Số phận những người Gaza ngày đêm chờ vượt biên ở cửa khẩu Rafah
(Dân trí) - Một số đoàn xe viện trợ quan trọng đã vào Gaza thông qua cửa khẩu Rafah, vốn là cửa ngõ kết nối Gaza với thế giới, nhưng chưa người dân nào từ dải đất này được phép đi qua nó.
Ở phía xa Bán đảo Sinai, cách thủ đô Cairo khoảng 6 giờ lái xe qua sa mạc Ai Cập gần như trống rỗng, ngã tư Rafah là một dải đất rộng màu nâu cát, bê tông và không có nhiều thứ gì khác.
Bị cô lập với phần còn lại của Ai Cập không chỉ bởi khoảng cách mà còn bởi những hạn chế quân sự nặng nề, Rafah cảm thấy xa cách với các sự kiện thế giới hơn bất kỳ nơi nào trên hành tinh.
Tuy nhiên, trong 3 tuần vừa qua, cuộc chiến giữa Israel với Hamas ở Gaza, Rafah đã trở thành tâm điểm của các cuộc đàm phán nảy lửa, nơi nhiều người, cả quan chức lẫn dân thường, đã dồn nén những hy vọng ngày càng mong manh.
Với việc Israel áp đặt một cuộc bao vây ngột ngạt tại khu vực đông dân cư ở Gaza, Rafah đã trở thành nơi duy nhất vào dải đất này để cung cấp viện trợ cho khoảng 2,3 triệu người.
Cho đến nay, không ai có thể rời khỏi Gaza. Nhưng điều đó có thể sớm thay đổi: Ai Cập nói với chính quyền Gaza rằng họ sẽ tiếp nhận 81 người bị thương nặng từ vùng đất này và điều trị cho họ tại các bệnh viện Ai Cập trong ngày 1/11, theo một tuyên bố từ Cơ quan quản lý biên giới của Gaza.
Việc Ai Cập kiểm soát cửa khẩu Rafah đã mang lại cho nước này vị thế nổi bật với tư cách là một trong những nhà hỗ trợ chính của Gaza và là một bên tham gia quan trọng trong cuộc xung đột, vị thế mà các nhà phân tích cho rằng có thể giúp nước này giành được nhiều hỗ trợ tài chính quốc tế hơn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang đè nặng ở quốc gia Bắc Phi này.
Ai Cập đã nhấn mạnh vai trò đó hôm 31/10 khi chính phủ cho phép các phóng viên đến thăm Rafah vốn được kiểm soát chặt chẽ. Xe cứu trợ và xe tăng quân đội xếp hàng dài trên con đường đầy bụi dẫn đến ngã tư. Hàng chục tình nguyện viên từ các nhóm viện trợ do chính phủ tài trợ và Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập tập trung xung quanh. Một số xe cứu thương đỗ ngay bên trong cổng vòm khổng lồ bao quanh lối đi.
"Ngay từ phút đầu tiên, chúng tôi đã cử các đoàn xe hỗ trợ từ các tổ chức của mình và các tình nguyện viên đã ở đây suốt ngày đêm", Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho biết trong một cuộc họp báo ngắn và nhấn mạnh thêm" "Ai Cập đã gánh vác trách nhiệm nặng về vấn đề Palestine trong nhiều năm. Tuy nhiên, một phần vì những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Ai Cập. Và Rafah chỉ có thể đáp ứng một phần nhu cầu của Gaza".
Các quan chức viện trợ cho biết, chỉ có 241 xe tải viện trợ đã đến Gaza kể từ khi cổng này được mở cách đây 2 tuần sau các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Israel, Ai Cập và Liên hợp quốc, một con số rất nhỏ so với nhu cầu.
Liên hợp quốc cho hay, Liên minh châu Âu (EU), các quan chức Ai Cập và Mỹ, Israel, quốc gia đang tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt các xe tải viện trợ, là nhân tố chính làm chậm quá trình này. Nhưng Tel Aviv hiện đã cho phép khoảng 80 xe tải mỗi ngày nhưng vẫn chưa đủ so với con số 100 xe tải mỗi ngày mà Liên hợp quốc cho là cần thiết.
Ông Wael Abu Omar, người phát ngôn của phía Gaza ở phía cửa khẩu Rafah cho biết, 83 xe tải đã đến Gaza trong ngày 31/10. Đặc phái viên Mỹ được giao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề nhân đạo trong cuộc xung đột David Satterfield cho rằng, cần đẩy nhanh việc viện trợ khi người dân Gaza đang đối mặt tình trạng thảm khốc.
"Đây là một xã hội đang gặp khó khăn và tuyệt vọng", ông Omar nói và cho biết thêm rằng, các cơ quan phân phối viện trợ "phải có năng lực chứng minh rằng viện trợ không mang tính từng giai đoạn".
Các nhà đàm phán cũng đang thúc đẩy nỗ lực sơ tán những người ở Gaza có hộ chiếu nước ngoài và gia đình họ, cùng với nhân viên đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Trong 3 tuần qua, người dân đã đổ xô đến cổng phía Gaza nhiều lần sau khi được thông báo họ có thể được cho đi qua nhưng cuối cùng lại thấy nó đóng cửa.
Mỹ đã công khai đổ lỗi cho Hamas trong khi Ai Cập buộc tội cho Israel, nói rằng nước này đã khiến các hoạt động viện trợ và sơ tán không an toàn bằng cách liên tục ném bom vào phía Gaza.
Nhưng không ai công khai đổ lỗi cho Ai Cập, mặc dù các nhà ngoại giao phương Tây tham gia vào nỗ lực sơ tán nói rằng, nỗi lo sợ của Ai Cập - bao gồm cả việc một đám đông người tuyệt vọng có thể cố gắng vượt biên vào nước này ngay khi cổng mở ra - cũng đóng một vai trò nào đó khiến việc di tản của người nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
Hiện vẫn có khả năng đạt được một thỏa thuận để những người có hộ chiếu nước ngoài rời đi. Nhưng Ai Cập đã nói rõ rằng họ sẽ không chấp nhận số lượng lớn người tị nạn Palestine trên đất của mình. Thủ tướng Madbouly đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng như vậy.
"Không, đó không phải là một giải pháp tốt và tôi phản đối. Đây là đất của chúng tôi và chúng tôi yêu mảnh đất này", anh Mustafa Mouftah, 30 tuổi, giảng viên đại học đến từ thành phố El Arish gần đó của Ai Cập, hiện đang làm tình nguyện làm phiên dịch tại Rafah, cho biết.
Đặc phái viên Satterfield hôm 31/10 cho biết, Mỹ cũng không coi đây là một lựa chọn, đồng thời nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden tôn trọng chủ quyền của Ai Cập và họ tin rằng "tương lai của người dân Palestine ở Gaza là ở Gaza".
Cửa ngõ quan trọng
Nằm ở phía bắc Sinai của Ai Cập, cửa khẩu Rafah là cửa khẩu duy nhất giữa Dải Gaza và Ai Cập, nằm trên hàng rào dài 12,8km ngăn cách Gaza với sa mạc Sinai.
Dải Gaza đã đổi chủ nhiều lần trong 70 năm qua. Nó lần lượt nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập trong cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1948 và của Israel sau cuộc chiến năm 1967. Năm 2005, Israel rút khỏi Gaza và 2 năm sau, dải đất này do Hamas kiểm soát. Kể từ đó, Ai Cập và Israel đã kiểm soát chặt chẽ đường biên giới với Dải Gaza. Israel cũng đã bao bọc dải đất này bằng hàng rào kiên cố.
Israel có 2 cửa khẩu với Gaza, trong đó Erez dành cho người di chuyển và Kerem Shalom cho hàng hóa. Cả 2 đều bị hạn chế nghiêm ngặt và đã đóng cửa kể từ khi xung đột nổ ra và cửa khẩu Rafah với Ai Cập trở thành cửa ngõ duy nhất còn lại của Dải Gaza với thế giới bên ngoài.
Vì vậy, khi Gaza bị Israel không kích và bao vây toàn diện, hy vọng cuối cùng của những người dân Gaza muốn thoát khỏi bom đạn là cửa khẩu Rafah thông với Ai Cập ở phía nam. Nhiều người đã bắt đầu di chuyển về đây với hy vọng có thể rời đi qua Ai Cập nhưng cho đến nay vẫn lực bất tòng tâm.