1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sốc với đội quân cuồng tín, tàn sát không ghê tay của IS

Đội quân cuồng tín này gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp các thành phố ở biên giới Syria và Iraq, sẵn sàng liều chết để gây thương vong cho đối phương.

Theo AP, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng gọi lực lượng này là “Inghemasiyoun” (những kẻ liều chết) hay còn gọi là đội quân ra đi không bao giờ trở lại. Chúng trưng dụng những tay súng hiếu chiến, “tẩy não” quá khứ để một mực trung thành và đặc biệt tuân theo kỷ luật của tổ chức khủng bố.

Vũ khí của IS ở Syria. (Ảnh:
Vũ khí của IS ở Syria. (Ảnh: AP)

Như vậy là song song với phát triển lực lượng chiến binh phổ thông, IS đang đào tạo riêng một đội quân tinh nhuệ không sợ chết. Những kẻ này luôn buộc quanh người thuốc nổ, khi lâm trận chiến đấu đến cùng và nếu thua sẽ ôm đối phương cùng chết.

Ông Redur Khalil, người phát ngôn của Đơn vị Bảo vệ Người Kurd do Mỹ hậu thuẫn nói với AP: “Những kẻ liều chết là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn trên chiến trường để tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố khác tấn công từ nhiều phía, nhằm gây thương vong cho đối phương”.

Đội quân cuồng tín này luôn tấn công đối phương một cách bất ngờ, đánh trực tiếp và đánh du kích. Chúng tỏ ra không nao núng trước đối thủ đông đảo và được hỗ trợ bởi xe thiết giáp, xe quân sự và pháo hạng nặng phía sau.

Trong trận đánh ở thị trấn Kobani tháng trước, IS đã tấn công bất ngờ, sử dụng đội quân hiếu chiến và nhanh chóng khiến Lực lượng bảo vệ người Kurd trở tay không kịp. Chúng tàn sát tới 230 người, trong đó gần một nửa là trẻ em. Giới chuyên gia cho rằng, dù không thể chiếm lại Kobani nhưng IS đã thành công trong việc reo rắc nỗi sợ hãi tới người dân và cả lực lượng bảo vệ người Kurd.

Trong vụ này, IS cho người đóng giả làm dân thường Kobani để xâm nhập vào thị trấn rồi xả súng giết chết nhiều người.

Mặc dù nổi tiếng bởi sự tàn bạo khủng khiếp nhưng theo các quan chức quân sự và tình báo cấp cao của Iraq và Syria, IS cũng là lực lượng chiến đấu có tổ chức cao và linh hoạt.

Giáo sư Andreas Krieg, trường Đại học King London nhiều năm nghiên cứu về cách đánh du kích của lực lượng khủng bố ở Trung Đông nói rằng: Cách thức tổ chức quân đội của phiến quân khá tinh vi nhưng lại linh hoạt. Chúng cho phép các thủ lĩnh địa phương tự động tuyển quân, phân cấp thay vì những nguyên tắc cứng nhắc của quân đội Iraq hay Syria.
Đội quân cuồng tín của chúng trung thành tuyệt đối với mệnh lệnh của thủ lĩnh. Căn cứ vào trận đánh ở thành phố Ramadi, có lúc chúng đã bị đẩy lui song lại vùng lên, sử dụng bom để phá vỡ tuyến phòng thủ của đối phương. Chỉ hơn chục phần tử cuồng tín mà chúng đã gây ra được sự hỗn loạn, kéo dài thời gian cho các tay súng IS tràn vào, buộc quân chính phủ phải tháo chạy.
 
Một tay súng bắn tỉa của IS. (Ảnh:
Một tay súng bắn tỉa của IS. (Ảnh: Daily Mail)

Một điểm lưu ý nữa là trong thành phần lực lượng liều chết này có cả những tay súng nước ngoài. Đấy là chưa kể một đội ngũ “sói đơn độc” như kiểu vụ thảm sát 38 người ở bãi biển Tunisia hồi tháng 6.

Theo thống kê của Iraq, hiện đội quân của IS có vào khoảng 30.000-60.000 tay súng được tuyển dụng ở các địa bàn Afghanistan, Chechnya, Libya hay Somalia.

IS đang khiến Mỹ khó trở tay

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6/7 thông báo những điều chỉnh trong chiến lược chống IS. Chuyên gia Richard Becker thuộc tổ chức phản chiến ANSWER Coalition của Mỹ phân tích không mấy lạc quan về hiệu quả của cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố này.

“Khó có thể đánh bật hoặc tiêu diệt được tổ chức này khi mà IS hiện đã chiếm được 1/3 lãnh thổ Iraq và 1/2 lãnh thổ Syria, đồng thời lan tỏa ra vô số quốc gia khác ở cả Trung Đông và châu Phi. Nguy hiểm là tại Syria, nếu chính phủ Bashar al-Assad bị giải thể, tức là ông Assad bị lật đổ thì hoặc là IS hoặc liên minh các chiến binh thánh chiến, các tổ chức jihad sẽ lấp khoảng trống chính trị ở quốc gia này”.

Kể từ khi có sự hỗ trợ của máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu, quân đội Iraq và Syria đã chiếm lại nhiều khu vực trọng yếu như Tikrits, Kobani, Tal Abyad. Tưởng chừng như IS đã suy giảm sức mạnh nhưng giới quân sự cảnh báo, nhóm khủng bố này thực chất chỉ đang rút lui chiến thuật để chuẩn bị cho những âm mưu khó lường trước.

Điều này đã được một quan chức Iraq thừa nhận. Tướng Abdul-Wahab al-Saadi nói: “quân đội Iraq không thể lường trước được chiến thuật của tổ chức khủng bố này”.

Còn Ghalia Nehme, chỉ huy lực lượng người Kurd cũng không lạc quan với cuộc chiến khi nói: “Chiến đấu với những kẻ không sợ chết quả là kinh khủng. Dường như chúng không thuộc về thế giới này”./.

 
Theo Ngân Giang/VOV.VN/Haaretz
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm