Sự cố chưa từng xảy ra ở Liên Hiệp Quốc
(Dân trí) - Ngày 22/4, đại sứ các nước Pháp, Anh, Mỹ đã rời khỏi cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBALHQ) sau khi đại sứ Lybia có một tuyên bố khiêu khích.
HĐBA chưa từng chứng kiến kiểu phản đối này. Ngày 22/4, đại diện của Pháp, Mỹ, Anh và một số thành viên khác đã rời khỏi một cuộc họp đang diễn ra sau khi đại sứ Libya tại LHQ so sánh tình trạng đang diễn ra ở dải Gaza giống như những gì từng diễn ra ở các trại tập trung của phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2.
Các thành viên của HĐBA đang họp bàn về khả năng đưa ra một thông cáo báo chí về các sự kiện diễn ra gần đây tại Trung Đông vào cuối ngày 22/4, sau khi Phó tổng thư ký LHQ Angela Kane cảnh báo về tình trạng bạo lực leo thang và những khó khăn nhân đạo mà người Palestine tại dải Gaza đang phải hứng chịu, đồng thời đề cập đến vụ bắn rốc két chống Israel.
Theo ghi chép của nhiều nhân viên ngoại giao, đại sứ Libya tại LHQ, ông Ibrahim Dabbashi đã có bài phát biểu và thay cho lời kết của bài diễn văn đề cập đến những thống khổ của người dân dải Gaza, ông này đã so sánh tình trạng tồi tệ ở dải Gaza với các trại tập trung của phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2, từng giết chết 6 triệu người Do thái và khoảng 220.000-500.000 người Di-gan. Một nhân viên ngoại giao chứng kiến toàn bộ sự việc cho hay, đại sứ Pháp Jean-Maurice Ripert đã tháo headphone, đứng dậy rời khỏi phòng họp, sau đó đến lượt các đại sứ của Anh, Mỹ, Bỉ và Costa Rica.
Đại sứ Dumisani Kumalo của Nam Phi, người hiện đang giữ chức chủ tịch HĐBA sau đó phải tuyên bố dừng cuộc họp. Ông Kumalo không cho rằng hành động rời khỏi cuộc họp của các nhà ngoại giao trên là để thể hiện sự phản đối, vì chuyện các đại sứ ra vào trong các cuộc họp là bình thường. Ông cũng cho biết sẽ hoãn cuộc họp trên vì các thành viên của HĐBA chưa sẵn sàng đi đến thống nhất về nội dung của thông cáo.
Đại sứ Karen Pierce (Anh) tuyên bố, một số thành viên HĐBA cảm thấy thực sự bất ngờ trước tuyên bố của đại sứ Libya, vì những kiểu nói như thế sẽ không thúc đẩy tiến trình hoà bình tại Trung Đông. Sau sự cố trên, đại sứ Bachar Jaafari của Syria đã đến chia sẻ cùng đồng nghiệp Lybia. Phát biểu với báo chí, ông Jaafari nói: “Thật là bất hạnh thay vì những người từng bị cho là nạn nhân của diệt chủng trong thế chiến lại lặp lại cùng một cách thức diệt chủng chống lại người dân Palestine”.
Từ nhiều tháng nay, các cuộc họp bàn về Trung Đông của HĐBA thường kết thúc bằng những bất đồng, các cuộc tranh cãi gay gắt và chỉ đưa ra được những tuyên bố mang rất ít tính ngoại giao.
Ngọc Nhàn
Theo AFP, AP