1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Số phận vợ chồng điệp viên phản bội của KGB

Tháng 4/1954, điệp viên Vladimir Petrov của KGB tại Australia đã xin tị nạn chính trị cùng vợ là Evdokia. Đây là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Liên Xô và Australia, làm tê liệt gần như toàn bộ quan hệ giữa hai nước này.

Như bao thanh niên khác sau Cách mạng tháng Mười, Petrov nhập ngũ, vào phục vụ trong hải quân với vai trò của một nhân viên mật mã.

 

Năm 1937, Petrov (sinh năm 1907) giải ngũ và nhận được đề nghị vào làm việc cho Cơ quan Dân ủy nội vụ (NKVD). Tại trường đào tạo của NKVD, Petrov nhờ giành được cảm tình của chỉ huy phòng mật mã nên đã nhanh chóng được cử sang Trung Quốc công tác dưới vỏ bọc ngoại giao. Năm 1938, Petrov quay trở lại Liên Xô, được nhận Huân chương Sao đỏ vì thành tích xuất sắc và tiếp tục làm việc tại trụ sở của KGB. Thời điểm này, anh ta bắt đầu yêu và săn đón nữ đồng nghiệp Evdokia Karseva.

 

Evdokia Karseva sinh năm 1900 tại làng Lipki (Riazan), sau đó chuyển về sống tại Matxcơva. Sau Cách mạng tháng Mười, cha của Evdokia được vào làm việc tại Phòng vận tải của VTK (Ủy ban Đặc biệt toàn Nga chống phản cách mạng và nổi loạn). Đến năm 1920, nhờ sự giúp đỡ của cha mình, Evdokia bắt đầu được nhận vào làm việc tại Tổng cục Chính trị đặc biệt (OPGU).

 

Tại đó, nữ đoàn viên thanh niên trẻ này được biên chế vào một trong những bộ phận bí mật nhất - đó là một ban đặc biệt được thành lập vào năm 1921, chuyên soạn thảo mật mã và giải mã các bức điện thu được của nước ngoài. Năm 1940, Petrov và Evdokia tổ chức đám cưới.

 

Năm 1942, hai vợ chồng được cử sang Thụy Điển công tác tại Ban nước ngoài. Đến lúc này, theo yêu cầu công tác, Sorokhov mới chính thức đổi tên là Petrov. Cả hai vợ chồng làm việc tại Stockholm trong vòng 4 năm. Petrov đảm nhiệm vai trò của một nhân viên mật mã, nắm giữ quỹ của cơ quan và đảm trách vấn đề an ninh cho các cơ quan Xôviết tại đây. Ngoài ra, Petrov còn có nhiệm vụ tuyển mộ thêm một mạng lưới những người cung cấp thông tin tại Thụy Điển. Trong khi đó, Evdokia làm thư ký trong cơ quan tình báo trước khi chuyển qua làm công tác chuyên môn.

 

Ngay tại Thụy Điển, Petrov đã gây ra không ít xích mích với các đồng nghiệp. Cũng tại đây, Petrov bắt đầu ăn chơi sa đọa và đánh mất mình.

 

Cuộc đào thoát bất ngờ

 

Cuối năm 1945, hai vợ chồng Petrov quay về Matxcơva và tiếp tục làm việc tại bộ máy trung tâm của Cơ quan Tình báo Xôviết. Tháng 3/1947, theo đề nghị của Molotov, Ủy ban Thông tin (KI) được thành lập, sáp nhập hoạt động của Cơ quan tình báo quân đội (GRU) và Tình báo chính trị (thực chất là Cục I của Bộ An ninh quốc gia Liên Xô - MGB). Petrov được thăng chức và được chỉ định làm chỉ huy một ban của KI. Tuy nhiên, ủy ban này không tồn tại được lâu và nhanh chóng giải thể vào năm 1949. Petrov quay trở về Cục I của MGB.

 

Đến năm 1951, hai vợ chồng Petrov được cử sang công tác tại Australia. Tại đó, Petrov hoạt động dưới vỏ bọc thư ký thứ ba của sứ quán Liên Xô tại Canberra. Từ năm 1952, anh ta đảm nhiệm vai trò của một điệp viên thực sự với nhiệm vụ cụ thể là xâm nhập các tổ chức chống Liên Xô tại Australia cũng như xây dựng một mạng lưới điệp viên bí mật tại nước này. Còn Evdokia được giao vai trò là thư ký của đại sứ kiêm kế toán của đại sứ quán.

 

Một thời gian sau, Petrov thường xuyên đi lại với một nhạc sĩ người Ba Lan có tên Mikael Bialoguski. Quá trình điều tra cho thấy, nhân vật này trong thời gian chiến tranh đã từng cộng tác với Gestapo, sau đó chạy sang Australia vì lo ngại bị truy tố. Các nhân viên GRU tại Canberra đã không ít lần cảnh báo Petrov về mối quan hệ với Bialoguski, nhưng anh ta vẫn khăng khăng biện hộ là đang nghiên cứu khả năng tuyển mộ nhân vật này.

 

Chẳng bao lâu, Matxcơva gửi sang một bức điện mật có nội dung như sau: “Có những dữ liệu cho thấy, Cơ quan Mật vụ Australia đang rất quan tâm đến Petrov. Điệp viên tuyển mộ là Mikael Bialoguski, một nhạc sĩ gốc Ba Lan. Cả hai thường xuyên lui tới các quán bar và nhà hàng ban đêm. Petrov còn tung ra nhiều lời chỉ trích đại sứ quán. Yêu cầu triệu hồi về nước ngay lập tức”.

 

Trong khi đó, Petrov lần đầu tiên tiếp xúc với các nhân viên Cơ quan Phản gián Australia. Hắn được hứa hẹn sẽ cho phép cư trú chính trị cùng một khoản tiền lớn 5.000 bảng Anh để mua trang trại riêng. Nhưng Petrov chỉ đưa ra quyết định đào tẩu cuối cùng sau khi một nhân viên thay thế ông ta bất ngờ tới Canberra và yêu cầu bàn giao ngay mọi công việc. Ngày 2/4/1954, Petrov lấy cắp nhiều tài liệu bí mật của cơ quan, nhanh chóng trốn khỏi đại sứ quán mà thậm chí không hề liên hệ với vợ.

 

Khi Đại sứ Generalov biết được về sự biến mất của nhân viên này, ông đã ngay lập tức cho tổ chức tìm kiếm. Còn Evdokia được đưa sang cách ly tại một căn phòng ở đại sứ quán, không được tiếp xúc với bên ngoài. Ngày 13/4/1954, chính quyền Australia thông báo, thư ký thứ ba Vladimir Petrov của Đại sứ quán Liên Xô đã yêu cầu được cư trú chính trị. Nhưng Evdokia vẫn tin rằng, đây chỉ là trò tuyên truyền của phương Tây và khăng khăng, chồng bà đã bị bắt cóc. Một thời gian ngắn sau, Evdokia nhận được một bức thư của chồng hẹn gặp mặt. Bà ta chỉ trả lời ngắn gọn theo yêu cầu của đại sứ: “Em lo ngại cuộc gặp gỡ của chúng ta có thể là một cái bẫy”.

 

Ngày 19/4, Evdokia được hai nhân viên KGB đến từ Matxcơva hộ tống đưa lên máy bay về nước. Tuy nhiên, chỉ huy chiến dịch này là Vasili Sanko đã hành động quá lộ liễu và vụng về, khiến hình ảnh bà vợ của Petrov được kèm sát bởi hai nhân viên KGB lúc lên máy bay đã xuất hiện nhanh chóng trên báo chí. Tại sân bay Canberra cũng như ngay trên máy bay, Evdokia luôn được các nhân viên phản gián Australia bám sát và thuyết phục bà ta nên ở lại với chồng. Đến khi có mặt tại Darwin, chặng dừng chân cuối cùng trên lãnh thổ Australia, quyết tâm quay trở về Matxcơva của Evdokia đã tan biến sau một cuộc điện đàm với chồng. Ngay khi ngắt máy, bà ta lập tức yêu cầu được cư trú chính trị ở Australia.

 

Những lời khai báo tai hại

 

Hai vợ chồng Petrov về sau đã khai báo cho Cơ quan Phản gián Australia rất nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của tình báo Xôviết. Ví dụ như trong tài liệu mang tên “Những tuyên bố của vợ chồng Petrov liên quan đến quá khứ hoạt động tình báo của họ” đề ngày 15/5/1954, Evdokia đã tiết lộ về công tác của mình trong ban đặc biệt chuyên về Nhật Bản, nơi khai thác các tài liệu mã hóa được thu thập tại quốc gia này. Petrov còn khai báo cụ thể về hoạt động của tình báo Xôviết tại Pháp, nơi mà điệp viên Ivan Agaians của MGB đã đánh giá là “đặc biệt dễ dàng”. Trên cơ sở những lời khai của họ, phương Tây đã xây dựng một tài liệu chi tiết là nguồn tham khảo chính về hoạt động trong giai đoạn 1947-1951.

 

Nhưng nguy hiểm nhất là những thông tin cụ thể về vụ mất tích vào tháng 5/1951 của hai nhân viên Bộ Ngoại giao Anh là Guy Burgess và Donald McLean. Petrov không chỉ cho biết họ là điệp viên Xôviết và vào thời điểm đó đang ở Matxcơva, mà còn nêu ra một loạt sự kiện liên quan đến hoạt động của họ. Petrov cho biết, qua tiết lộ của Fedor Kislisyn, nhân viên mật mã của tình báo Xôviết tại London trong giai đoạn 1945-1948, Burgess đã mang tới cho các nhân viên liên lạc của mình những chiếc cặp đầy tài liệu của Bộ Ngoại giao. Những nội dung quan trọng nhất được Kislinsyn gửi về Matxcơva qua đường liên lạc vô tuyến, số còn lại được đóng gói gửi theo đường bưu kiện ngoại giao.

 

Một thông tin quan trọng khác mà Petrov tiết lộ với mật vụ Australia là kế hoạch của GRU đối với Troski, một người theo đường lối hữu khuynh.

 

Sự phản bội của vợ chồng Petrov đã dẫn tới một vụ bê bối ngoại giao lớn, làm xấu đi quan hệ giữa Australia và Liên Xô trong một thời gian dài. Nó cũng là nguyên nhân của việc sứ quán Xôviết tại Canberra phải đóng cửa tạm thời cũng như vụ trục xuất một loạt nhà ngoại giao Australia khỏi Matxcơva. Vợ chồng Petrov về sau đã được nhận quốc tịch Australia và sống lặng lẽ tại Melbourn dưới những cái tên giả. Theo một số nhân chứng, cả hai đều sống ẩn dật trong trạng thái lo sợ thường xuyên, mặc dù nơi ở của họ được giữ hết sức bí mật.

 

Năm 1974, Vladimir Petrov vì tình trạng sức khỏe sụt giảm nghiêm trọng đã phải vào sống tại một nhà dưỡng lão ở Melbourn dưới cái tên giả là công dân Thụy Điển Sven Ellison. Trong suốt thời gian còn lại ở đây, Evdokia chỉ tới thăm chồng có vài lần. Bà ta chuyển tới sống ở miền Nam Australia với cái tên Maria Anna Allison trước khi chết ở tuổi 88. Petrov sống lâu hơn vợ chừng 3 năm và chết trong cô đơn tại nhà dưỡng lão vào tháng 9/1991

 

Theo An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm