫn đang đánh giá tên lửa của Nga thực sự là loại gì dù ban đầu họ nhận định đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
"Chúng tôi đang chờ kết luận của chuyên gia để xác định chính xác loại tên lửa mới mà Nga đã bắn vào Ukraine. Nó có tất cả đặc điểm bay của một ICBM", một quan chức Ukraine nói.
Đầu đạn đặc biệt
Sự khác biệt chính giữa ICBM và các loại tên lửa đạn đạo khác chỉ nằm ở tầm bắn tương ứng của chúng. Trong khi ICBM có tầm bắn hàng nghìn km thì tên lửa đạn đạo thông thường có tầm ngắn hoặc tầm trung.
Tuy nhiên, thay vì chú ý đến tầm bắn, các chuyên gia chỉ ra, Ukraine nên quan tâm đến đầu đạn tên lửa hay sức nổ của nó.
Fabian Hoffmann, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên về công nghệ tên lửa và chiến lược hạt nhân tại Đại học Oslo, đánh giá đặc điểm quan trọng nhất của vũ khí này là khả năng mang đầu đạn MIRV.
Mặc dù tên lửa Nga phóng không mang đầu đạn hạt nhân nhưng tên lửa này dường như mang trọng tải MIRV, nghĩa là sử dụng nhiều đầu đạn để tấn công các mục tiêu riêng biệt.
MIRV được phát triển trong Chiến tranh Lạnh để cho phép một tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu khác nhau. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III của Mỹ hiện nay cũng được trang bị MIRV.
Theo ông Hoffmann, mặc dù trọng tải hạt nhân đã được Nga thay thế bằng trọng tải phi hạt nhân trong trường hợp này, nhưng việc sử dụng công nghệ MIRV dường như gửi đi một thông điệp.
"MIRV chỉ được liên kết với các tên lửa có khả năng hạt nhân, không có hệ thống tên lửa thông thường nào trong kho vũ khí của Nga sở hữu công nghệ này. Bất kể tầm bắn chính xác của tên lửa, thông điệp vẫn tập trung vào mối đe dọa hạt nhân", ông Hoffmann nhận định.
Giới chức Mỹ và phương Tây cũng xác nhận tên lửa thế hệ mới của Nga mang nhiều đầu đạn.
Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết đây là lần đầu tiên tên lửa đạn đạo tầm trung thử nghiệm dựa trên mẫu tên lửa RS-26 Rubezh của Nga được sử dụng.
Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng việc sử dụng tên lửa này cùng với động thái điều chỉnh học thuyết hạt nhân gần đây cho thấy Nga đang ra sức răn đe hạt nhân trong bối cảnh phương Tây "bật đèn xanh" cho Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.