1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Sóng ngầm" trong lòng châu Âu

Có nên gia hạn lệnh trừng phạt chống Nga thêm 6 tháng nữa hay không? Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối phó với Moskva như thế nào? Những câu hỏi lớn còn để ngỏ đang gây "sóng ngầm" ngay trong lòng châu Âu. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh diễn ra tuần này sẽ là phép thử quan trọng đánh giá khả năng duy trì sự đoàn kết và thống nhất của liên minh trong xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine.

Sóng ngầm trong lòng châu Âu
Các Ngoại trưởng EU chụp ảnh chung tại hội nghị không chính thức tại Latvia ngày 6/3 (Ảnh: THX-TTXVN)

Vương quốc Anh cùng một số nước vùng Baltic và Bắc Âu có quan điểm khá cứng rắn, muốn kéo dài lệnh trừng phạt tối thiểu nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga. Theo các nước này, việc duy trì lệnh trừng phạt sẽ ràng buộc Moskva vào những cam kết đối với thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Về mặt lý thuyết, lệnh trừng phạt có thể tạo điều kiện thuận lợi để EU phát huy ảnh hưởng của mình khi triển khai chính sách "cây gậy và củ cà rốt".

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi chóng vánh trong một vài tuần gần đây. Pháp, Italy và Tây Ban Nha thẳng thừng tuyên bố rằng họ không muốn mạo hiểm "chọc giận" Moskva và phá hỏng thỏa thuận ngừng bắn vốn dĩ mong manh. Nhiều mâu thuẫn và chia rẽ giữa các nước châu Âu trong chính sách đối với Nga bắt đầu "lộ sáng". Chưa bao giờ giới lãnh đạo EU lại bất đồng đến thế khi tìm cách hoạch định một chiến lược lâu dài nhằm giải quyết những điểm nóng nổi lên như ở miền Đông Ukraine. Quan điểm trái ngược nhau đã đẩy các nước châu Âu đến chỗ bị động và loay hoay "chèo chống" theo kiểu tình thế.

Xuất phát từ thực tế này, một phương án dự phòng đang được tính đến. Đó là tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 19/3, các nhà lãnh đạo EU sẽ tuyên bố rằng chưa thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt chừng nào thỏa thuận ngừng bắn Minsk chưa được thực thi đầy đủ. Phát biểu hôm 16/3 ở Brussels, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond kêu gọi các thành viên EU cần phải có cam kết chính trị rõ ràng về việc duy trì lệnh trừng phạt Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực thi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz lại cho rằng không cần đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến lệnh trừng phạt Nga vào thời điểm hiện nay.

Căng thẳng bắt đầu gia tăng ngay từ cuộc gặp của các ngoại trưởng trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Giới chức cấp cao lo ngại rằng tình thế bế tắc do mâu thuẫn và bất đồng có thể khiến EU vấp phải thất bại tại hội nghị vào tháng 6/2015 khi họ phải quyết định có nên kéo dài lệnh trừng phạt hay không? Theo luật lệ của EU, việc kéo dài lệnh trừng phạt thêm 6 tháng nữa cần phải có sự ủng hộ của tất cả 28 nước thành viên.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã có thể cảm nhận được "sức nóng" tại thủ đô mỗi nước thành viên EU khi ông thực hiện chuyến công du để trả lời câu hỏi: Liệu có nên gia hạn lệnh trừng phạt chống Nga hay không? Tiến trình tham vấn của ông Tusk được đánh dấu bằng tần suất gia tăng những vụ việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Theo ông Tusk, việc thực thi từng phần thỏa thuận ngừng bắn sẽ dẫn đến nhiều hiểm họa cho Ukraine. "Nếu châu Âu không duy trì lệnh trừng phạt, thì quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Tusk nói. Thực tế cho thấy EU hiện đang phải đối mặt với sức ép từ phía Mỹ về việc duy trì chính sách cứng rắn. Washington lo ngại rằng các nước châu Âu sẽ tìm cách chấm dứt lệnh trừng phạt khi nó hết hạn.

Nhằm ngăn chặn nỗ lực gây chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Mỹ vẫn khẳng định rằng họ chỉ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới nếu có sự hợp tác từ phía EU. Tuy vậy, tuần qua, ông Daniel Fried - Điều phối viên về vấn đề trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã phải bay tới Brussels để thảo luận với giới chức châu Âu. Dù Mỹ và ông Tusk có tìm mọi cách vận động, thì EU chưa thể hàn gắn bất đồng trong chính sách đối với Nga. Phần lớn các nước thành viên EU đều muốn thảo luận vấn đề gia hạn lệnh trừng phạt tại hội nghị diễn ra tháng 6/2015. Hiện Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn để ngỏ khả năng kéo dài lệnh trừng phạt chống Nga, nhưng theo bà, EU cần phải thể hiện rõ quyết tâm. Liệu EU có vượt qua được những vấn đề gây chia rẽ để thể hiện sự đoàn kết và thống nhất trong chính sách đối với Nga? Tất cả vẫn đang ở phía trước.   

Theo Lê Phương (theo "Thời báo Tài chính", Anh)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm