1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Singapore "cấm cửa" chiến hạm hải quân Indonesia

(Dân trí) - Singapore ngày 18/2 tuyên bố sẽ cấm một chiến hạm Indonesia vào các cảng và căn cứ hải quân nước này vì con tàu được đặt tên theo 2 lính thủy quân lục chiến từng đánh bom một tòa nhà văn phòng ở đảo quốc sư tử vào những năm 1960.

Một tàu của hải quân Indonesia.

Một tàu của hải quân Indonesia.
 
Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho hay con tàu mang tên Usman Harun sẽ bị cấm vì một cuộc tranh cãi liên quan tới quyết định của hải quân Indonesia nhằm đặt tên cho tàu khu trục mới được tân trang này theo tên 2 lính thủy quân lục chiến là Usman Haji Mohamed Ali và Harun Said.

Usman và Harun đã bị kết án và tử hình tại Singapore vì vụ đánh bom tòa nhà MacDonald House ở Singapore vào tháng 3/1965, làm 3 người chết và 33 người bị thương. Nhưng các lính thủy quân lục chiến này, vốn vào Singapore bằng cách cải trang thành thường dân, lại được tôn vinh như những anh hùng ở Indonesia.

Cuộc thâm nhập bí mật của họ nằm trong một âm mưu của Tổng thống Indonesia khi đó là Sukarno nhằm phát động cuộc đối đầu có vũ trang chống lại liên bang Malaysia mới thành lập, lúc ấy bao gồm cả Singapore.

"Singapore sẽ không cho phép tàu quân sự tên gọi Usman Harun ghé vào tất cả các cảng và các căn cứ hải quân của chúng ta", ông Ng phát biểu trước quốc hội ngày 18/2. "Các lực lượng vũ trang Singapore cũng không tham gia tập trận với tàu này".

Trong bài phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho hay Bộ quốc phòng và quân đội Singapore "rất thất vọng về động thái không thể giải thích được của phía Indonesia".

"Dù là không có ý xấu, nhưng việc đặt tên một con tàu theo tên 2 kẻ đánh bom không giúp xây dựng quan hệ tốt hoặc thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước chúng ta", ông Ng Eng Hen nhấn mạnh.

Quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng gần đây xung quanh chuyện Indonesia đặt tên cho một tàu khu trục hải quân mới theo tên 2 lính thủy quân lục chiến.

Singapore, vốn tách khỏi Malaysia để trở thành quốc gia độc lập vào năm 1965, và Indonesia đều là các quốc gia thành viên của khối ASEAN.

Quan hệ giữa hai nước đã rơi xuống mức thấp vào cuối những năm 1990 sau khi chế độ Suharto sụp đổ và người kế nhiệm của ông là B.J. Habibie gọi Singapore là "một chấm đỏ" trên bản đồ thế giới.

Nhưng quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.

Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Singapore, với tổng thương mại song phương đạt 62,6 tỷ USD vào năm 2012.

An Bình
Theo AFP