1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sông Trung Quốc “chảy” sang Australia

Một loạt sản phẩm dâu đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc mang nhãn hiệu Nanna’s và Creative Gourmet đã bị thu hồi ở Australia sau khi bị phát hiện có liên quan tới 18 ca mắc viêm gan A.

Ước tính có tới 450.000 người (2% dân số) ở Australia có thể đã ăn phải các loại dâu đông lạnh bị nghi nhiễm virus viêm gan A. Trong khi đó, cứ mỗi tuần có 70.000 gói dâu Trung Quốc được bán tại Australia. Bộ Y tế Australia dự báo cứ 100 người ăn thì có 1 người sẽ mắc viêm gan A. Vụ việc đã khiến dịch vụ hiến máu của Hội chữ thập đỏ Australia đã cấm những người trót ăn phải sản phẩm dâu đông lạnh không được hiến máu trong hai tháng. Còn những ai đã ăn và đã hiến máu thì phải liên lạc lại để kiểm tra.

Một dòng sông ô nhiễm ở Trung Quốc
Một dòng sông ô nhiễm ở Trung Quốc

Trước thực trạng đó, người tiêu dùng được khuyến cáo không ăn các gói phúc bồn tử loại 1 kg (Raspberries) và gói dâu đông lạnh (Frozen Mixed Berries) của Nanna’s cũng như các gói dâu đông lạnh loại 300 và 500 gram nhãn hiệu Creative Gourmet. Mặc dù chỉ sản phẩm Mixed Berries của Nanna’s bị nghi là nguồn gây bệnh viêm gan A nhưng các sản phẩm khác cũng bị thu hồi để đề phòng. Dù nguồn gây bệnh vẫn chưa được xác nhận nhưng cơ quan y tế Australia khẳng định rằng các bệnh nhân đều ăn các loại dâu Trung Quốc này.

Viêm gan A có thời gian ủ bệnh là 7 tuần. Một người có thể lây bệnh nếu tiếp xúc với thực phẩm, đồ uống hoặc vật dụng nhiễm chất thải của người nhiễm bệnh. Triệu chứng gồm sốt, buồn nôn, bụng khó chịu, mắt và da vàng. Virus viêm gan A không chết dù bị đun nóng hay đóng băng.

Chuyện thực phẩm Trung Quốc không an toàn không phải là chuyện mới với thế giới. Đa số các vụ bê bối an toàn thực phẩm Trung Quốc đều xuất phát từ việc người làm kinh doanh hám lời, dùng thủ đoạn bẩn để làm sản phẩm kém chất lượng bán cho người tiêu dùng. Trong vụ dâu đông lạnh ở Australia nói trên, người ta đã truy ngược nơi trồng trọt và phát hiện ra một điểm: Chúng được trồng ở tỉnh Sơn Đông ở miền đông Trung Quốc - một trong những khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất nước này.

Chắc hẳn khi nhìn cảnh ô nhiễm ở Sơn Đông, không ai đủ can đảm để ăn những thứ được trồng tại tỉnh được coi là “vựa hoa quả” này. Các thành phố, làng mạc ở Sơn Đông ngập ngụa trong ô nhiễm rác thải công nghiệp và hóa chất. Đất nông nghiệp nằm san sát cạnh các nhà máy và xí nghiệp hóa dầu.

Sông Wu chảy qua làng Jinling bị ô nhiễm nặng do các nhà máy hóa chất gần đó, đến mức nước sông chuyển màu đỏ và bốc mùi hôi thối. Có nơi, mặt nước bị nhuộm tím. Các hồ chứa nước ngập rác thải, cá chết nổi trắng xóa mặt hồ.

Làng Jinling nằm ngay gần khu công nghiệp hóa chất Qilu ở thành phố Zibo. Trước đây, có thông tin cho rằng khu công nghiệp này xả hóa chất thẳng ra dòng sông từng một thời nước trong vắt. Người dân ở Zibo đã phát động chiến dịch đòi chính quyền cải thiện chất lượng môi trường trong khu vực. Chính quyền Sơn Đông đã tuyên bố thưởng tới 21.000 USD cho ai vạch mặt công ty gây ô nhiễm. Nhưng nước sông không những không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn trong vài năm qua. Chính tại những con sông này, người ta đã lấy nước rửa dâu để chuẩn bị chế biến.

Tiến sĩ Wei Li thuộc Đại học Sydney từng sống ở Sơn Đông và từng làm việc cho Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc nhận định: “Ô nhiễm là vấn đề chung của các tỉnh lớn ở Trung Quốc và ở Sơn Đông, người dân rất lo ngại về an toàn thực phẩm”. Trồng trọt cần rất nhiều nước trong khi nước ngầm ở Sơn Đông không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, nông dân buộc phải dùng nước ô nhiễm để tưới tắm và rửa rau quả.

Ở các tỉnh khác, tình trạng ô nhiễm cũng trầm trọng không kém. Hồi tháng 5/2013, chính quyền tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc cho biết 44% mẫu gạo trồng ở tỉnh có hàm lượng kim loại cadimi vượt quá ngưỡng cho phép. Bộ Bảo vệ Môi trường ước tính 16,1% đất ở Trung Quốc bị ô nhiễm. Ở nhiều nơi, tình trạng ô nhiễm đất và nước trầm trọng đến mức một số nông dân không ăn những thứ do mình sản xuất.

Sống ở khu vực ô nhiễm trầm trọng, nhiều người dân địa phương đã lãnh đủ khi bị mắc ung thư hàng loạt. Không chỉ thế, do là một nước xuất khẩu lớn với các sản phẩm len lỏi tới mọi ngóc ngách trên thế giới, các dòng sông ô nhiễm ở Trung Quốc đã gián tiếp “chảy” đi khắp nơi.

Nếu những quả dâu mang mầm bệnh viêm gan A được xác nhận là do được nuôi dưỡng và bảo quản ở môi trường ô nhiễm, thì trong trường hợp này có thể nói những dòng sông ô nhiễm ở Trung Quốc đã “chảy” sang cả châu Úc.

Theo Thùy Dương/baotintuc.vn