1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sự phớt lờ có tính toán của ông Biden khi ông Trump quyết liệt "lật kèo"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và đội của ông được cho đang duy trì chiến thuật phớt lờ trong bối cảnh chính trường Mỹ vẫn đang "sóng gió" do quyết tâm "lật kèo" bầu cử của ông Donald Trump.

Sự phớt lờ có tính toán của ông Biden khi ông Trump quyết liệt lật kèo - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden (Ảnh: Getty)

Theo Bloomberg, ông Biden đang đối mặt với các thách thức lịch sử khi ông chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/1: đại dịch Covid-19, tỉ lệ thất nghiệp cao, căng thẳng leo thang với Trung Quốc và Nga, cùng với một người tiền nhiệm không chấp nhận rời nhiệm sở dù đã thua trong cuộc bầu cử.

Hiểu được rõ khả năng của ông Trump trong việc lôi kéo sự ủng hộ của một bộ phận cử tri và những nhà làm luật trong lưỡng viện, ông Biden và đội ngũ được cho là đã quyết định thực hiện một chiến lược mà họ tin rằng có thể làm giảm thiểu rủi ro từ các động thái của ông Trump. Đó chính là phớt lờ ông chủ Nhà Trắng sắp mãn nhiệm.

Căng thẳng có thể sẽ lên đỉnh điểm vào ngày 6/1 khi Quốc hội dự kiến phê chuẩn chiến thắng của ông Biden. Những người ủng hộ ông Trump có thể tuần hành quy mô lớn của Washington, trong khi không khí tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ có thể sẽ nóng không kém khi nhiều nhà làm luật ủng hộ nỗ lực "lật kèo" của Tổng thống đương nhiệm.

"Ông Biden đã kiên quyết rằng chúng tôi sẽ không sa đà vào câu chuyện liên quan tới Donald Trump mỗi ngày. Đó không phải là tính cách của ông Biden, đó không phải là điều mà người Mỹ muốn chứng kiến ở một tổng thống", cố vấn của ông Biden, Kate Bedingfield, cho hay.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng dù ông Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, ông vẫn sẽ có thể phải đương đầu với ông Trump trong suốt nhiệm kỳ. Ông Trump được cho đã lên kế hoạch rằng ông sẽ không về hưu trong im lặng và có thể đang hướng tới chiến dịch tranh cử năm 2024.

Điều đó đã gây ra một tình trạng mà Bloomberg mô tả là "cuộc chuyển giao quyền lực kỳ lạ nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ" và có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực của ông Biden trong việc chống lại các cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chiến lược phớt lờ ông Trump của ông Biden có thể sẽ phải đối diện với những thử thách.

Tầm ảnh hưởng của ông Trump

Ông Trump hiểu được rằng ông vẫn còn tầm ảnh hưởng và quyền lực trong chính giới Mỹ với một đội ngũ người ủng hộ đông đảo. Điều này được xem đã khiến cho nhiều nhà làm luật đảng Cộng hòa không thể quay lưng  với ông.

Ông Trump nhiều lần nhấn mạnh ông đã thu hút được 74 triệu phiếu bầu, kỷ lục với tổng thống đương nhiệm tái cử và ông khẳng định sự hiện diện của ông trong chiến dịch tranh cử đã giúp nhiều thành viên đảng Cộng hòa thắng bầu cử.

"Những người theo đảng Cộng hòa ở Thượng viện thật nhanh quên. Giờ đây họ có thể đã mất 8 ghế nếu tôi không ủng hộ họ trong cuộc bầu cử trước đó", ông Trump viết trên Twitter.

Trên thực tế, ông Trump cũng kêu gọi quyên góp một khoản tài trợ rất lớn từ ngày ủng hộ từ sau ngày bầu cử 3/11/2020. Ông thu về được 207,5 triệu USD trong 2 tháng và số tiền này đủ làm nền tảng để ông đặt nền móng cho tương lai chính trị hậu Nhà Trắng.

Trong khi đó, trong văn phòng chuyển giao quyền lực của ông Biden, có rất ít ý kiến bàn bạc về những nỗ lực "lật kèo" của ông Trump. Cuộc chiến chống lại Covid-19 đã làm lu mờ tất cả các vấn đề khác trong và các cố vấn của ông Biden hy vọng các vấn đề kinh tế và sức khỏe vẫn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các nhà lập pháp và cử tri.

Và đội ngũ của ông Biden dường như tin rằng tầm ảnh hưởng của ông Trump đang và sẽ dần phai nhạt. Đạo luật ngân sách quốc phòng thường niên đã được thông qua sau khi Thượng viện cùng Hạ viện bỏ phiếu để chặn ông Trump phủ quyết là một ví dụ. Ông Trump cũng không thành công trong việc gây áp lực cho các nghị sĩ tăng khoản trợ cấp cho người Mỹ trong đại dịch.