1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Singapore làm “mếch lòng” hàng xóm

(Dân trí) - Nếu Singapore và các quốc gia láng giềng không thể thống nhất việc chia sẻ các nguồn tài nguyên cơ bản như nước và cát, giấc mơ về một thị trường chung vào năm 2015 - mục tiêu của 10 thành viên trong ASEAN, có thể sẽ trở thành viển vông.

Một số quốc gia thường xây dựng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, những nước khác có kho gạo hoặc lúa mì, nhưng đảo quốc Singapore lại cần dự trữ khẩn cấp về cát nhập khẩu.

 

Cát là nguyên vật liệu quan trọng cho ngành xây dựng đang phát triển như vũ bão tại Singapore hiện nay. Tuy nhiên, nhu cầu khổng lồ này đang bị gián đoạn khi Indonesia, đối tác cung cấp cát lâu nay cho đảo quốc, đột nhiên cấm xuất khẩu mặt hàng cát từ tháng 2 vừa rồi. Nguyên nhân của sự việc được Indonesia giải thích là do tác động của sự bùng nổ xây dựng trên các bãi biển tại Singapore trong thời gian gần đây, gây huỷ hoại môi trường thiên nhiên.

 

Lệnh cấm này là mâu thuẫn mới nhất trong hàng loạt những tranh chấp giữa Singapore và các quốc gia láng giềng. Giới phân tích nhận định, những bất đồng gần đây đã cản trở khả năng cạnh tranh của Đông Nam Á với các nền kinh tế lớn trong châu lục là Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Robert Broadfoot, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn rủi ro kinh tế và chính trị tại Hong Kong nhận định: "Họ đang ganh đua với nhau nhiều hơn là trở thành các đồng minh lâu đời".

 

Mâu thuẫn giữa Singapore và các nước láng giềng cũng làm gia tăng nghi ngờ về cuộc chạy đua nhằm mở rộng đầu tư của Singapore trong khu vực. Vấn đề có thể sẽ trầm trọng thêm nếu gọi mâu thuẫn này là xung đột cá nhân giữa một trong những quốc gia giàu nhất thế giới với những người hàng xóm lớn, nhưng nghèo.

 

Drajad Wibowo, một nhà lập pháp của Indonesia nói: "Chúng tôi nhìn nhận Singapore ở 2 góc độ khác nhau. Một mặt coi Singapore là quốc gia kiểu mẫu cho sự phát triển, mặt khác là một ông trùm kinh tế ngạo mạn muốn sử dụng khả năng tài chính để làm suy yếu các quốc gia láng giềng”.

 

Singapore là một đảo quốc với dân số chủ yếu là người Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Singapore đã tận dụng vị trí địa lý lịch sử như một đầu mối giao thương để thu hút đầu tư và sản xuất. Chỉ trong vòng 20 năm, Singapore đã nhảy vọt lên bảng xếp hạng những quốc gia ảnh hưởng nhất thế giới, bỏ xa Malaysia, Indonesia và Thái Lan một chặng đường dài.

 

Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad phàn nàn trên một kênh truyền hình Thái Lan vào tháng 1/2007 rằng: "Singapore không thực sự quan tâm tới ý kiến của những người hàng xóm. Họ tin rằng điều quan trọng nhất là cái làm lợi cho họ".

 

Với Singapore, Thái Lan cũng có nhiều bất đồng từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, mâu thuẫn càng gia tăng khi các ngân hàng Singapore chộp cơ hội mua lại các ngân hàng Thái trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

 

Năm 2004, Singapore kí kết một hợp đồng kéo dài 15 năm với quân đội Thái để sử dụng một trong những căn cứ quân sự của nước này. Các nhóm hoạt động xã hội tại Thái Lan cho rằng hợp đồng này đã vi phạm chủ quyền của đất nước.

 

Gần đây, Singapore và Thái Lan tiếp tục mâu thuẫn khi tập đoàn Temasek, Singapore mua lại công ty truyền thông của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm ngoái. Chính phủ Thái nói sự chuyển nhượng là bất hợp pháp nhưng Singapore phủ nhận điều này.

 

Với Indonesia, hiện chưa rõ nguyên nhân thực sự của lệnh cấm xuất khẩu cát với Singapore. Các quan chức Indonesia giải thích rằng việc xuất khẩu cát ồ ạt gây thiệt hại cho môi trường. Từ năm 2002, Indonesia bắt đầu hạn chế xuất khẩu mặt hàng này vì những đảo cát nổi lên trước đây đã gần như biến mất khi Singapore tăng cường dự trữ cát.

 

Và giờ đây, khi giá cát cao gấp 3 lần so với trước kia, Singapore đang giảm dần nhu cầu trong khi nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Tuy nhiên, nguồn dự trữ cát sẽ kéo dài trong bao lâu và họ mua cát ở đâu không được các nhà chức trách tiết lộ.

 

VTH

Theo IHT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm