1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Số phận của các con cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi

Quyết định của Bộ trưởng Tư pháp Lebanon Ashraf Rifi khiến những người quan tâm tới người thân trong gia đình cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi chú ý.

Bởi ông Ashraf Rifi vừa bác bỏ yêu cầu của Libya về việc dẫn độ Hannibal Gaddafi, con trai ông Muammar Gaddafi tới nước này để xét xử.

Việc này diễn ra sau khi kênh truyền hình "Nước Nga 24" dẫn phát biểu hôm 16-12-2015 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, theo đó Washington thừa nhận việc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi (bị sát hại ngày 23-8-2011) là sai lầm.

Từ số phận của Hannibal Gaddafi

Bộ trưởng Tư pháp Ashraf Rifi cho biết, Hannibal Gaddafi là tội phạm đang bị truy nã, cần được thẩm vấn để điều tra, làm rõ xung quanh số phận của Giáo sĩ Imam Moussa al-Sadr và 2 bạn đồng hành.

Được biết, Giáo sĩ Imam Moussa al-Sadr đã "biến mất" từ năm 1978 và việc này trở thành vấn đề nhức nhối ở Lebanon. Nếu còn sống, Giáo sĩ Imam Moussa al-Sadr đã gần 90 tuổi. Nhưng gia đình ông Imam Moussa al-Sadr vẫn tin rằng, Giáo sĩ còn sống trong nhà tù ở Libya, bất chấp việc nhiều người Lebanon cho rằng ông đã qua đời.

Theo ông Ashraf Rifi, Hannibal Gaddafi đang được các nhân viên tư pháp Lebanon thẩm vấn và họ có đủ thẩm quyền đưa ra quyết định phù hợp nhất cho cuộc điều tra.

Theo giới truyền thông, Hannibal Gaddafi bị phiến quân ở Lebanon bắt cóc để khai thác thông tin về số phận của Giáo sĩ Imam Moussa al-Sadr mất tích ở Libya nhiều thập kỷ trước. Nhưng sau đó cảnh sát đã giải thoát Hannibal Gaddafi tại thành phố Baalbek.

Số phận của các con cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi - 1

Theo giới truyền thông, sau khi được cảnh sát giải cứu, tối 11-12-2015, Hannibal Gaddafi đã xuất hiện trong một đoạn video được phát trên kênh truyền hình al-Jadeed TV. Và trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Hannibal Gaddafi đã kêu gọi những ai biết về số phận của Giáo sĩ tên Imam Moussa al-Sadr hãy thông báo với cơ quan chức năng Lebanon. Đồng thời cho biết, sức khỏe của ông hoàn toàn ổn định, vui vẻ và thoải mái.

Nhưng những người xem truyền hình đều thấy trên gương mặt của Hannibal Gaddafi có nhiều vết thương và đôi mắt bầm tím do bị bạo hành khi bị bắt cóc và giam giữ. Điều đáng nói là cảnh sát tuy đã giải thoát Hannibal Gaddafi tại thành phố Baalbek, nhưng lại không tiết lộ về hành tung của nhóm phiến quân từng bắt cóc con trai cố Tổng thống Muammar Gaddafi (Hannibal Gaddafi là con trai thứ năm của ông Muammar Gaddafi với người vợ thứ hai Safia Farkash).

Tuy nhiên, theo giới thạo tin, Hannibal Gaddafi đã bị thành viên của Phong trào Amal Lebanon bắt cóc vì họ muốn biết thông tin về Giáo sĩ Imam Moussa al-Sadr. Trước khi bị nhóm phiến quân bắt cóc tại thủ đô Beirut, Hannibal Gaddafi sống với vợ là Aline Skaff, một người Lebanon.

Số phận của các con cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi - 2

Trước đó (12-10-2011), tờ Daily Mail từng đăng một loạt bức ảnh "nóng bỏng" của Aline Skaff, nguyên là người mẫu đồ lót. Đây là những bức ảnh nhạy cảm ghi lại các chuyến đi chơi xa hoa, lãng phí của họ đến Paris (Pháp), Rome (Italia) và khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Sharm el-Sheikh của Ai Cập.

Hannibal Gaddafi là một trong số các thành viên của gia đình ông Muammar Gaddafi đã đào tẩu thành công sang nước láng giềng Algeria sau khi thủ đô Tripoli thất thủ hồi cuối tháng 8-2011.

Án tử hình của Saif al-Islam Gaddafi

Ngày 28-7-2015, Tòa án Libya đã tuyên án tử hình đối với Saif al-Islam Gaddafi, con trai ông Muammar Gaddafi cùng 8 người khác vì "phạm tội ác chiến tranh".

Saif al-Islam Gaddafi được coi là "thái tử", bị bắt ngày 19-11-2011 tại thành phố Zintan khi đang trốn chạy sang nước láng giềng. Được biết, Seif al-Islam Gaddafi và đoàn tùy tùng đã liên lạc với Yousif Salih al-Mahdi để yêu cầu đưa sang Niger.

Nhưng ngay sau khi nhận được tin, Yousif Salih al-Mahdi đã bí mật liên lạc với phe đối lập, thông báo về nơi ẩn náu của Saif al-Islam Gaddafi, nên "thái tử" đã bị bắt tại vùng sa mạc gần thành phố dầu mỏ phía tây nam Obari vào khoảng 1h30 ngày 19-11-2011 (theo giờ địa phương).

Khi bị bắt, Saif al-Islam Gaddafi chỉ có vài nghìn USD trong túi. Nhưng theo đài Az Zintan TV, lúc bị bắt Saif al-Islam Gaddafi đã đề nghị hối lộ 2 tỷ USD cho các tay súng đối lập để đổi lấy tự do, nhưng bất thành.

Và tuy không có mặt tại phiên tòa ngày 28-7-2015, nhưng Saif al-Islam Gaddafi được xem lại đoạn băng video về phiên khai đình ở trong tù. Cùng bị kết án tử hình với Saif al-Islam Gaddafi còn có cựu Giám đốc cơ quan tình báo Abdullah Senussi và cựu Thủ tướng Al-Baghdadi al-Mahmudi.

Số phận của các con cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi - 3

Theo giới truyền thông, phiên tòa kể trên từng dự kiến diễn ra hồi tháng 4-2014, nhưng phải hoãn lại vì vấp phải chỉ trích của nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền, cùng những tranh chấp chưa được giải quyết với Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague.

Ngày 10-12-2014, ICC đã cáo buộc Libya không thực hiện nghĩa vụ giao nộp Saif al-Islam Gaddafi cho họ để xét xử. Và ICC đã chuyển vụ này lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu giải quyết. Bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từng đề nghị ICC điều tra về các hoạt động tội ác xảy ra trong thời gian diễn ra cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền của ông Muammar Gaddafi, và có thể trừng phạt Libya nếu nước này không giao nộp Saif al-Islam Gaddafi cho ICC.

Theo kết quả điều tra của ICC, Saif al-Islam Gaddafi đã chủ mưu giết người, xúi giục sát hại người biểu tình trong nỗ lực dập tắt cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền của cố Tổng thống Muammar Gaddafi năm 2011. Công tố viên ICC Luis Moreno-Ocampo từng đến Libya để thương đàm với NTC về việc dẫn độ Saif al-Islam Gaddafi tới xét xử tại ICC, nhưng bất thành.

Trước đó (17-1-2013), một tòa án ở Libya đã tiến hành xét xử Saif al-Islam Gaddafi tại thành phố Zentan, bất chấp cuộc tranh cãi giữa nước này với ICC chưa có hồi kết. Trong thông báo hôm 8-4-2012, Bộ trưởng Tư pháp Libya Ali Ashour từng tuyên bố, nước này sẽ không giao nộp Saif al-Islam Gaddafi cho ICC bởi luật pháp Libya là phương thức thích hợp để xét xử con người này.

Một trong những nguyên nhân khiến dư luận đặc biệt quan tâm tới Saif al-Islam Gaddafi bởi ông là "thái tử", người được coi là duy nhất có khả năng tập hợp những bộ lạc trung thành với chế độ cũ chống lại Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC). Và "thái tử" cũng là thành viên cuối cùng trong gia đình cố Tổng thống Muammar Gaddafi bị bắt.

Liên minh châu Âu (EU) từng kêu gọi NTC đưa Saif al-Islam Gaddafi ra trước công lý một cách an toàn. Khi đó, Mỹ, Anh, Pháp cũng hối thúc NTC đảm bảo một phiên tòa công bằng, xét xử nhân đạo, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đối với Saif al-Islam Gaddafi. Washington thậm chí còn yêu cầu NTC hợp tác với ICC để xét xử Saif al-Islam Gaddafi.

Tới chuẩn bị xét xử Saadi Gaddafi

Ngày 6-12-2015, các công tố viên Libya cho biết, Tòa án Hình sự Tripoli đã quyết định hoãn phiên xét xử Saadi Gaddafi, con trai cố Tổng thống Muammar Gaddafi sang đầu năm 2016. Theo công tố viên Ali Dheim, tòa đã quyết định hoãn phiên xét xử Saadi Gaddafi đến ngày 7-2-2016 để xác định một số nghi vấn chưa được làm rõ.

Đó là Mohammed Abdullah Senussi, con trai cựu Giám đốc cơ quan tình báo Libya Abdullah Senussi, nghi can bị cáo buộc phạm tội giết người với Saadi Gaddafi. Saadi Gaddafi bị Tòa án Hình sự Tripoli buộc tội giết hại một cầu thủ bóng đá và phạm nhiều tội khác trước khi xảy ra làn sóng biểu tình năm 2011 lật đổ chính quyền của cố Tổng thống Muammar Gaddafi.

Số phận của các con cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi - 4

Trước đó (11-11-2011), Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou đã tuyên bố, cho phép ông Saadi Gaddafi, con trai ông Muammar Gaddafi được tị nạn chính trị ở nước này vì lý do nhân đạo. Thông báo này từng khiến cho mối quan hệ vốn không êm đẹp giữa Niger và NTC rơi vào căng thẳng.

Ngày 12-10-2011, đại diện NTC từng bác bỏ thông tin về việc bắt giữ ông Mutassim Gaddafi, con trai ông Muammar Gaddafi chỉ vài giờ sau khi một số quan chức của họ tuyên bố chủ đề nhạy cảm này.

Mutassim Gaddafi cùng "thái tử" Saif al-Islam Gaddafi từng được coi là những người có khả năng kế nhiệm ông Muammar Gaddafi.

Dư luận cũng từng quan tâm tới đề xuất của Tổng thống Iraq Jalal Talabani khi cho phép gia đình cố Tổng thống Libya tới tị nạn ở nước này và Quốc hội đã chất vấn ông Jalal Talabani xung quanh chủ đề kể trên.

Ngày 23-12-2015, trang Ozy News đặt câu hỏi: Ai đã cướp số tiền 1 tỉ USD của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Và vụ cướp số tiền kể trên được trang Ozy News gọi là vụ cướp ngân hàng lớn nhất và dễ nhất trong lịch sử thế giới.

Bởi vào khoảng 4 giờ ngày 18-3-2003, một ngày trước khi tên lửa hành trình Mỹ bắt đầu dội xuống thủ đô Iraq, 3 xe tải lớn đã tới Ngân hàng trung ương Iraq. Và chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, các thùng sắt đã chứa 900 triệu USD (mệnh giá 100 USD) và 100 triệu USD bằng euro.

Người chỉ đạo việc này là Qusay Hussein, con trai cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Nhưng số tiền kể trên sau đó đã lọt vào tay quân đội Mỹ và hành trình của nó được đề cập chi tiết trong cuốn "Trả bất cứ giá nào" của tác giả James Risen.

Theo Anh Phương

Cảnh sát toàn cầu