Số phận tàu lặn Titan mất tích: Phát nổ hay trôi nổi?
(Dân trí) - Nhiều giả thuyết đã được đưa ra liên quan tới số phận của tàu lặn Titan bị mất tích ở Đại Tây Dương trong quá trình tham quan xác tàu Titanic.
Tàu lặn Titan chở 5 người gồm cả chuyên gia và doanh nhân mất tích ở Đại Tây Dương sáng 18/6 sau khi lặn gần 2 giờ đồng hồ nhằm tiếp cận xác tàu Titanic. Các đội tìm kiếm đang chạy đua với thời gian để xác định vị trí con tàu, tuy nhiên cơ hội sống sót của 5 người ngày càng mong manh.
5 doanh nhân và chuyên gia được cho là có mặt trên tàu lặn Titan mất tích gồm: Stockton Rush - giám đốc điều hành kiêm người sáng lập OceanGate, Hamish Harding - doanh nhân Anh, Shahzada Dawood - tỷ phú Pakistan, Sulaiman Dawood - con trai của tỷ phú Shahzada, Paul-Henri Nargeolet - cựu chỉ huy hải quân Pháp và là đội trưởng đội lặn sâu.
Các chuyên gia đang đặt ra 5 giả thuyết về số phận tàu Titan.
Tàu phát nổ
Các chuyên gia cho rằng đây là trường hợp xấu nhất. Không ai trong số các nạn nhân có thể sống sót trong kịch bản thảm khốc này.
Theo Stefan B. Williams, giáo sư về máy móc hàng hải tại Đại học Sydney ở Australia, một vụ nổ có thể xảy ra do bộ phận chịu áp suất của tàu bị hỏng. Ông Williams cho rằng một sự cố nghiêm trọng của hệ thống cân bằng áp suất sẽ khiến con tàu phát nổ như một quả bom.
"Mặc dù thân tàu Titan được chế tạo bằng vật liệu composite để chịu được áp suất cực lớn dưới đáy biển sâu, nhưng bất kỳ khiếm khuyết nào về hình dạng hoặc kết cấu đều có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tàu và trong trường hợp đó, tàu có nguy cơ nổ tung", giáo sư Williams nhận định.
Tiến sĩ David Gallo, cố vấn cấp cao của RMS Titanic, cũng cho rằng "một vụ nổ thảm khốc có thể đã xảy ra với tàu lặn và điều đó sẽ rất kinh khủng". Tiến sĩ Gallo tin rằng vụ nổ nhiều khả năng là nguyên nhân khiến tàu lặn biến mất. "Tôi không biết lý do nào khác khiến con tàu biến mất nhanh như vậy", ông nói.
Tàu bị cháy
Mặc dù tàu lặn ở dưới nước, nhưng các chuyên gia cho rằng một đám cháy có thể đã bùng phát bên trong con tàu và có thể gây ra thảm họa theo nhiều cách khác nhau.
Eric Fusil, phó giáo sư và giám đốc trung tâm đóng tàu tại Đại học Adelaide, nói rằng một vụ cháy có thể "tạo ra khói độc khiến thủy thủ đoàn bất tỉnh".
Chuyên gia Williams cũng phỏng đoán, một ngọn lửa có thể "làm hỏng hệ thống điện tử" được sử dụng để điều hướng và kiểm soát con tàu. Ông cho biết, hỏa hoạn sẽ điều rất nguy hiểm trong môi trường kín dưới nước.
Tàu trôi nổi trên biển
Một giả thuyết được đặt ra là tàu Titan đang trôi nổi đâu đó trên bề mặt Đại Tây Dương và vẫn chưa được phát hiện.
Mặc dù đây là một trong những tình huống khả quan nhất, nhưng hành khách trên tàu vẫn có nguy cơ cạn oxy. Tàu được chốt từ bên ngoài và hành khách không thể mở cửa từ bên trong để thoát ra ngoài.
Fred Hagen, người trước đây từng thăm xác tàu Titanic trên tàu Titan, nói rằng: "Bạn không thể ra ngoài, trừ khi ai đó mở nó ra".
Mất tích dưới đáy biển
Tàu Titan cũng có thể bị mất tích dưới đáy đại dương, điều mà các chuyên gia tin là một kịch bản đáng lo ngại hơn nhiều.
Theo chuyên gia tàu ngầm Ofer Ketter, "sự cố kỹ thuật hoặc máy móc nghiêm trọng" như mất điện có thể xảy ra bên trong tàu lặn. Các hành khách cũng có thể "bất tỉnh" do nồng độ oxy trong tàu xuống thấp.
Trưa 21/6, Chuẩn đô đốc John Mauger của Tuần duyên Mỹ cho biết, lượng dưỡng khí còn lại trong tàu lặn Titan chỉ còn đủ cho khoảng 20 giờ. Các đội tìm kiếm vẫn hy vọng có thể xác định được vị trí tàu lặn trước khi oxy cạn kiệt.
Jamie Frederick, quan chức thuộc lực lượng Tuần duyên Mỹ, cho biết lực lượng cứu hộ đã phát hiện thêm nhiều âm thanh ở vùng tìm kiếm tàu lặn. Tuần duyên Mỹ cũng cho hay, một máy bay của Canada trong đội cứu hộ phát hiện những tiếng đập mạnh cứ 30 phút một lần.
Mắc kẹt trong tàu Titanic
Chiếc tàu lặn cũng có thể đã mắc kẹt ở đâu đó trong đống đổ nát của tàu Titanic - điều đã từng xảy ra với một con tàu khác trước đây. Chuyên gia Williams nói rằng kịch bản này khó xảy ra, nhưng không thể loại trừ.
Frank Owen, cựu quan chức Hải quân Hoàng gia Australia và từng là giám đốc dự án cứu nạn và thoát hiểm tàu ngầm, nói rằng các mảnh vỡ của tàu Titanic bao phủ đáy đại dương.
Phóng viên Michael Guillen của đài ABC News từng ở trên một tàu lặn của Nga vào tháng 9/2000. Vào thời điểm đó, con tàu bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau khi một dòng hải lưu đẩy tàu vào các chân vịt của tàu Titanic. Con tàu sau đó đã may mắn thoát hiểm an toàn.