1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sputnik và nửa thế kỷ chinh phục không gian

(Dân trí) - Đúng ngày 4/10 cách đây 50 năm, Liên Xô đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người mang tên Sputnik. Đây được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử và mở ra một kỷ nguyên vũ trụ mới cho nhân loại.

Ngày 4/10/1957, Sputnik I, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của con người, đã được các nhà khoa học Liên Xô phóng thành công lên quĩ đạo và cũng là vệ tinh đầu tiên trong chương trình cùng tên. Sputnik khi đó chỉ có kích thước bằng một quả bóng rổ, nặng 83,6 kg và mất 98 phút để bay một vòng quanh trái đất.

 

Vệ tinh nhân tạo này đã khởi đầu cho những bước phát triển khoa học, công nghệ, quân sự và chính trị mới. Và mặc dù việc phóng tàu Sputnik chỉ là một sự kiện riêng rẽ nhưng nó cũng đã đánh dấu kỷ nguyên không gian và cuộc đua vũ trụ giữa 2 cường quốc là Mỹ và Liên Xô.

 

Từ Sputnik, kỷ nguyên vũ trụ đã được sinh ra, tiếp sau đó là những thay đổi lớn lao trong cuộc sống hàng ngày mà nhân loại ngày nay cho là hiển nhiên như truyền hình, điện thoại… Các vệ tinh thông tin đã giúp đưa những người ở cách xa nhau hàng nghìn km vào trong những phòng khách nhỏ. Khi ở ngoài trời, các thời tiết vệ tinh cho chúng ta biết nên mang theo một chiếc ô hay cần phải sơ tán vì bão. Và các vệ tinh hệ thống định vị toàn cầu giúp con người không bị lạc đường trên những tuyến phố xa lạ.

 

Sputnik và nửa thế kỷ chinh phục không gian - 1

 Tên lửa đẩy R-7 mang theo vệ tinh nhân tạo Sputnik I đang rời khỏi trái đất.

 

Yuri Karash, một chuyên gia về chương trình không gian của Nga, nhận định: “Ít nhất thì Sputnik cũng có ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại giống như việc Colombus phát hiện ra châu Mỹ. Bằng việc phóng vệ tinh này, con người đã bắt đầu mở rộng môi trường ra ngoài trái đất”.


Cố vấn khoa học Nhà Trắng John Marburger thì phát biểu: “Việc phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik thực sự đã tạo ra sự thích thú đặc biệt cho người Mỹ, không chỉ trong vũ trụ mà còn trong lĩnh vực khoa học, toán học và giáo dục”.

 

Sau Sputnik, Liên Xô đã có một chuỗi các thành công khác trong vũ trụ, trong đó có việc đưa nhà du hành vũ đầu tiên vào không gian, phi hành gia Yuri Gagarin và thực hiện chuyến đi bộ không gian đầu tiên.

 

Sputnik và nửa thế kỷ chinh phục không gian - 2

 Sputnik II có trọng tải lớn hơn nhiều Sputnik I đã được phóng lên vũ trụ ngày 3/11, mang theo chú chó Laika.

 

Giờ đây, sau một thời gian dài lắng xuống, chương trình vũ trụ của Nga đã khởi sắc trở lại khi các nhà khoa học và du hành vũ trụ cuối cùng cũng nhận được khoản ngân sách quan trọng từ chính phủ để thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng. Chính phủ Nga đã tuyên bố chi 12 tỉ USD trong 2 thập kỷ tới cho các dự án vũ trụ - một khoản tiền nhỏ so với ngân sách dành cho NASA của Mỹ nhưng đủ để người Nga thực hiện những dự án lớn như việc đưa người lên sao Hỏa, dự kiến vào năm 2020.

 

Cuộc đua vũ trụ khởi nguồn từ Sputnik

 

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1952 khi Hội đồng khoa học quốc tế Mỹ (ICSU) quyết định lấy năm 1957-1958 là Năm địa chất quốc tế (IGY). Vào tháng 10/1954, ICSU đã thông qua nghị quyết kêu gọi phóng các vệ tinh nhân tạo trong năm địa chất quốc tế để vẽ bản đồ bề mặt của trái đất.

 

Tháng 7/1955, Nhà Trắng công bố kế hoạch phóng một vệ tinh quay quanh trái đất cho năm IGY và đã thu hút nhiều “đơn dự thầu” từ các trung tâm nghiên cứu khác nhau của chính phủ muốn thực hiện tham vọng này. Tháng 9/1955, chương trình Vanguard của Bộ Hải quân đã được chọn để phóng vệ tinh lên không gian vào năm IGY.

 

Sputnik và nửa thế kỷ chinh phục không gian - 3

 Mỹ phóng thành công vệ tinh nhân tạo Explorer I đầu tiên của nước này vào ngày 31/1/1958.

 

Tuy nhiên, sự kiện Liên Xô phóng Sputnik đã thay đổi tất cả mọi thứ. Được coi là một thành tựu kỹ thuật quan trọng, Sputnik đã thu hút sự chú ý của thế giới cũng như toàn thể công chúng Mỹ. Kích thước của vệ tinh nhân tạo này ấn tượng hơn so với trọng tải dự kiến của Vanguard khoảng 1,6kg. Thêm vào đó, người Mỹ sợ rằng khả năng phóng vệ tinh của Liên Xô có thể biến thành khả năng phóng tên lửa đạn đạo, mang vũ khí hạt nhân từ châu Âu tới Mỹ.

 

Sau đó, Liên Xô lại phóng tiếp vệ tinh thứ 2. Vào ngày 3/11 cùng năm đó, Sputnik II với trọng lượng lớn hơn nhiều đã được phóng lên vũ trụ, mang theo con chó Laika.

 

Ngay sau khi Sputnik I được phóng vào tháng 10, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê chuẩn việc cấp kinh phí cho một dự án vệ tinh khác của nước này - dự án Explorer, song song với Vanguard. Ngày 31/1/1958, Mỹ phóng thành công Explorer I. Vệ tinh này có trọng tải nhỏ nhưng cuối cùng đã phát hiện ra các vành đai năng lượng cao bao quanh trái đất, được đặt tên là vành đai Van Allen theo nhà khoa học người đầu tiên phát hiện ra chúng.

 

Vệ tinh Sputnik cũng được xem là “động lực” để Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật “Hành động Vũ trụ” vào tháng 1/1958, cho phép thành lập Cơ quan hàng không vũ trụ (NASA) từ Uỷ ban cố vấn hàng không quốc gia (NACA) và các cơ quan khác của chính phủ.

 

VTH

Theo NASA, BBC