1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sự thật về những lời hứa hẹn của IS

(Dân trí) - Bằng những kỹ năng chiêu mộ binh lính phức tạp, IS ngày càng có sức hút lớn đối với nhiều tân binh nước ngoài, bất kể tuổi tác, tôn giáo, giới tính hay xuất xứ. Điều gì đã làm nên sức hút này khi ai cũng hiểu khi quyết định gia nhập IS, đi dễ nhưng về khó?

Sự thật về những lời hứa hẹn của IS

Giờ đây, IS không chỉ tuyển mộ các nam thanh niên mà còn hướng đến phụ nữ phương Tây, kể cả những người mang thai để dễ ngụy tạo vỏ bọc tấn công (Ảnh: Fortressoffaith)

Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng hiện đang nỗ lực thu hút những tân binh nước ngoài gia nhập lực lượng của chúng bằng những lời hứa hẹn về những hành động phiêu lưu, có nhà cửa, việc làm và thậm chí là cả tình yêu.

Bằng những lời hứa hấp dẫn và phương thức chiêu dụ đa dạng thông qua mạng Internet, IS đã thu hút hàng nghìn người ủng hộ từ các nước phương Tây đầu quân cho lực lượng này.

Đáng chú ý, những người bị IS lôi kéo không chỉ là những nam thanh niên như trước đây, mà còn là những phụ nữ phương Tây trẻ tuổi, kể cả phụ nữ mang thai và những nữ sinh cấp III như trường hợp của 3 nữ thiếu niên Anh bỏ nhà sang Syria để đến với tổ chức thánh chiến cực đoan nhất hiện nay.

"IS quảng bá về một xã hội không tưởng của chúng cho những nam nữ thanh niên phương Tây. Chúng nói với họ rằng đây là nhà nước Hồi giáo thực sự duy nhất trên thế giới và rằng họ có thể trở thành những nhân vật quan trọng trong xã hội đó", bà Lina Khatib, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông thuộc Quỹ Carnegie ở Beirut, cho biết.

Nhưng rất nhiều người đã bị sốc khi đặt chân tới những vùng lãnh thổ do IS kiểm soát. Họ nhanh chóng phát hiện ra rằng những lời hứa hẹn hấp dẫn được nghe trước đó trên thực tế chỉ là những lời hứa hão.

Không nhà cửa, không tiền bạc, không việc làm, thậm chí điều kiện sinh hoạt thường ngày cũng vô cùng cơ cực trong khi ngày ngày vẫn phải tuân thủ các quy định và làm quen với hành động cầm súng giết người không ghê tay. Thứ duy nhất mà các tân binh nước ngoài có được sau khi “vỡ mộng ở vùng đất IS” là mong muốn thiết tha được trở về nhà nhưng mọi việc đã quá muộn.

Theo thống kê của các chuyên gia, hiện đã có khoảng 3.000 người phương Tây, với 550 trong số này là phụ nữ, đã tới lãnh địa của IS, nơi có diện tích lớn gấp hai lần Jordan và có khoảng 6 triệu người đang sinh sống. Gần đây nhất, 3 nữ sinh London chơi thân với nhau - một người 16 tuổi và hai người 15 tuổi - đã rù nhau bay từ London tới Thổ Nhĩ Kỳ để sau đó sang Syria gia nhập IS.

Cảnh sát Anh cho biết trước khi bỏ đi, một trong 3 nữ sinh đã đã liên lạc với Aqsa Mahmood, một phụ nữ đến từ Scotland, tới Syria năm ngoái và đã kết hôn với một tay súng IS. Blog "Nhật ký một người lang thang" của người phụ nữ này là công cụ quan trọng để IS thực hiện chiến dịch tuyên truyền của chúng nhằm vào phụ nữ.

Trong một bài viết gần đây, Mahmood viết: "Ở đây, chúng tôi không phải trả tiền thuê nhà. Nhà cửa được cấp miễn phí. Chúng tôi cũng không phải trả hóa đơn điện hay nước. Chúng tôi được cung cấp hàng hóa tạp phẩm mỗi tháng. Mỳ Ý, pasta, thực phẩm đóng hộp, gạo, trứng cũng được cung cấp". Mahmood còn nói rằng ở đó cũng có việc làm cho phụ nữ, cho cả những người muốn có công việc trong ngành giáo dục hay chăm sóc sức khỏe.

Để dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ và ưa thích mạo hiểm, Mahmood còn viết rằng ở vùng đất của IS, kết hôn được thưởng tiền. Các tay súng IS có "7 ngày nghỉ" cưới vợ và các cô dâu mới được tự do chọn của hồi môn.

“Các cặp đôi mới cưới được nhận 700 USD như một món quà cưới. Chúng tôi mừng lễ cưới bằng tiếng súng và nói takbeer (một lời tuyên bố rằng không có gì vĩ đại hơn thánh Allah) hay hô lớn ‘Allahu akbar’ (Thánh Allah là người vĩ đại nhất)”, người phụ nữ Scotland này viết.

Ngoài ra, trên trang mạng của Mahmood còn đăng tải bức ảnh một tay súng IS ngồi cạnh “tân nương” mặc áo choàng trắng với lời chú thích: “Chỉ có tử vì đạo mới chia lìa được chúng ta”. Đáp lại câu hỏi từ một cô gái trẻ từng bị giằng xé nội tâm vì bỏ bạn trai để chuyển tới Syria, Mahmood viết: “Tôi hứa rằng một ngày nào đó sẽ có một người ôm bạn thật chặt và xoa dịu mọi nỗi khổ đau. Người đó sẽ là người chồng 'halal' của bạn". (ám chỉ một người nhất mực sùng bái đạo Hồi).

Nhưng theo chuyên gia Khatib của Quỹ Carnegie, rõ ràng là những kẻ tuyên truyền cho IS như Mahmood đang làm việc dưới sự giám sát của tổ chức này. “Không có gì nghi ngờ về việc IS đang giám sát bà ta. Bà ta là một trong những công cụ để IS chiêu mộ binh lính”, chuyên gia này nói.

Không chỉ thông qua những người như Mahmood, IS còn đẩy mạnh tuyên truyền chiêu mộ binh lính thông qua các đoạn băng hình phát tán trên mạng Internet và sử dụng tạp chí trực tuyến bằng tiếng Anh Dabiq.

Tạp chí Dabiq rêu rao rằng những người nước ngoài đến với IS sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. “Có rất nhiều nhà cửa và các nguồn trợ giúp để che chở cho bạn và gia đình bạn”, tờ báo viết. Theo giới chức Iraq, IS đã sử dụng những ngôi nhà do người dân bỏ lại trong quá trình trốn chạy để phân cho các thành viên của tổ chức này.

Ngoài ra, để quảng bá cho mục tiêu thành lập “Nhà nước Hồi giáo” và thu hút “chất xám”, tờ Dabiq viết rằng tổ chức IS đang rất cần "các thẩm phán, những người từng được đào tạo trong quân đội hay có kỹ năng xử lý các công việc hành chính, bác sỹ và các kỹ sư”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, một khi gia nhập hàng ngũ IS, những tân binh trẻ tuổi sẽ sớm nhận ra “sự thật đen tối đằng sau những lời hứa có cánh”. Khi đó, họ hầu như không còn cơ hội quay đầu lại vì nếu cố chạy trốn, họ sẽ phải trả giá bằng tính mạng.

Theo thống kê của Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, từ tháng 10-12/2014, hơn 120 người đã bị giết vì có ý định chạy trốn khỏi lãnh thổ của IS. Chuyên gia Khatib nói: “Tôi đã có cuộc phỏng vấn với hai thanh niên trẻ trở về từ Raqa và các khu vực khác nằm dưới sự kiểm soát của IS, họ rất tức giận vì cảm thấy đã bị lừa". Thay vì được sống trong xã hội Hồi giáo không tưởng mà IS đã hứa hẹn, những thanh niên trẻ tuổi đã dấn thân vào một nơi áp bức và không được có tư tưởng khác với của IS.

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm