1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Sóng" Covid-19 trỗi dậy ở nhiều nước

Minh Phương

(Dân trí) - Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở nhiều nước có xu hướng tăng nhanh trở lại khi những nước này bắt đầu lộ trình sống chung với đại dịch.

Sóng Covid-19 trỗi dậy ở nhiều nước - 1

Anh hiện ghi nhận gần 50.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày (Ảnh: Getty).

Anh có gần 50.000 ca mắc mới mỗi ngày

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành thế giới năm 2020, Anh là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Chương trình tiêm chủng nhanh chóng đã giúp Anh kiểm soát số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 và tạo cơ sở cho giới chức nước này quyết định đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Tuy nhiên, không lâu sau quyết định đó, số ca nhiễm tăng vọt trở lại, với gần 50.000 ca mới/ngày, khiến Anh trở thành một trong những quốc gia có số ca Covid-19 trong ngày cao nhất thế giới.

Hôm 18/10, Anh ghi nhận hơn 49.000 ca mắc mới, cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây, và nâng tổng số người nhiễm bệnh tại xứ sở sương mù lên hơn 8,4 triệu ca. Trong ngày, Anh cũng ghi nhận 45 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 lên gần 139.000 người.

Tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 ở Anh bắt đầu xu hướng tăng kể từ khi Anh dỡ bỏ các lệnh hạn chế từ giữa tháng 7 năm nay, cho phép các nhà hàng, hộp đêm hoạt động trở lại và việc đeo khẩu trang cũng không còn là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng này chậm hơn so với giai đoạn trước.

Giới chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt lý do khiến dịch bùng phát mạnh trở lại ở Anh, trong đó có chính sách đeo khẩu trang nửa vời hay việc cho phép hội họp đông người. Ngoài ra, việc Anh triển khai tiêm chủng vaccine thuộc nhóm sớm nhất thế giới cũng là một phần nguyên nhân bởi hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian. Kết quả nghiên cứu sức khỏe cộng đồng ở Anh cho thấy khả năng bảo vệ của hai loại vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng nhiều nhất hiện nay nhằm phòng ngừa biến thể Delta là Pfizer/BioNTech và AstraZeneca giảm sau 3 tháng tiêm mũi thứ 2.

Nga hứng làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất

Sóng Covid-19 trỗi dậy ở nhiều nước - 2

Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Nga tăng kỷ lục (Ảnh: Reuters).

Việc nhiều người dân còn chần chừ tiêm chủng khiến Nga phải hứng chịu làn sóng bùng phát dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Nga liên tục lập kỷ lục mới.

Theo số liệu của Bộ Y tế Nga, trong ngày 19/10, nước này ghi nhận hơn 33.700 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh ở đây lên hơn 8 triệu ca. Trong vòng 24h, Nga cũng ghi nhận kỷ lục 1.015 ca tử vong vì Covid-19. Kể từ đầu dịch, hơn 225.000 người ở Nga đã chết vì Covid-19.

Để khống chế dịch lan rộng, Nga đã đưa ra một loạt biện pháp ứng phó. Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova đã đề nghị cho người lao động nghỉ làm một tuần từ 30/10 đến 7/11.

Cùng ngày, chính quyền thủ đô Moscow cũng siết các biện pháp kiểm soát dịch. Theo đó, từ ngày 25/10, những người từ 60 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ phải làm việc tại nhà; các doanh nghiệp, công sở buộc phải duy trì 30% số nhân viên làm việc từ xa. Moscow cũng bổ sung thêm công chức vào nhóm đối tượng bắt buộc tiêm vaccine Covid-19.

Singapore: Số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân

Sóng Covid-19 trỗi dậy ở nhiều nước - 3

Singapore có thể mất 3-6 tháng để trở lại cuộc sống bình thường (Ảnh: CNA)

Bộ Y tế Singapore cho biết, trong ngày 19/10, nước này ghi nhận gần 4.000 ca nhiễm mới. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất ở Singapore kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đến nay, Singapore ghi nhận tổng cộng gần 155.000 ca Covid-19.

Trong ngày, Singapore có thêm 7 người chết vì biến chứng Covid-19, trong đó 3 người chưa được tiêm chủng.

Số người mắc Covid-19 tăng nhanh theo cấp số nhân buộc Singapore phải hoãn kế hoạch mở cửa mặc dù đã tiêm chủng cho khoảng 83% dân số trên 18 tuổi. Quốc đảo sư tử tạm siết chặt trở lại các biện pháp phòng dịch như giới hạn số người được phép tụ tập xuống còn hai và yêu cầu những lao động trong lĩnh vực không thiết yếu làm việc tại nhà. Thủ tướng Lý Hiển Long hồi đầu tháng này cho rằng, Singapore có thể phải mất từ 3 đến 6 tháng mới hy vọng trở lại cuộc sống bình thường mới.

Đầu tuần này, Mỹ đã nâng cảnh báo đi lại lên mức cao nhất đối với Singapore, khuyến cáo người dân tránh đi lại quốc gia này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo, kể cả những người đã tiêm đầy đủ vaccine vẫn có nguy cơ lây nhiễm và lây lan virus.