1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Sức mạnh của đội tàu sân bay Mỹ sắp thăm Việt Nam

(Dân trí) - Được mệnh danh là một trong những pháo đài không thể đánh chìm của Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu sở hữu dàn khí tài hùng hậu, hiện đại.

Tàu sân bay USS Carl Vinson - "pháo đài không thể đánh chìm" của Mỹ


Một nhóm tác chiến tàu sân bay lớp Nimitz (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Một nhóm tác chiến tàu sân bay lớp Nimitz (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Nhóm tác chiến tàu sân bay là một nhóm các tàu chiến thường bao gồm 1 tàu sân bay, ít nhất 1 tàu tuần dương, 6-10 tàu khu trục, và 1 không đoàn tàu sân bay, thực hiện nhiệm vụ tác chiến và bảo vệ lẫn nhau. Nhóm tàu này có thể được thành lập và giải tán một cách linh hoạt dựa vào loại nhiệm vụ mà chúng được giao phó.

Tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) 1 của Mỹ. Ngoài tàu sân bay, CSG 1 thường bao gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Wayne E Meyer, tàu khu trục USS Michael Murphy và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain. Nhờ sự bọc lót, công thủ toàn diện của nhóm tàu mà tàu sân bay USS Carl Vinson đươc mệnh danh là một trong những “pháo đài không thể đánh chìm”, niềm tự hào của Hải quân Mỹ.


Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (Ảnh: Wikipedia)

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (Ảnh: Wikipedia)

Nhóm tác chiến CSG 1 từng tham gia vào nhiệm vụ nổi tiếng như Chiến dịch Nhổ tận gốc (Operation Inherent Resolve) nhằm vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Iraq và Syria cùng các nhiệm vụ quan trọng trên khắp thế giới và các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo như vụ động đất ở Haiti năm 2010. Đội tàu chiến thuộc CSG 1 hiện đều là những tàu mới, tham gia vào nhóm tác chiến từ năm 2009.

Nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson là cái tên quen thuộc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương do các tàu chiến này đã xuất hiện trên khu vực biển quốc tế thực hiện các nhiệm vụ tuần tra thường kỳ nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.


Tàu sân bay USS Carl Vinson (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tàu sân bay USS Carl Vinson (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tàu sân bay USS Carl Vinson là tàu chiến thứ 3 thuộc lớp Nimitz, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Với độ dài trung bình vào khoảng 333 m (bằng khoảng 3 sân bóng đá theo chuẩn quốc tế) và lượng giãn nước hơn 100.000 tấn, các tàu thuộc lớp Nimitz được ghi nhận là các tàu sân bay có kích thước lớn hàng đầu thế giới. Tên của tàu USS Carl Vinson được đặt theo nghị sĩ Carl Vinson, một trong những chính trị gia có công lớn về nền hải quân Mỹ, cha đẻ của đạo luật “Two-Ocean Navy”, quy định Hải quân Mỹ luôn phải giữ quyền kiểm soát 2 đại dương.


Máy bay F-18 trên tàu sân bay (Ảnh: Reuters)

Máy bay F-18 trên tàu sân bay (Ảnh: Reuters)

Tàu USS Carl Vinson được trang bị phi đội máy bay phản lực chiến đấu đa nhiệm siêu thanh 2 động cơ F/A-18 Hornet/ Super Hornet. Đây là một trong những dòng máy bay được coi là “xương sống” của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Với khả năng mang bom và tên lửa, gồm cả tên lửa không đối không và không đối đất cùng một pháo M61 Vulcan 20 mm, giá thành của F/A-18 vào khoảng 30-50 triệu USD. F/A-18 Super Hornet là một mẫu máy bay đa nhiệm, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ như tấn công cả ngày lẫn đêm, tác chiến phòng không, hộ tống, hỗ trợ mặt đất, tiêu diệt hệ thống phòng không quân địch, tấn công trên biển và do thám. Nó có tầm chiến đấu 900km và tốc độ hơn 1.900km/h.


Máy bay trinh sát E-2C Hawkeye (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Máy bay trinh sát E-2C Hawkeye (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ngoài ra, USS Carl Vinson còn được trang bị máy bay trinh sát E-2C Hawkeye. E-2C được mệnh danh là “mắt diều hâu” và là một trong những “radar bay” chủ lực của Mỹ. E-2C được triển khai để kiểm soát không gian trong phạm vi 300 km, tìm kiếm và phân loại các mục tiêu cũng như dẫn đường cho các loại máy bay chiến đấu đánh chặn.


Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growlers (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growlers (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Một phi đội máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler là một trong những vũ khí đặc biệt trên các tàu sân bay Mỹ. Tuy cấu tạo khá tương đồng với “chim sắt” F/A-18E/F nhưng EA-18G có một bộ tác chiến điện tử gồm các radar giúp phát hiện cũng như gây nhiễu chống lại mối đe dọa từ các hệ thống phòng không đối thủ.


Máy bay vân tải C2-A Greyhounds (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Máy bay vân tải C2-A Greyhounds (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ngoài ra, trên tàu USS Carl Vinson có thể có máy bay vân tải C2-A Greyhounds. C2-A được trang bị 2 động cơ tua bin cánh quạt cho phép nó đạt vận tốc 635km/h và hoạt động trong tầm bay 2.400km, với khả năng chở 4,5 tấn hàng và 26 người. Ngoài ra, tàu còn được trang bị phi đội trực thăng Seahawk.

Dàn vũ khí chính trên tàu sân bay nằm ở hệ thống vũ khí được tích hợp trên các máy bay chiến đấu như tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, bom dẫn đường laser Paveway, tên lửa chống bức xạ AGM-88 Harm, đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-154, AGM-158.

Dàn vũ khí "khủng" trên tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke của Mỹ

Ngoài tàu sân bay chính, các tàu khác thuộc nhóm tác chiến cũng là những khí tài quân sự hiện đại hàng đầu thế giới của Mỹ như tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke USS Wayne E Meyer. Gia nhập biên chế năm 2009, hiện đây là một trong những tàu hiện đại nhất của Hải quân Mỹ. Tàu được trang bị hệ thống 96 bệ phóng tên lửa phòng không RIM-66 hoặc RIM 162 hoặc BGM-109 Tomahawk.

"Trái tim" của các tàu lớp Arleigh Burke là hệ thống chiến đấu tối tân Aegis với hệ thống radar AN/SPY-1, hệ thống có thể dẫn đường cho hàng loạt tên lửa phòng thông tấn công theo nhiều hướng khác nhau. Các tàu lớp Arleigh Burke có khả năng phòng thủ với mọi loại tên lửa từ tầm ngắn tới tầm xa. Ngoài ra, nó còn sở hữu hệ thống vũ khí chống tàu ngầm mạnh mẽ với các sonar SQQ-89 và 6 ngư lôi chống ngầm Mk-46.

Nhìn chung, các tàu lớp Arleigh Burke có khả năng công thủ toàn diện và thực sự là một “thế lực” trên biển mà bất cứ hải quân nào cũng phải dè chừng. Tàu khu trục USS Michael Murphy cũng thuộc lớp Arleigh Burke nhưng mới gia nhập biên chế năm 2012 và được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa phòng không SM-2, ống phóng ngư lôi 324 mm, pháo hạm 127 mm, và súng máy 12,7 mm.


Tàu tuần dương USS Lake Champlain (Ảnh: Wikipedia)

Tàu tuần dương USS Lake Champlain (Ảnh: Wikipedia)

Tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG-57) lớp Ticonderoga có thể được trang bị tới 122 quả tên lửa Tomahawk, mang lại sức mạnh đáng kể cho nhóm tác chiến tàu sân bay.

Đức Hoàng

Tổng hợp